Dự kiến bỏ miễn thuế với hàng nhập dưới 1 triệu đồng.
(VOV GT) – Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mỗi ngày Việt Nam nhập khẩu từ 4-5 triệu đơn hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ, không chịu thuế, với tổng giá trị khoảng 800 tỷ đồng 1 ngày.
Nếu duy trì việc không thu thuế đơn hàng dưới 1 triệu đồng/gói sẽ dẫn tới việc bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước. Thậm chí không loại trừ tình trạng các sàn thương mại nước ngoài cố tình “xé nhỏ” giá trị đơn hàng để tránh thuế.
Nếu như trước đây, lượng hàng có giá trị nhỏ nhập khẩu không nhiều nên tác động không đáng kể tới số thu thuế. Tuy nhiên, sự bùng nổ của thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới với xu hướng tiêu dùng ở nhiều nước cho thấy lượng giao dịch này đã tăng gấp nhiều lần trong thời gian qua.
Người bán có thể lợi dụng chính sách này để xé nhỏ giá trị đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng để tránh thuế, tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế.
Theo quy định, những mặt hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập và chuyển phát nhanh từ nước ngoài không phải chịu thuế VAT nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Người mua thì phấn khởi vì giá rẻ nhưng người bán hàng trong nước lại chịu sức cạnh tranh lớn.
Chia sẻ của ông Mai Văn Thể – Giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ECOM MAX: “Cũng là một seller tại sàn TMĐT Việt Nam thì tôi nhận thấy các nhà bán hàng tại thị trường Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn so với các nhà bán hàng từ nước ngoài như về cạnh tranh giá, nguồn hàng, tài chính, vận chuyển và bị cạnh tranh chính về thuế VAT trên sân nhà của mình”
Theo Bộ Công thương, hàng ngày trung bình có từ 4-5 triệu đơn hàng có giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada hay Tiktok, Tiki. Do đó, nhiều chuyên gia đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước và nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính đề xuất: “Thuế là phải công bằng. Người ta kinh doanh giá trị món hàng rất nhỏ mà khi đã là kinh doanh thì cần thiết phải đánh thuế. Hiện nay có rất nhiều hoạt động kinh doanh, con cái nhà tôi chỉ cần ngồi nhấp chuột là có thể mua hàng từ nước ngoài. Hàng qua Lazada, Shopee, Amazon hay các sàn khác. Người ta bán hàng và kinh doanh hẳn hoi thì không có lý do gì mà người này nộp mà người kia không nộp cho nên tôi đề nghị lần này chúng ta xem xét lại quy định đó”
Sự xuất hiện của sàn thương mại điện tử Temu vào tháng 10/2024 đang làm dấy lên lo lắng về áp lực cạnh tranh hàng hoá và khả năng thu thuế của cơ quan chức năng với các sàn giao dịch điện tử ở nước ngoài. Đã đến lúc Chính phủ cần vào cuộc để đảm bảo khả năng thu thuế cũng như tạo ra sự công bằng cho hàng hoá sản xuất trong nước.
PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng việc nhiều đơn hàng nhập khẩu được xé lé thành những đơn hàng có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng để né thuế cũng dẫn đến việc thất thu thuế rất lớn: “Trong điều kiện hiện nay khi giao dịch TMĐT bùng nổ thì chúng ta thấy số lượng có thể đến hàng trăm đơn hàng một ngày với giá trị nhỏ mà sẽ dẫn đến không chỉ hàng của cá nhân, mà hàng của các đơn vị kinh doanh TMĐT bán mà có thể người ta chia nhỏ ra để tránh thuế. Điều đó dẫn đến khả năng thất thu thuế”
Ảnh minh họa TTXVN
Để siết chặt quản lý, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hàng hoá trong nước và nhập khẩu, dự thảo sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng đang trình Quốc hội yêu cầu mọi hàng hoá nhập khẩu dù nhỏ dưới 1 triệu đồng cũng phải nộp thuế, đảm bảo tính công bằng và ngăn chặn tình trạng thất thu thuế.
Nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Chúng ta thấy xu hướng thương mại xuyên giới, bán hàng online khác hẳn trước kia thì chúng ta cần phải tính đến. Vì tuy rằng hàng giá trị nhỏ nhưng với quy mô thương mại, cách thức giao dịch bây giờ thì có thể rất lớn. Nếu không thu thì vừa thất thoát thuế, vừa tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thế còn thu thì tất nhiên còn nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn ban đầu. Đầu tiên là phải làm sao xác định được giá trị thì tôi nghĩ là có nhiều căn cứ”
Tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đang diễn ra, nhiều đại biểu đã đề xuất tính thuế với hàng hoá này. Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Chúng ta vẫn phải tăng cường khâu kiểm soát về chất lượng hàng hoá, nguồn gốc xuất xứ hàng hoá trên các trang TMĐT. Thứ 2 là chúng ta cũng xem lại chính sách miễn thuế nhập khẩu cho hàng hoá dưới 1 triệu. Bây giờ nó tràn lan như thế thì liệu chính sách này có phù hợp hay không? Đồng thời phải có kiểm soát hành chính với hàng hoá online”
Nhiều đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết của việc xác định nghĩa vụ thuế đối với các sản phẩm TMĐT.Việc thu thuế không chỉ tăng thu ngân sách mà còn giúp giám sát nguồn hàng, quản lý dòng tiền và đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An nói: “Nếu miễn thuế thì sẽ dẫn đến việc không thu được một lượng thuế khá lớn và chưa kể có thể dẫn đến tình trạng xé nhỏ giá trị đơn hàng để né thuế. Lý do thứ hai là việc miễn thuế hàng hoá nhập khẩu có giá trị nhỏ sẽ ảnh hưởng tới nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hoá nhập khẩu được hưởng nhiều lợi thế. Trước hết là việc không chịu thuế sẽ giúp hàng hoá nhập khẩu có giá rẻ hơn hàng hoá trong nước. Đồng thời do không tính thuế nên thủ tục hải quan đối với hàng hoá này sẽ nhanh hơn và có tính cạnh tranh hơn”
Theo Bộ Tài chính, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này yêu cầu các giao dịch có giá trị hàng hoá dưới 1 triệu đồng đều phải nộp thuế nhằm giúp doanh nghiệp nội địa phát triển, người tiêu dùng thuận lợi mua sắm và đảm bảo quyền lợi chính đáng.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ về dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, trong đó đã đề xuất bãi bỏ việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng./.
Như Ngọc, Thùy Linh
————-
VOV Giao thông (Tài chính) ngày 14-11-2024:
https://vovgiaothong.vn/newsaudio/du-kien-bo-mien-thue-voi-hang-nhap-duoi-1-trieu-dong-d41842.html
(118/1.347)