Giảm mạnh số vụ lừa đảo nhờ xác thực sinh trắc học.
(VietQ.vn) – Qua hơn 3 tháng triển khai, việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền đã chứng minh được hiệu quả trong phòng chống lừa đảo.
Theo đó, từ ngày 1/7, giao dịch chuyển tiền điện tử có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giao dịch trong ngày trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học. Sau hơn 3 tháng triển khai, biện pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong phòng chống lừa đảo. Theo báo cáo từ các tổ chức tín dụng, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50% so với trước đây.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, kể từ khi áp dụng quy định xác thực sinh trắc học, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% và số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm trên 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có trên 37 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Từ ngày 1/1/2025, tất cả tài khoản chưa được các ngân hàng hay các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra đảm bảo chính chủ thì những khách hàng này chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy.
Hoạt động này nhằm bảo vệ an toàn cho khách hàng khi giao dịch trực tuyến, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ lừa đảo có thể xảy ra.
Theo đó, đã có 38 triệu tài khoản được liên kết với dữ liệu sinh trắc học. Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho hay, hầu hết khách hàng thực hiện giao dịch trên 10 triệu đồng/lần và 20 triệu đồng/ngày đều đã chủ động cập nhật thông tin.
Ngân hàng Nhà nước ghi nhận khoảng 38 triệu tài khoản được xác thực sinh trắc học. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Sau 2 tháng áp dụng quyết định 2345, số lượng giao dịch trung bình mỗi ngày vẫn duy trì ở mức 25 triệu giao dịch, cho thấy hoạt động thanh toán không bị ảnh hưởng đáng kể.
Bên cạnh đó, việc triển khai xác thực sinh trắc học đã giúp giảm đáng kể số lượng tài khoản liên quan đến hoạt động gian lận. Cụ thể, số vụ gian lận được ghi nhận chỉ còn 700 vụ và số lượng tài khoản liên quan còn khoảng 682 tài khoản, giảm lần lượt 50% và 72% trong 7 tháng đầu năm.
Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ ban hành thông tư mới thay thế thông tư 35 về an toàn trong giao dịch trực tuyến, thay thế cho Quyết định 2345, nhằm nâng cao đáng kể mức độ bảo mật cho các giao dịch trực tuyến. Để nâng cao bảo mật thông tin, cơ quan này cũng quy định từ đầu năm 2025, khách hàng muốn tiếp tục sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến sẽ phải hoàn tất thủ tục xác thực sinh trắc học, nếu chưa thực hiện sẽ chỉ được phục vụ tại quầy giao dịch.
Luật sư Trương Thanh Đức khuyến cáo, người dân cần cân nhắc giữa tiện ích và rủi ro. Đặc biệt trong bối cảnh hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng đang trở thành vấn nạn không chỉ ở trong nước mà cả thế giới, việc xác thực sinh trắc học là hết sức cần thiết.
“Khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng cần thực hiện xác thực sinh trắc học để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, tài sản cá nhân và tự bảo vệ mình, tránh xảy ra thiệt hại đáng tiếc. Đây là biện pháp giúp ngăn chặn vấn nạn tội phạm công nghệ, bảo vệ hệ thống ngân hàng. Việc xác thực sinh trắc học chỉ cần thực hiện một lần nhưng đem lại sự thuận tiện chứ không hề gây phiền toái cho khách hàng” – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh.
Để quy định về sinh trắc học được triển khai hiệu quả, bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đề xuất NHNN hướng dẫn các ngân hàng từng bước tiêu chuẩn hóa các tiêu chuẩn về sinh trắc học và xác thực định danh điện tử, từ đó xây dựng bộ tiêu chuẩn chung để ngân hàng áp dụng.
Về phía khách hàng, bà Giao khuyến nghị cần có nhận thức đúng, đầy đủ về lợi ích của sinh trắc học, trang bị kiến thức về giao dịch an toàn trên môi trường số.
Thanh Hiền (t/h)
————-
VietQ (Doanh nghiệp) ngày 16-10-2024:
https://vietq.vn/giam-manh-so-vu-lua-dao-nho-xac-thuc-sinh-trac-hoc-d226434.html
(142/863)