(TN) – Những bất cập trong luật Thuế thu nhập cá nhân tồn tại nhiều năm qua khiến người nộp thuế không tránh khỏi bức xúc. Vậy hãy xem sắc thuế này lạc hậu như thế nào trong thực tế.
Thu nhập thấp hơn cả hộ nghèo cũng không tính là người phụ thuộc
Chị Thanh Hà (Q.3, TP.HCM) lắc đầu ngao ngán khi được hỏi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Những quy định bất cập, lỗi thời của thuế TNCN đang khiến cuộc sống gia đình chị bị ảnh hưởng nặng nề. Chị Hà kể, mẹ chị năm nay 80 tuổi, mỗi tháng nhận lương hưu 4,2 triệu đồng (do nghỉ mất sức) nên không đủ trang trải vì ngoài sinh hoạt phí, khoản chi lớn nhất cho bà là tiền thuốc. Bao năm nay, anh em chị Hà mỗi tháng đều gửi tiền hỗ trợ mẹ nhưng số tiền này không được tính giảm trừ gia cảnh. “Quy định người có thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng thì không được tính là người phụ thuộc, nhưng mẹ tôi lương hưu 4,2 triệu/tháng có đủ để trang trải đâu? Không hiểu với mức trên 1 triệu đồng/tháng trong thời buổi hiện nay, nhất là ở những TP có giá cả cao như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… thì làm sao có thể sống được nếu không có sự hỗ trợ từ người thân? Bất hợp lý ở chỗ, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc hiện nay là 4,4 triệu đồng/tháng, cao hơn cả phần lương hưu 4,2 triệu đồng/tháng mà không được tính là người phụ thuộc”, chị Hà bức xúc.
Cần tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cả người phụ thuộc NGỌC THẮNG |
Cùng cảnh ngộ, chị Phạm Phương (TP.HCM) chia sẻ, cả bố và mẹ chị đều có khoản lương hưu chưa tới 2 triệu đồng mỗi tháng nên không được tính là người phụ thuộc. Nhưng người lớn tuổi bệnh tật nhiều, mỗi lần khám bệnh đều tốn chi phí khám, xét nghiệm, tiền thuốc thang… “Chưa kể do sức khỏe yếu nên nội soi cũng phải gây tê chứ không làm bình thường như người trẻ được nên chi phí cũng cao hơn. Thế thì với chỉ 2 triệu đồng/tháng, bố mẹ tôi và bao nhiêu người lớn tuổi hoàn toàn không đủ sức chi trả sinh hoạt trong cuộc sống và phải phụ thuộc vào con cái. Thế nhưng tôi lại không thể đăng ký giảm trừ gia cảnh cho họ để giảm gánh nặng tài chính”, chị Phương nói.
Để thấy rõ sự lạc hậu của quy định thu nhập dưới 1 triệu đồng/tháng mới được xem xét là người phụ thuộc, hãy so sánh với một số quy định về thu nhập khác. Đơn cử, quy định về hộ nghèo, cận nghèo hiện nay là có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống đối với khu vực nông thôn, còn khu vực thành thị là từ 2 triệu đồng trở xuống. Chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 – 2,25 triệu đồng; khu vực thành thị là từ 2 – 3 triệu đồng. Chưa kể mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng hiện cũng chỉ bằng khoảng 30% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất mà Chính phủ quy định. Điều này có nghĩa với nhiều người dù thu nhập không đủ sống nhưng cũng không được người nộp thuế tính vào người phụ thuộc.
Với chỉ 2 triệu đồng/tháng, bố mẹ tôi và bao nhiêu người lớn tuổi hoàn toàn không đủ sức chi trả sinh hoạt trong cuộc sống và phải phụ thuộc vào con cái. Thế nhưng tôi lại không thể đăng ký giảm trừ gia cảnh cho họ để giảm gánh nặng tài chính.
Chị Phạm Phương (TP.HCM)
Tương tự, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng và người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu so với biến động giá cả hiện nay. Trong 10 năm tính từ khi áp dụng luật Thuế TNCN sửa đổi, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/tháng, tương đương mức tăng gần 2,4 lần. Thế nhưng mức chiết trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ mới điều chỉnh được 1 lần vào giữa năm 2020. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế và 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc. Ngưỡng thuế này không đủ đảm bảo đời sống của người lao động, đặc biệt ở các tỉnh, TP lớn với mức sinh hoạt đắt đỏ như Hà Nội, TP.HCM.
