Kỷ nguyên mới phát triển kinh tế (Bài 3): ‘Chắp cánh’ cho kinh tế tư nhân.
(KTSG Online) – Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực phát triển kinh tế Việt Nam những năm tới, các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý cần mở rộng cơ hội kinh doanh cho tất cả các thành phần kinh tế. Cùng với đó là đảm bảo thông suốt, thống nhất các quy định, chính sách, pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
Những năm đầu thập niên 90 của Thế kỷ 20 là giai đoạn khởi đầu trong tiến trình phát triển của cộng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày nay. Đó là thời điểm mà sự tồn tại của doanh nghiệp tư nhân được thừa nhận chính thức về pháp lý tại Luật Công ty và Luật DN tư nhân năm 1990, Luật Phá sản doanh nghiệp năm 1993, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công ty, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1994.
Đến năm 2011, doanh nghiệp tư nhân được xác định là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của nền kinh tế và gần đây được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Về hoạt động, từ việc chỉ được kinh doanh những gì Nhà nước cho phép, doanh nghiệp tư nhân dần được kinh doanh những gì Nhà nước không cấm, tiến tới được tự do kinh doanh những gì luật pháp không cấm.
Như vậy, từ việc thừa nhận và tạo cơ hội cho kinh tế tư nhân phát triển tại Đại hội VI đến nhấn mạnh kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” tại Đại hội XIII, tư duy lý luận của Đảng về vị trí và vai trò của kinh tế tư nhân dần rõ ràng, sâu sắc, mang tính khái quát cao, thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân trong việc thúc đẩy đất nước phát triển.
Nhờ những yếu tố trên, khu vực kinh tế tư nhân liên tục phát triển về lượng và chất, dần trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Trong đó, đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới như Vingroup, Thaco, Hòa Phát, Sungroup, TH… Thậm chí, dù trải qua loạt biến bố trong gần 5 năm qua, như đại dịch Covid-19, bất ổn kinh tế toàn cầu, áp lực lạm phát và cạn kiệt dòng tiền nhưng khu vực này vẫn thể hiện sự dẻo dai và khả năng thích nghi tuyệt vời.
TS Bùi Thanh Minh, Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) đánh giá, đên cạnh việc lèo lái, đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đóng góp tổng thể cho nền kinh tế thì các doanh nhân cũng tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội như tham gia chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai… Đặc biệt, gần 6.000 tỉ đồng, với sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp lớn trong chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” gần đây đã cho thấy tinh thần tiên phong và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam.
“Nếu có điểm sáng nào nổi bật trong 5 năm vừa qua thì đó là sự dẻo dai, tinh thần vượt khó và khát vọng của đội ngũ doanh nhân trong những hoàn cảnh khó khăn chưa từng có”, ông Minh nói với KTSG Online.
Giỏi chống chịu và sống dai nhưng lại có một nghịch lý là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chậm lớn, khó trưởng thành.
Điều này, theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), không phải do doanh nghiệp muốn chậm lớn mà do vướng cơ chế.
“Ngoài những doanh nghiệp rất liều đã dùng thuốc ‘tăng trọng’ lớn nhanh để ngã bệnh, thậm chí ‘lăn đùng ra chết yểu’ thì vẫn có rất nhiều chân chính chịu khó đầu tư, học hỏi và trưởng thành một cách bài bản nhưng bị vướng cơ chế và thiếu các chính sách mang tính chiến lược và bền vững”, bà Tiên nói tại tại một diễn đàn về kinh tế – xã hội Việt Nam.
Cũng theo nữ doanh nhân này, điều doanh nghiệp mong mỏi là các cơ quan quản lý có giải pháp cụ thể cho từng nhóm doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ quan độc lập thực hiện đánh giá các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để điều chỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cần dỡ bỏ những rào cản với doanh nghiệp theo hướng rà soát những quy định thiếu thực tế, không đặt ra những quy định cao hơn khu vực hoặc thế giới hoặc cao hơn mức cần thiết để tránh lãng phí nguồn lực doanh nghiệp.
Còn ông Mạc Quốc Anh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội cho biết, cộng đồng doanh nghiệp hiện đối mặt với ba khó khăn lớn.
Thứ nhất là sự chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các văn bản quy định pháp luật. Điều này gây trở ngại cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ và thực thi do không biết nên tuân thủ quy định nào trước.
Thứ hai, quy trình phê duyệt còn phức tạp và kéo dài. Cụ thể, nhiều thủ tục hành chính liên quan đến việc xin giấy phép phê duyệt dự án hay cấp phép hoạt động còn mất nhiều thời gian, công sức làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và quá trình phát triển của các doanh nghiệp.
Thứ ba, một số văn bản pháp luật bị thay đổi đột ngột khiến các doanh nghiệp khó khăn trong điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, nhất là các DNNVV.
