Cấp bách hành lang pháp lý cho tiền số.
(DĐDN) – Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sớm ban hành khung pháp lý quản lý tiền số nhằm đảm bảo an ninh tiền tệ cũng như quyền lợi của các nhà đầu tư, tránh thất thu thuế.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có đề cập đến tài sản số. (Ảnh: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số)
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó có đề cập đến tài sản số để làm hàng lang pháp lý cho Chính phủ, các bộ liên quan ban hành quy định quản lý tiền số.
Thị trường tiềm năng
Báo cáo mới nhất từ cổng thanh toán tiền điện tử Tripple-A cho thấy, Việt Nam đang đứng thứ 2 trong top 10 quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu tiền số lớn nhất thế giới, chỉ sau UAE. Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, trong năm 2023, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về lợi nhuận tiền số, chỉ sau Mỹ và Anh với ước tính khoảng 1,2 tỷ USD trên tổng số tổng lợi nhuận 37,6 tỷ USD của toàn cầu. Điều này cho thấy, đây là một thị trường đầy tiềm năng nếu có chế tài quản lý.
Hiên nay, tiền số ở Việt Nam không được NHNN thừa nhận là phương tiện thanh toán; tài sản số khi trao đổi và chuyển nhượng mua bán. Bộ Công Thương cũng không công nhận tiền số là một loại hàng hóa hay dịch vụ, trong khi Bộ Tư pháp không công nhận tiền số là một loại tài sản…
Mặc dù không được thừa nhận, nhưng một số loại đồng tiền số trên thế giới như Bitcoin, Ethereum, Litecoin và Ripple… đều đã xuất hiện và giao dịch tại Việt Nam. Các đồng tiền này đã được sử dụng làm công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn tại Việt Nam…
Chính vì chưa có khung pháp lý cho tiền số nên đã có nhiều bất cập xảy ra liên quan đến các hoạt động giao dịch tiền số, đặc biệt là các hành vi lừa đảo đối với người dân và các nhà đầu tư tài chính.
Theo ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia tài chính ngân hàng, việc chưa có khung pháp lý cho tiền số đã dẫn đến việc Nhà nước bị thất thu thuế từ thị trường tiền số, và tạo khe hở cho vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tài chính số như huy động vốn, lừa đảo…
Nhiều chuyên gia cho rằng thay vì giữ nguyên quan điểm cấm, Việt Nam cần thay đổi tư duy quản lý bằng cách sớm xây dựng các khung pháp lý để quản lý tiền số bởi thực tế đã và đang đặt ra nhiều vấn đề có tính cấp thiết.
Theo báo cáo trên ứng dụng Voronoi Visual Capitalist, Việt Nam đứng thứ hai trên thế giới về sở hữu tiền ảo. Nguồn: Triple-A
Quản lý tiền số bằng cách nào?
Khi thẩm tra dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, ông Lê Quang Huy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho rằng về tài sản số, Ủy ban nhận thấy việc quy định về tài sản số trong dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết. Tuy nhiên, quản lý tài sản số là một vấn đề mới, phức tạp nên cần cân nhắc kỹ lưỡng, trong đó cần nghiên cứu, làm rõ một số nội dung về phân loại tài sản số và xây dựng các quy định quản lý tương ứng; về quyền sở hữu, thừa kế và sử dụng; biện pháp bảo mật, giao dịch tài sản số, xử lý khiếu nại của người dùng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; phù hợp với thông lệ quốc tế, thuận lợi cho các giao dịch; bảo đảm quản lý chặt chẽ, chống rửa tiền và minh bạch hóa thị trường.
Ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng khung pháp lý cho tài sản số, tiền số là vấn đề khó, có nhiều rủi ro. Một số nước trên thế giới đã công nhận tài sản số, tiền số và đưa vào giao dịch. Tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tiền số có được xem là hàng hóa hay không để có thể giao dịch và tiến hành thu thuế cho các giao dịch đó? Liệu tiền số có thể coi là tiền hay một loại tài sản tài chính không? Liệu đồng tiền số có được coi như 1 phương tiện thanh toán hay không? Theo ông Trương Thanh Đức, giải quyết được các vấn đề trên sẽ đưa ra được chính sách cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, giám sát phù cho hoạt động của thị trường tiền số Việt Nam.
Còn ông Nguyễn Trí Hiếu, chia sẻ quan điểm, mặc dù không có chức năng thanh toán, nhưng tiền số có thể được giao dịch như một loại chứng khoán theo mô hình của Thái Lan, để từ đó Nhà nước có thể quy định điều kiện phát hành, tham gia đầu tư, mua bán trao đổi tiền số trên các sàn giao dịch. Thu nhập có được từ hoạt động đầu tư tiền số sẽ được đánh thuế thu nhập cá nhân hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp, tùy vào đối tượng tham gia. Nhà nước có thể kiểm soát tốt các giao dịch liên quan đến loại tài sản đặc biệt này, góp phần tăng thu cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm quyền tự do kinh doanh của công dân. Bằng cách đó, Nhà nước có thể kiểm soát, ngăn ngừa và hạn chế tối đa việc sử dụng tiền số cho các hoạt động phi pháp như tài trợ khủng bố, rửa tiền, lừa đảo…
Hà Phương
————-
Diễn đàn DN (Ngân hàng – Chứng khoán) ngày 05-12-2024:
https://diendandoanhnghiep.vn/cap-bach-hanh-lang-phap-ly-cho-tien-so-10146743.html
(160/1.092)