3.897. Vẫn còn tình trạng ép người vay tiền mua bảo hiểm kiểu ‘bia kèm lạc’

Vẫn còn tình trạng ép người vay tiền mua bảo hiểm kiểu ‘bia kèm lạc’.

(PLO) – Không ít người dân phản ánh cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn tình trạng ngân hàng ép khách mua bảo hiểm, nếu không sẽ không thể được vay tiền.

Dù luật đã có quy định cấm nhưng nhân viên tại một số ngân hàng vẫn tiếp tục bằng cách này cách khác thuyết phục khách mua bảo hiểm như điều kiện để giải ngân khoản vay

Nơi ép nơi không

Chị Nguyễn Minh Nguyệt trú tại quận Cầu Giấy – Hà Nội phản ánh về việc gần đây khi cần vay hơn 1 tỷ để mua căn hộ chung cư, chị có tìm đến một ngân hàng thương mại để hỏi vay tiền. Bởi căn hộ định mua đã có sẵn sổ đỏ nên quá trình chuẩn bị thủ tục vay vốn diễn ra khá nhanh chóng.

Tuy nhiên, khi chuẩn bị ký hợp đồng vay vốn với lãi suất 7,5%/năm cho 2 năm đầu, chị lại bị nhân viên ngân hàng gây sức ép về việc phải mua khá nhiều loại bảo hiểm, trong đó có bao gồm bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe mới được giải ngân khoản vay. Tính chung lại tổng số tiền chị phải bỏ ra cho khoản vay khoảng hơn 1 tỷ lên đến khoảng hơn 20 triệu đồng cho tất cả các loại chi phí trên.

Nhân viên ngân hàng giải thích đối với nhà chung cư, việc mua bảo hiểm cháy nổ là bắt buộc, nhưng vì khoản tiền không quá lớn nên chị Nguyệt chấp nhận. Khoản tiền bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe gắn kèm với khoản vay mới khiến chị suy nghĩ.

Nhân viên ngân hàng chào mời rằng nếu chị đồng ý mua đủ hết các loại bảo hiểm nói trên, chị sẽ được hạ lãi suất vay khoảng 0,3 đến 0,5% cho hai năm đầu tiên. Nhân viên ngân hàng giải thích rằng: “Bù qua bù lại, tính ra khoản tiền chị bỏ ra cũng không thêm bao nhiêu”. Dù vậy, chị Nguyệt vẫn cảm thấy mình đang bị ngân hàng xử ép nên tạm thời chị đang quyết định cân nhắc thêm.

Trước đó, chị tìm đến một ngân hàng thương mại lớn khác và cũng có tình trạng nhân viên tín dụng dù nói là chỉ tư vấn nhưng gần như liên tục thúc ép chị mua bảo hiểm khoản vay để nhanh chóng được giải ngân.

Cụ thể tại ngân hàng này, chị được chào lãi suất 6 – 6,5% cho 2 năm đầu; từ năm thứ 3 trở đi là lãi suất tiết kiệm 24 tháng + 4% nếu chị chấp nhận mua bảo hiểm khoản vay khoảng 13,14 triệu đồng khi ký hợp đồng tín dụng. Còn nếu không mua, lãi suất sẽ là 8%/năm ngay từ năm đầu.

Dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng ép khách mua bảo hiểm. Bản thân người viết cũng đã từng trải nghiệm vay tiền mua nhà tại một ngân hàng thương mại khác, tại đây dù chào lãi suất cao hơn một chút so với nhiều ngân hàng khác và cũng có tư vấn mua các loại bảo hiểm, nhưng khi khách hàng từ chối mua, không mua cả bảo hiểm cháy nổ và kiên quyết bỏ đi ngân hàng khác, khoản vay vẫn được giải ngân bình thường.

Như vậy có thể thấy trong các ngân hàng thương mại, có sự không đồng nhất về việc có ép mua bảo hiểm hay không, mua bảo hiểm loại nào.

Không được mập mờ

Kể từ đầu tháng 7 vừa qua, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành, trong đó quy định cấm ngân hàng bán bảo hiểm không bắt buộc “gắn kèm” khoản vay, hay nói cách khác là “ép” khách hàng mua bảo hiểm.

còn tình trạng ép người vay mua bảo hiểm

Trong nhiều trường hợp, nếu khách không chịu mua bảo hiểm, khách sẽ phải chịu lãi suất cao hơn, hoặc ngân hàng sẽ không giải ngân – Ảnh minh họa: Generali

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quy định trên được hiểu rằng tổ chức tín dụng không được bán kèm với điều kiện phải mua thì mới được ngân hàng hạ lãi suất, cho vay, hay những điều kiện khác có tính chất ép buộc.

Còn nếu tự nguyện, khách hàng có nhu cầu thì các ngân hàng vẫn được bán bảo hiểm. Tuy nhiên, khi đã có cơ sở pháp lý rõ ràng thì người dân cần hiểu để có cơ sở khiếu nại, phản ánh nếu cảm thấy mình thật sự bị ép.