“Một khó khăn nữa được các doanh nghiệp chia sẻ là các quy định mới, đặc biệt là chi phí tuân thủ tương đối cao. Chẳng hạn, chi phí về môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, thuế… đã tạo ra gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp”, ông Quốc Anh nói.
Xác định con đường đến đích “khu vực tư nhân thực sự lớn mạnh” còn dài và nhiều thử thách, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, TS Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, cần có chiến lược “xây nhà từ móng”, theo hướng thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và doanh nghiệp khởi nghiệp (startups).
“Sẽ không có khu vực tư nhân năng động và các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh nếu thiếu sự phát triển lành mạnh của DNNVV và startups. DNNVV là nhóm đóng góp lớn nhất cho cạnh tranh trên thị trường, không có cạnh tranh thì không còn thị trường. Cùng với startups, họ còn là khởi nguồn của tinh thần kinh doanh”, ông Thành giải thích.
Theo ông Thành, hiện tồn tại nhiều trở ngại cho sự phát triển của khu vực tư nhân, gồm yếu kém trong đảm bảo quyền tài sản; “sân chơi” không công bằng; sự méo mó của các thị trường nhân tố sản xuất; khả năng tiếp cận nguồn lực khó khăn; chi phí giao dịch cao.
Để giải quyết vấn đề, cần tập trung cải cách bộ máy Nhà nước theo hướng minh bạch, có khả năng giải trình, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đấu tranh chống nạn quan liêu, tệ tham nhũng, lợi ích nhóm và doanh nghiệp thân hữu.
Ngoài ra, tăng cường nền tảng kinh tế vi mô của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là bảo hộ quyền tài sản và thực thi chính sách cạnh tranh, giảm thiểu méo mó trên các thị trường nhân tố sản xuất như thị trường vốn, đất đai, lao động.
“Một điều kiện tiên quyết không thể thiếu là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, có thể tiên liệu được”, ông Thành nhấn mạnh.
Bổ sung, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thủ tục hành chính, quy định pháp luật về kinh doanh có thể dài và nhiều hơn nhưng quan trọng là phải công khai, minh bạch, rõ ràng và đơn giản thì không ai ngại thủ tục.
“Không chỉ người dân và doanh nghiệp, ngay cả cơ quan chức năng, cán bộ, công chức, nhiều trường hợp vẫn loay hoay, không biết xử lý như thế nào vì thủ tục hành chính quá nhiều”, ông Đức lưu ý.
Cũng theo chuyên gia này, điều tạo ra muôn vàn khó khăn cho các hoạt động, từ đầu tư dự án, nhà cửa, đất đai tới thuế… những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, nền kinh tế là sự chồng chéo, không khả thi của các quy định.
Đáng lưu ý, hiện các thủ tục hành chính đề ra yêu cầu rất cao về trách nhiệm của cán bộ, nếu xảy ra sai sót sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc thậm chí, nhiều năm sau vẫn bị quay lại xem xét xử lý. Do đó, những cơ quan thực hiện càng làm chặt hơn, thay vì linh hoạt, sáng tạo trong quá trình thực hiện.
“Chúng ta cần mạnh dạn hơn, thông qua thực tiễn vướng mắc quay trở lại sửa luật, không phải chờ đến nhiều năm sau mới sửa”, ông Đức khuyến nghị.
Trong khi đó, TS Bùi Thanh Minh cho rằng, trong bối cảnh cục diện chính trị và kinh tế toàn cầu có nhiều thay đổi, xuất hiện ngày càng rõ nét các xu hướng bảo hộ mới gắn với các yêu cầu kỹ thuật – thương mại mới, thì cần có chính sách phát triển các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực dẫn dắt để tạo động lực mới cho nền kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng tâm.
Định hướng chính sách không chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn hiện hữu mà cần quan tâm kiến tạo môi trường thuận lợi giúp nhiều doanh nghiệp nội địa có khả năng vươn lên, giành vị thế dẫn dắt. Việc đặt ra các bài toán lớn quốc gia theo cơ chế “đặt hàng” và yêu cầu “liên kết chuỗi giá trị nội địa” đồng thời với các cơ chế minh bạch và đảm bảo sự công bằng, không phân biệt giữa các doanh nghiệp khu vực nhà nước với khu vực tư nhân là xu hướng được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng.
Trong ngắn hạn, ông Minh cho rằng, các giải pháp giãn giảm áp lực chi phí cho người dân, doanh nghiệp, vun bồi nội lực vẫn cần được quan tâm thiết kế và đẩy mạnh thực thi vì đây vẫn là thời điểm phải cân nhắc “khoan thư sức dân”.
Vân Phong
————-
Kinh tế Sài Gòn ngày 04-12-2024:
https://thesaigontimes.vn/ky-nguyen-moi-phat-trien-kinh-te-bai-3-chap-canh-cho-kinh-te-tu-nhan/
(242/1.959)