3.927. Khi “phần con ra đòn” với “phần người”.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVITrọng tài viên VIAC, trả lời phỏng vấn Minh Thuỵ ngày 27-8-2022

  1. Xin chào ông! Thật không vui chút nào khi phải hỏi ông câu này: Lợi ích mạng đem lại rất lớn, song đằng sau nó là những tác hại khôn lường khi trẻ bị tiêm nhiễm những thông tin, kiến thức không có lợi. Thậm chí nhiều trẻ còn có nguy cơ bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại tình dục, bắt nạt, bóc lột, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Và sự nguy hiểm không chỉ có thế… Bạo lực, đánh đấm nhau khi ăn nhậu, va chạm giao thông,… nhiều trong thời gian gàn đây? Mâu thuẫn trong lúc chơi Bida, hơn chục người cầm dao, gậy gộc rượt đuổi nhau trước Khu du lịch Thung lũng Tình yêu khiến nhiều du khách một phen hoảng hồn… Rồi vừa qua, người dân vẫn chưa thể quên vụ án mạng xảy ra vào tối 11/7 tại nhà văn hoá thôn Đồng Hội Hải Dương khi nạn nhân bị nhóm thanh niên đánh tử vong trong lúc đang dạy các em thiếu niên sinh hoạt hè. Ôi, còn đâu văn hoá ứng xử giữa các địa chỉ văn hóa,… Ông thấy thế nào?

Trong khi nền kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày một văn minh hơn, thì đáng tiếc là hiện tượng cái ác, cái phi nhân tính cũng “trỗi dậy” tác oai, tác quái. Nhưng theo tôi, không thể đổ lỗi cho mạng xã hội. Mạng xã hội là môi trường vô cùng hữu ích trong việc chia sẻ kiến thức, tiếp nhận thông tin, giải trí vui vẻ, giao lưu kết nối và trao đổi giao thương. Còn mặt trái của nó chỉ là thứ yếu và cũng có phần tất yếu. Tất nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với giới trẻ là cao nhất, cả ở hai chiều hay và dở.

Tuy nhiên, những điều quá buồn mà câu hỏi nêu ra cứ như một câu trả lời, là do sự ảnh hưởng, tác động của rất nhiều yếu tố trong nền kinh tế, xã hội, trong đó một trong những yếu tố hàng đầu là môi trường giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.

  1. Sao họ lại đánh đấm nhau giết nhau thế? Nguyên nhân sâu xa do đâu? Thưa ông!

Đánh đấm, giết chóc có nguyên nhân sâu xa là do phần bản năng của loài cầm thú, tranh cướp miếng ăn, tranh giành lãnh thổ và tranh đoạt bạn tình. Nếu thiếu đi sự giáo dục nhân văn, nếu không có môi trường tử tế thì nguy cơ “phần con” sẽ nổi loạn lấn át “phần người”. Thay vì thể hiện nổi trội cái hay, cái tốt và kiềm chế cái ác, cái xấu của con người, thì người ta hành động ngược lại, vì nhầm tưởng bạo lực là anh hùng hảo hán, vì được “đồng đội” cổ vũ, dung nạp, vì không bị lên án, ngăn chặn và trừng trị kịp thời.

  1. Ông thấy các vụ việc nêu trên đã được luật pháp xử lý thế nào?

Pháp luật được sinh ra là để tiết chế và xử lý một số ít những hành vi sai trái của một số ít người. Khi nó không làm tốt chức năng đó thì đôi khi còn vô tình tiếp tay cho cái xấu, thúc đẩy sự vi phạm. Phải sử dụng pháp luật, nhưng pháp luật chỉ thành công khi nó phù hợp, công bằng và nghiêm minh.

Hiệu lực, hiệu quả của pháp luật không chỉ đơn thuần là ở chỗ cấm đoán và chế tài xử phạt, với mức phạt nhiều ít hay hình phạt tù cao thấp. Thực tế đáng buồn là, pháp luật không thiếu nhưng đã không đủ sức răn đe, vì nó còn nhiều điểm vô lý, còn khá bất công, còn không phát hiện và xử lý được kịp thời. Nhà nước pháp quyền sẽ là thất bại nếu như người ta không thực sự đề cao, tôn trọng, thậm chỉ còn nhờn luật, coi thường và không biết sợ pháp luật.

  1. Giáo dục và các hoạt động văn hóa vui chơi… giúp gì để giảm bạo lực có thể? Thưa ông!

Giáo dục học hành nói riêng, các hoạt động xã hội nói chung có vai trò quyết định việc hình thành nên nhân cách, tác động vào nhận thức và chi phối văn hoá ứng xử của con người, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, nhi đồng.

