3.924. Xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính phát triển thịnh vượng và bền vững.

Xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính phát triển thịnh vượng và bền vững.

(ND) – Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.
Xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính

Quang cảnh hội thảo.

Sáng 5/12, Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp CLB Café Số (Hội Truyền thông số Việt Nam) tổ chức hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam”.

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh các quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cùng các thông tư, dự thảo thông tư của Ngân hàng Nhà nước đang tạo ra những thay đổi trong cấu trúc sở hữu và hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam hiện nay, các ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tập đoàn tài chính quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ đến sản xuất, thương mại, dịch vụ, bất động sản… có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, các quy định quản lý hoạt động của những tập đoàn tài chính lại chưa được hoàn thiện, đồng bộ. Vụ án ngân hàng SCB – Vạn Thịnh Phát đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, để lại bài học lớn trong việc xây dựng thể chế nhằm quản lý các tập đoàn tài chính đa ngành.

Việc tổ chức hội thảo nhằm cung cấp diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân, giới đầu tư cùng trao đổi, chia sẻ ý kiến, giải pháp về các vấn đề liên quan đến sở hữu ngân hàng và quản lý các tập đoàn tài chính.

Qua đó, sẽ đóng góp cho quá trình xây dựng chính sách, kiến thiết quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, nhằm mục tiêu xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính phát triển thịnh vượng và bền vững.

Xây dựng, quản lý các tập đoàn tài chính

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Chia sẻ về lịch sử kiểm soát, quản lý vấn đề sở hữu tại các ngân hàng, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh, quy định của luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ.

Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng. “Với nhiều lần tăng vốn hàng nghìn tỷ đồng, với mức tăng hàng nghìn lần, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ thì rất dễ xảy ra tình trạng nguồn vốn từ sở hữu chéo, liên kết, bắt tay nhau”, luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Trao đổi về khái niệm tập đoàn tài chính, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam.

Theo ông Hòe, tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con.

Trong đó, các công ty con tận dụng được lợi thế nguồn lực, uy tín, thương hiệu của công ty mẹ. Còn công ty mẹ tận dụng từ công ty con về gia tăng doanh thu; dịch vụ trọn gói; tăng năng lực cạnh tranh.

Tuy vậy, hạn chế là vẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Trong phiên thảo luận, các chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra ý kiến, đánh giá, bình luận chung quanh các giải pháp xử lý vấn đề vượt trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm quốc tế hữu ích đối với Việt Nam trong quản lý các tập đoàn tài chính.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes điều phối phiên thảo luận.

Tham gia điều phối, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng Biên tập Tạp chí điện tử VietTimes cho biết, vừa qua, thực hiện quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng, phần lớn các ngân hàng đã công bố tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức và người có liên quan.

Kết quả cho thấy tình trạng vượt trần tỷ lệ sở hữu ngân hàng xuất hiện ở nhiều ngân hàng. “Với mức trần sở hữu còn 10% với tổ chức, 15% với cá nhân và người có liên quan như hiện nay có giải quyết được vấn đề sở hữu chéo và lũng đoạn ngân hàng?” – ông Nguyễn Bá Kiên nêu câu hỏi.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Luật Các tổ chức tín dụng mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là về tăng cường tính minh bạch và kiểm soát. Tuy nhiên, việc thực thi luật này sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có cải cách đồng bộ về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra.

TS Lê Xuân Nghĩa trả lời câu hỏi.

Đưa ra một số kiến nghị, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần ban hành các văn bản hướng dẫn và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

Bên cạnh đó, cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật Các tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc.

Đặc biệt, không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.

Chuyên gia Phạm Xuân Hòe nêu đề xuất về giải pháp quản lý các tập đoàn tài chính lành mạnh với hai điểm quan trọng, thứ nhất là câu chuyện minh bạch và thực thi công tác quản lý, giám sát đầy đủ, khách quan trung thực và phải nâng các chuẩn mực tài chính.

Thêm nữa là vấn đề giám sát hợp nhất. “Hiện mảng ngân hàng thì Thanh tra Ngân hàng Nhà nước giám sát, mảng bảo hiểm thì Bộ Tài chính giám sát, mảng khác thì có thêm Ủy ban Chứng khoán… nhưng lại không có ai gút lại chuyện này”, ông Hòe nêu thực trạng và cho rằng, nếu như đứng đầu tập đoàn tài chính là ngân hàng thì Ngân hàng Nhà nước giám sát, chứng khoán đứng đầu thì Bộ Tài chính phải đứng đầu.

Văn Toản

————-

Nhân Dân (Kinh tế) ngày 05-12-2024:

https://nhandan.vn/xay-dung-quan-ly-cac-tap-doan-tai-chinh-phat-trien-thinh-vuong-va-ben-vung-post848659.html

(160/1.372)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,953