‘Giá vàng tăng dữ dội, dự báo có thể hướng tới 2.800 USD/ounce’.
(TT) – Giá vàng nhẫn hiện vượt mốc 87 triệu đồng/lượng, vàng miếng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng so với ngày 21/10. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn Cầu, người dân, nhà đầu tư nếu mua vàng “lướt sóng” cần thận trọng.
Trong khoảng 1 tuần qua, giá mỗi lượng nhẫn đã tăng khoảng 3,5 triệu đồng, còn vàng miếng tăng 4 triệu đồng. Còn so với thời điểm đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn tăng 23,5 triệu đồng, tương đương hiệu suất hơn 37%; vàng miếng tăng 20 triệu một lượng, tương ứng mức tăng 20%.
Trong phiên sáng 22/10, các doanh nghiệp tiếp tục đồng loạt tăng giá vàng miếng SJC là 1 triệu đồng/lượng so với cuối ngày 21/10 với giá mua vào là 87 triệu đồng/lượng, bán ra là 89 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn cũng đi lên nhưng mức tăng thấp hơn. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng nhẫn loại 1 – 5 chỉ ở mức 85,1 – 86,4 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 200.000 đồng/lượng so với ngày 21/10.
Vàng bày bán tại một cửa hàng kinh doanh Công ty vàng Bảo Tín Mạnh Hải. Ảnh: Trần Việt/TTXVN
Từ chiều 21 đến sáng 22/10, giá nhẫn trơn cũng được các thương hiệu liên tục nâng lên mức kỷ lục mới. Giá mua bán nhẫn trơn tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) mua vào bán ra ở mức 85,1 – 86,4 triệu đồng tăng 200.000 đồng so với cuối ngày 21/10. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá giao dịch nhẫn trơn là 85,8 – 86,75 triệu đồng (mua vào – bán ra).
Trong khi đó tại một số thương hiệu lớn khác, giá nhẫn trơn thậm chí tăng lên 87 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu sáng 22/10, giá mua vào bán ra ở mức gần 86 – 87 triệu đồng/lượng. Còn hệ thông Doji cũng đưa giá vàng nhẫn lên 87 triệu đồng/lượng trước khi giảm nhẹ về 85,9 – 86,9 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường quốc tế, giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh cao mới của mọi thời đại trong phiên giao dịch đầu tuần. Theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco, có thời điểm giá vàng giao ngay vượt 2.730 USD/ounce, mức cao nhất trong lịch sử. Dù giá vàng đã hơn 30 lần lập kỷ lục trong năm nay, giới phân tích cho rằng, dư địa tăng cho tới khi giá đạt trần còn lớn.
“Nếu giai đoạn trước, vàng được hỗ trợ bởi lộ trình cắt giảm lãi suất của Mỹ và ngân hàng Trung ương các nước. Hiện, các yếu tố về bất ổn địa chính trị ở khu vực Trung Đông càng khiến vàng được hưởng lợi, dòng tiền từ nhà đầu tư chảy vào nhiều hơn, giá vàng còn tiếp tục đi lên”, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích. Chuyên gia này dự báo, giá vàng thế giới có thể lên đến mức 2.800 USD/ounce nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng như hiện nay. Thậm chí tới năm 2025 có thể hướng tới mốc 3.000 USD/ounce.
Từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 30%. Giá vàng thế giới có thể tăng tiếp khi đang được nhiều yếu tố hỗ trợ. “Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại khác. Bởi khó có thể dự đoán được giá vàng trong nước có trở lại vùng đỉnh 91 triệu đồng/lượng hay không? do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang duy trì chính sách bình ổn giá, kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Việc NHNN duy trì chính sách bình ổn thị trường vàng, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chính sách này mới chỉ thành công một nửa trong việc kéo giá vàng xuống; đồng thời chưa thành công trong việc tăng nguồn cung vàng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhu cầu tiết kiệm, để dành với vàng của người dân là hợp lý, hợp pháp, nhất là những người dân không có đủ kiến thức, kinh nghiệm để đầu tư chứng khoán hoặc không có số tiền đủ lớn để mua bất động sản… Tuy nhiên, TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, nếu đầu tư vàng lâu dài thì có thể mua vào lúc này, nhưng nếu để “lướt sóng” kiếm lời thì cần cẩn trọng. Nguyên do giá vàng thế giới có thể tăng lên 2.800 USD/ounce hoặc 3.000 USD/ounce vào năm 2025 nhưng sẽ biến động như hình sin, biến động mạnh hoặc điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.
“Do đó, cần cẩn trọng để tránh giá vàng sau khi lên quá cao có thể tạo ra bong bóng rồi lao dốc, gây rủi ro cho những người trót mua vàng thời điểm này. Ngoài ra, nếu mua vàng miếng hoặc vàng nhẫn, nên mua ở các kênh chính thức, tránh mua bán trên thị trường tự do – thị trường không chính thức, không có hóa đơn mua bán, sẽ có thể gặp rủi ro”, ông Nguyễn Trí Hiếu đưa ra lời khuyên.
Thời gian qua, giá vàng lại tăng cao lên mức “không tưởng” nhưng người dân rất khó mua. Nhiều người đã đi khắp các tiệm vàng lớn nhưng chỉ nhận về thông báo hết vàng nhẫn. Trái ngược với trước đây, mua bao nhiêu vàng cũng được, chỉ cần có tiền.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, pháp luật không cấm việc người dân trao đổi, mua bán, cho tặng, vay mượn nhau bằng vàng. Tuy nhiên, nếu là kinh doanh vàng thì phải được cấp phép tương tự như các lĩnh vực, ngành nghề khác.
“Nếu người dân với người dân, doanh nghiệp với doanh nghiệp, người dân với doanh nghiệp có trao đổi, mua bán với nhau cả tấn vàng cũng được vì thuận mua vừa bán. Pháp luật chỉ cấm thanh toán bằng vàng; ngân hàng không được phép vay (huy động) bằng vàng, cho vay vốn bằng vàng, cho vay vốn mua vàng. Ngoài ra, người dân và doanh nghiệp trao đổi mua bán với nhau thì thoải mái”, ông Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trương Thanh Đức, các cá nhân tự thoả thuận mua bán, giao dịch vàng với nhau sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro như không có hoá đơn chứng từ, không được bảo đảm về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của cả bên mua và bên bán. Vì vậy, người dân nên mua bán, trao đổi vàng tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đã được Nhà nước bảo hộ, cấp phép để đảm bảo quyền lợi của mình.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV mới đây, ông Vũ Hồng Thanh – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, việc quản lý thị trường vàng vẫn còn bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
“Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung – cầu thị trường”, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nêu.
Minh Phương
————-
Tin tức (Kinh tế) 22-10-2024:
(229/1.278)