3.884. Sự việc tại Ngân hàng SCB: Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo

Sự việc tại Ngân hàng SCB: Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo

(VOV2) – Sự việc xảy ra ở Ngân hàng SCB là vụ việc không phải quá lớn đến mức không thể kiểm soát được. Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã cam kết đảm bảo tiền gửi trong mọi trường hợp. Do đó, người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo.
Ồ ạt rút tiền theo “hiệu ứng đám đông”

Trong những ngày qua, trước những thông tin không tích cực liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB), rất đông người người dân đã đứng xếp hàng dài đợi ngân hàng mở cửa để vào làm thủ tục rút tiền trước hạn. Theo ghi nhận của PV VOV2, không chỉ ở Phòng giao dịch Xã Đàn (Hà Nội), mà ở nhiều điểm giao dịch khác của Ngân hàng SCB trên địa bàn Hà Nội như Nguyễn Đình Chiểu, Kim Đồng, đều trong tình quá tải do người dân ùn ùn kéo đến để rút tiền.

Xếp hàng từ 2h sáng nay (10/10), chị Nguyễn Minh Nguyệt ở Khâm Thiên, Hà Nội, mang 3 sổ tiết kiệm, sổ thấp nhất là 100 triệu ra phòng giao dịch Ngân hàng SCB chi nhánh Xã Đàn rút tiền. Sau khi đưa ra yêu cầu và nhận câu trả lời từ nhân viên ngân hàng “Lập sổ ở đâu thì ra đó rút”, chị Nguyệt vô cùng bức xúc nên đã cùng một số khách hàng khác kéo vào phòng của lãnh đạo phòng giao dịch để phản ánh:“Không thể làm việc cứng nhắc như thế được. Đây là sổ tiết kiệm…muốn thay đổi quy định, phải có thông báo từ trước, không phải bây giờ cứ muốn là làm như thế được”.

Tại điểm giao dịch Xã Đàn, Hà Nội, phần đông người đến rút tiền là những người trung tuổi và cao tuổi. Họ dành dụm tiền lương hưu, tiền con cháu biếu tặng để tiết kiệm cho tuổi già. Dẫu Ngân hàng SCB đã in thông báo cùng những cam kết của Ngân hàng Nhà nước dán ở khắp nơi nhưng có lẽ vẫn chưa đủ để xoa dịu nỗi hoang mang, lo lắng của người dân.

12 giờ ngày 10/10, nhân viên ngân hàng thông báo nghỉ trưa. Một số người dân vẫn quyết tâm bám trụ lại, chờ đến chiều. Cửa cuốn phòng giao dịch từ từ đóng lại.

Bên ngoài ngân hàng, gần 20 người nữa vẫn đang đứng chờ. Tâm lý đám đông khiến cho người không lo lắng cũng thành bất an.

Người dân chờ đợi bên ngoài Chi nhánh ngân hàng SCB chi nhánh Xã Đàn-Hà Nội

“Cũng biết Ngân hàng nhà nước đã có thông tin trấn an người dân, và cũng hiểu xác suất tái cơ cấu rất ít nhưng thời gian này nhiều lãnh đạo ngân hàng bị kỷ luật nên người dân mất lòng tin, lo lắng về công tác quản lý của các cơ quan chức năng. Giờ lại thêm vụ việc của Vạn Thịnh Phát nữa thì người dân chúng tôi càng hoang mang”- Chính vì tâm lý này nên chị Tạ Thị Thanh, ở Đống Đa, Hà Nội quyết nghỉ việc từ thứ 7 vừa rồi để đi đăng ký số thứ tự rút tiền vào sáng nay.

Không chỉ có chị Nguyệt, chị Thanh, ở thời điểm này còn rất nhiều người dân cũng cùng chung một tâm lý “đứng ngồi không yên”, đua theo tâm lý đám đông, nghỉ việc, nhịn ăn để chờ được rút tiền tiết kiệm ra khỏi Ngân hàng SCB.

Những động thái và biện pháp xử lý kịp thời từ phía Ngân hàng Nhà nước

Trước các vấn đề liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ngay đầu giờ sáng nay (10/10), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng các biện pháp cần thiết để Ngân hàng SCB hoạt động bình thường, đảm bảo khả năng thanh khoản.

Đối với người gửi tiền tại Ngân hàng SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung, Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh: “Ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB đều được nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp“. Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng khuyến cáo:“Tôi cho rằng những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình”.

Sự việc tại Ngân hàng SCB: Người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Ngoài ra, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng còn cho rằng, với vai trò ngân hàng Trung ương cũng như vai trò của cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng, khi xây dựng, hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB.

Trao đổi với PV VOV2, chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng: Sự việc xảy ra ở Ngân hàng SCB chỉ là vụ việc nhỏ, không phải quá lớn đến mức không thể kiểm soát được. Thêm vào đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cũng đã đã cam kết đảm bảo tiền gửi trong mọi trường hợp nên người dân cần bình tĩnh, tỉnh táo để có giải pháp xử lý phù hợp, tránh thiệt thòi cho bản thân.