Sớm sửa những quy định lạc hậu
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cho hay những bất cập về thuế TNCN đã được phản ánh rất nhiều, kéo dài trong nhiều năm. Năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu phản ánh của dư luận và đưa ra dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN để thay đổi các điểm bất cập, tạo tính công bằng cho người nộp thuế. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN chìm trong im lặng và không thấy đề cập nữa từ năm 2017 đến nay. Việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế từ 9 triệu lên 11 triệu đồng, người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng là thực hiện điều chỉnh tăng theo quy định của luật, chứ chưa có những cải tiến sửa đổi cho phù hợp tình hình thực tế. Đặc biệt trong 3 năm dịch Covid-19, chi phí cho cuộc sống của người dân tăng cao như tiền thuốc, lương thực thực phẩm… nhưng giảm trừ gia cảnh vẫn không thay đổi. Theo ông Sơn, tốc độ tăng số thu thuế TNCN mỗi năm đều rất cao và ngay trong cơ cấu nguồn thu cũng lộ rõ những thiệt thòi của người làm công ăn lương. Cụ thể năm ngoái, số thu thuế TNCN từ chứng khoán, bất động sản tăng cao, nên có thể nhận định là tổng số thu thuế TNCN tăng cao là nhờ nguồn này. Còn năm nay, cả hai thị trường này đều có doanh số giao dịch xuống rất thấp, nhưng tổng số thu thuế TNCN vẫn tăng cao. Điều này phản ánh rất rõ là tổng số thu thuế TNCN từ tiền công, tiền lương tiếp tục tăng lên ngày càng cao; đồng nghĩa với việc người lao động phải nộp nhiều tiền thuế hơn. Trong khi đó thu nhập không tăng, giá cả thì phi mã.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, đặt vấn đề, một người lao động ở TP.HCM hiện nay thu nhập 5 triệu đồng mỗi tháng sống đủ không? Nếu cứ nói “sống được” thì người có 1 triệu đồng cũng sống, nhưng đây là “sống lây lất”. “Học phí, viện phí và rất nhiều loại chi phí trong 10 năm trước đến nay đã tăng gấp nhiều lần. Không ai hiểu vì sao quy định mức giảm trừ gia cảnh dành cho người lao động là 11 triệu đồng/tháng, còn người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng? Rồi quy định này lại áp dụng chung cho cả nước, không phân biệt vùng miền, trong khi Chính phủ chia lương tối thiểu của người lao động thành 4 vùng khác nhau với mức chênh lệch khá đáng kể. Trên thực tế, chính sách thuế tại nhiều quốc gia cũng không cào bằng mức giảm trừ gia cảnh, một phần do họ xác định và khấu trừ được chi phí đầu vào của người dân nhờ thanh toán không dùng tiền mặt phát triển”, Luật sư Trương Thanh Đức dẫn chứng và cho rằng Chính phủ phải xem xét thay đổi toàn diện quy định liên quan về thuế TNCN. Cụ thể, mức giảm trừ gia cảnh phải được dựa vào mức sống tối thiểu của người dân. Trong đó các cơ quan thống kê sẽ tính toán gồm các chi phí tối thiểu từ học hành, khám chữa bệnh hay nhu cầu ăn mặc, hay nói chung là một số nhu cầu chi tiêu bắt buộc có hóa đơn. Khi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế được nâng lên thì mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng phải tăng lên bằng 50 – 70% mức giảm trừ của người nộp thuế, chứ theo tỷ lệ 40% như hiện nay là quá thấp.
“Năm 2023, nền kinh tế tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, người nộp thuế cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tác động nên cũng cần có sự hỗ trợ, động viên từ chính sách, chẳng hạn như giảm thuế, tăng mức giảm trừ gia cảnh…; chứ không thể cứ im im để trôi qua như vậy được”.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn
“Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp khó khăn, lao động bị cắt giảm hoặc thu nhập bị giảm sút nhưng số thuế TNCN thu được khá cao gây ra sự bức xúc cho người nộp thuế. Vì vậy phải có sự thay đổi toàn diện, phù hợp hơn, để người lao động được đảm bảo đời sống và chính sách thuế không còn lạc hậu với tình hình kinh tế – xã hội chung của VN”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Thanh Xuân – Mai Phương
————–
Thanh niên (Tài chính KD) 25-11-2022:
https://thanhnien.vn/thue-thu-nhap-ca-nhan-lac-hau-nhu-the-nao-post1525234.html
(406/1.674) #thue #TNCN #thuethunhapcanhan