Còn khi đã ký vào hợp đồng bảo hiểm thì đó là thỏa thuận, tự nguyện. Bản thân các ngân hàng hay nhân viên tín dụng không được phép mập mờ như trước mà nên quy định rõ. Ví dụ như thỏa thuận khách hàng mua bảo hiểm ở chỗ khác là giá như thế này, nhưng mua ở ngân hàng này sẽ có giá thấp hơn. Đó là thỏa thuận thông thường giữa hai bên.

“Tôi nghĩ rằng trước đây nhiều ngân hàng mập mờ, nhân viên tín dụng cũng cố chạy đua lấy chỉ tiêu bán bảo hiểm để nhận hoa hồng nên cũng mập mờ và thông tin thì không công bố rõ. Hiện nay khi cơ sở pháp lý rõ ràng thì hoạt động này của các ngân hàng sẽ thận trọng hơn”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh.

Một vấn đề còn tồn tại nữa là quy định pháp luật không rõ ràng. Luật sư Nguyễn Thanh Hải tại Hà Nội nhấn mạnh trong luật không có định nghĩa khách hàng bị “ép” là như thế nào. Vì trên hợp đồng là giấy tờ thì đó là thỏa thuận, tự nguyện của khách hàng…

Ngoài ra, mức xử phạt đối với việc vi phạm bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe bị phạt tiền tối đa 100 triệu đồng là còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe khi các nhà băng mỗi năm có thể thu về vài chục tỉ đến hàng trăm tỉ đồng cho hoạt động này.

Vì vậy ông kiến nghị cần gia tăng mức xử phạt như nêu rõ là phạt 100 triệu đồng/lượt vi phạm (hay tương ứng 100 triệu đồng/hợp đồng vi phạm) chứ không phải là 100 triệu đồng cho hành vi vi phạm (vì có khi một lần kiểm tra thì có vài trăm hợp đồng vi phạm). Không chỉ vậy, cần thiết lập đường dây nóng để người dân có thể lập tức phản ánh và được xử lý.

Trả lời vấn đề này, đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Đức Long, phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra cho biết pháp luật đã nghiêm cấm việc ép buộc khách hàng mua, giao kết ký hợp đồng bảo hiểm.

Cụ thể, khoản 5 điều 9 luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và khoản 5 điều 15 luật Các tổ chức tín dụng 2024 đều quy định rõ hành vi này: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.

Câu chuyện vay tiền ở Mỹ

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong ngành tài chính Mỹ, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu, khẳng định: “Tôi chưa từng thấy có nước nào mà ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay tiền như ở Việt Nam”.

Theo ông Hiếu, ở Mỹ, khi vay tiền ngân hàng có sự phân định rõ đối tượng vay. Nếu bên vay là doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp đứng hợp đồng vay cần phải ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để phòng trường hợp trong quá trình vay nếu người chủ doanh nghiệp có vấn đề về sức khỏe khiến cho mất khả năng trả nợ, thì bên bảo hiểm sẽ đứng ra xử lý khoản vay.

Còn với cá nhân, ông Hiếu chia sẻ, nếu là số tiền lớn và người vay tiền đã có bảo hiểm nhân thọ, thì trên hợp đồng bảo hiểm, ngân hàng sẽ trở thành người thụ hưởng để phòng trường hợp người đó gặp trục trặc không trả được nợ, bảo hiểm sẽ đứng ra trả cho ngân hàng.

Đối với vay mua nhà, có một loại bảo hiểm mà người Mỹ phải mua, đó chính là loại bảo hiểm về quyền tự hữu tài sản (property title insurance) để đảm bảo chắc chắn tài sản không có tranh chấp về pháp lý (tuy nhiên loại này phù hợp với đặc thù xã hội Mỹ). Ngoài ra, người đi vay trả lãi vay chứ không mất thêm chi phí nào, tùy từng ngân hàng mà chính sách lãi vay sẽ khác nhau.

Chính vì vậy, ông Hiếu nhấn mạnh việc ngân hàng ép khách hàng mua quá nhiều loại bảo hiểm như ở Việt Nam là trái luật và không chấp nhận được.

Thống nhất thiết lập đường dây nóng

Mới đây, cử tri tỉnh Khánh Hòa phản ánh với NHNN về việc thời gian qua, khi người dân đi vay vốn ở các ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại vẫn bị ép phải mua các loại bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… mới được giải ngân khoản vay.

Vì vậy, cử tri kiến nghị NHNN tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi trên để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay

Trả lời cử tri, NHNN khẳng định pháp luật hiện hành đã có quy định nghiêm cấm hành vi ép khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng đã có chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức, cá nhân có hành vi này.

NHNN cũng thông tin, cơ quan này thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng; Yêu cầu tổ chức tín dụng chủ động triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật…

Đặc biệt, NHNN và Bộ Tài chính đã trao đổi, làm việc và thống nhất thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Ngọc Diệp

————-

Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 22-10-2024;

https://plo.vn/van-con-tinh-trang-ep-nguoi-vay-tien-mua-bao-hiem-kieu-bia-kem-lac-post815846.html

(68/1.862)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,975