“Người dân đang gửi tiền tiết kiệm tại SCB không nên hoang mang vì trước đây cũng có nhiều ngân hàng gặp những khó khăn tương tự nhưng Ngân hàng Nhà nước đều kiểm soát và hỗ trợ để ngân hàng đó hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Ông cũng đánh giá cao các biện pháp xử lý kịp thời và dứt khoát của Ngân hàng Nhà nước để sớm ổn định tâm lý của người gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB.

“Sau sự việc xảy ra tại Ngân hàng SCB, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã trực tiếp thông báo và có cam kết với người dân về việc bảo toàn vốn tiền gửi cũng như vốn đầu tư trái phiếu tại đây nên người dân phải hết sức bình tĩnh. Nếu rút tiền trước hạn sẽ rất thiệt thòi, không được hưởng lãi đồng thời gây ra những xáo trộn không đáng có trong hệ thống ngân hàng nói riêng và cả xã hội nói chung. Và cuối cùng ảnh hưởng lớn nhất vẫn là người dân” – Đó cũng là khuyến cáo của Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Sau những xáo trộn, liệu Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) có khả năng mất thanh khoản? Trả lời băn khoăn này của dư luận, TS Cấn Văn Lực khẳng định, trường hợp này chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra. TS Lực cho rằng: Tất cả tình huống đều đã được tính toán trong các kịch bản chi tiết và trong mọi trường hợp đều có sự bảo trợ của Ngân hàng Nhà nước cũng như bảo hiểm tiền gửi của ngành ngân hàng. Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cũng đã có kinh nghiệm xử lý những vụ việc như thế này trong quá khứ và hiện nay đã chuẩn bị kỹ lưỡng những kịch bản cần thiết.

“Tình trạng một số người dân lo lắng rút tiền gửi trước hạn khi lãnh đạo ngân hàng bị bắt đã từng xảy ra ở nước ta song đến nay, tất cả các ngân hàng xảy ra biến cố đều hoạt động bình thường, quyền lợi của người dân được bảo đảm. Trường hợp cần thiết, cơ quan này sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản để ổn định và bảo đảm an toàn hệ thống”, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Quyền lợi của người gửi tiền luôn được Ngân hàng Nhà nước và pháp luật đảm bảo

Trả lời phỏng vấn của PV VOV2, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, theo Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 đã quy định rất rõ ràng, trách nhiệm của các tổ chức tín dụng nói chung và ngân hàng nói riêng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp không thể chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi sẽ chi trả tiền bảo hiểm…

Ngoài ra cũng còn nhiều quy định pháp luật khác để bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền vì một trong những yêu cầu quan trọng nhất, cơ bản nhất mang tính sống còn của hệ thống ngân hàng đó chính là đảm bảo sự an toàn của người gửi tiền. Chẳng hạn như Luật các Tổ chức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước quy định khi một ngân hàng có nguy cơ, gặp khó khăn, các ngân hàng khác sẽ có trách nhiệm cùng tham gia hỗ trợ. Với sự bảo đảm của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước như vậy, các ngân hàng sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm cùng pháp luật tham gia hỗ trợ, giải quyết những vấn đề khó khăn chung.

“Người dân hoàn toàn có cơ sở, kể cả pháp lý lẫn cơ chế chính trị và cơ chế thực tế như đã giải quyết các vụ việc khác tương tự với các cách thức khác nhau nên vụ việc này không có gì đáng lo ngại. Người dân tránh hoang mang để gây căng thẳng cho Ngân hàng SCB nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung”, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định.

Cũng liên quan đến sự việc xảy ra tại Ngân hàng SCB, trong những ngày qua, có những đối tượng đã lợi dụng để tung tin thất thiệt khiến người dân ồ ạt rút tiền ngân hàng.

Những thông tin thất thiệt cần bị xử lý nghiêm

Mới đây, Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam cho biết, đã xác định được một đối tượng đăng tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, tạo tâm lý bất an đẩy sự việc căng thẳng hơn. Hiện Công an tỉnh Hà Nam đang củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, việc lợi dụng sự việc tại Ngân hàng SCB để tung tin thất thiệt hiện không có quy định xử lý riêng trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, trong các quy định của pháp luật của Nhà nước thì hành vi này cũng đã được xác định rất rõ ràng với mức xử phạt vô cùng nghiêm minh. Bởi vậy LS Đức khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Những ai vi phạm đều sẽ bị xử lý trước pháp luật.

THANH HƯƠNG – ANH TgHU

—————–

VOV2 (Đời sống xã hội) 10-10-2022:

https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/su-viec-tai-ngan-hang-scb-nguoi-dan-can-binh-tinh-tinh-tao-37999.vov2

(410/1.977)

#SCB

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,944