Giáo dục khoa học, trung thực và khai phóng, cùng với hoạt động văn hoá, xã hội, vui chơi giải trí đúng đắn, lành mạnh thì sẽ giảm thiểu “phần con”, gia tăng “phần người” trong cá thể. Khi đó không chỉ giúp giảm thiểu bạo lực với đồng loại mà sẽ còn nhân đạo với cả muông thú. Đừng nghĩ điều này là quá viển vông hay sao siêu gì. Xin thưa rằng, điểm d, khoản 2, Điều 57, Luật Chăn nuôi năm 2018 của nước ta đã quy định rằng, tổ chức, cá nhân chăn nuôi có một trong những nghĩa vụ là “Bảo đảm đối xử nhân đạo với vật nuôi theo quy định của pháp luật”.

  1. Ông có thể nói cách để giảm bạo lực trong khi người ta mâu thuẫn, tranh cãi, va chạm…?

Dù nói gì thì bản năng của con người ít nhiều vẫn là nhìn nhau, học nhau, theo nhau và hùa theo đám đông, mà nói dân dã là bản tính bắt chước, bầy đàn. Các cụ cũng đã đúc kết hết rồi, gần mực thì đen, gần đèn thì rạng hay ở bầu thì tròn, ở ống thì dài. Nếu tầm nhận thức chưa cao và nếu con người cứ bị đẩy vào tình thế phải đối phó, thì người ta sẽ ham sử dụng sức mạnh cơ bắp, thích dao súng, vũ lực ra oai, đe dọa, rằn mặt và trấn áp kẻ khác.

Do đó, để giảm bạo lực, thì đầu tiên là phải xuất phát từ môi trường gia đình, môi trường giáo dục và môi trường xã hội. Tạo được môi trường an lành, thân thiện, tử tế và nhân đạo, sao cho người với người sống để yêu nhau là yếu tố quyết định. Tiếp theo là văn hoá, báo chí, chính trị hay pháp luật đều phải hướng tới giáo dục, uốn nắn và hướng thiện con người. Cuối cùng mới đến chuyện lên án, áp đặt chế tài và trừng phạt nếu họ làm điều ác hay trái với pháp luật. Với những lẽ đó thì có lẽ chúng ta phải chấp nhận xem lại và làm lại tuần tự từ đầu một cách đồng bộ, nhẫn nại.

Con người văn minh là có xu hướng bảo vệ kẻ yếu, khác với bản tính của loài vật hoang dã là bắt nạt con yếu. Nếu số đông còn hùa vào ca ngợi, ủng hộ một siêu cường xâm lược nước yếu, thì xã hội hội đó rất bất an.

  1. Theo ông, mạng xã hội và các trò chơi có liên quan đến sự gia tăng bạo lực không?

Cái gì cũng có hai mặt, bên cạnh cái hay, cái tốt thì mạng xã hội và các trò chơi lệch lạc cũng góp phần truyền bá, kích thích, thậm chí xúi giục con người, nhất là người chưa thành niên. Phần nhảm nhí, méo mó, sai trái của mạng xã hội và trò chơi điện tử cũng như trò chơi xô bồ, thô lậu của nhiều người là một trong những thủ phạm dẫn đến tình trạng nhận thức lệch lạc, thể hiện cái tôi, kích thích tính sỹ diện, bộc phát cái dại dột, trỗi dậy phần ngông cuồng.

  1. Làm gì để người dân an tâm khi ra đường không may va chạm giao thông. Có ai muốn đâu? Nhiều chủ thuê bao điện thoại đang đau đầu trước tình trạng bị nhắn tin, gọi điện thoại đe dọa đòi nợ dù không hề liên quan?

Ý thứ nhất chỉ có thể trả lời bằng cách giải quyết được vấn đề đặt ra từ 6 câu hỏi trên. Còn trước mắt, thì mỗi người đành tự xác định “khôn nhà, dại chợ”, “một điều nhịn chín điều lành”. Thua thiệt, ấm ức, thậm chí nhẫn nhục để dành lấy chữ an, thậm chí còn khó.

Ý thứ hai thì ai cũng có thể bị quấy nhiễu bởi các cuộc gọi rác, các cuộc gọi lừa đảo, cuộc gọi đe doạ vì món nợ chả liên quan gì đến mình. Riêng về cuộc gọi và nhắn tin đòi nợ thì mới chỉ có một câu quy định đơn giản tại Thông tư của Ngân hàng Nhà nước chỉ áp dụng cho mấy công ty tài chính. Còn cuộc gọi “rác” thì pháp luật đã có quy định ngăn cấm và chế tài xử lý, nhưng lại bó tay với thực tế quá ư là nhức nhối. Phải chăng vì nó tràn lan, phổ biến quá nên không đủ sức mà ngăn chặn, trừng trị?

Tôi đã cài đặt chế độ chặn và báo cáo các cuộc gọi rác theo đúng hướng dẫn của cơ quan chức năng, nhưng mỗi ngày vẫn cứ phải nhận 1 “đống rác”. Tôi cũng bức xúc lắm, nhưng rồi buộc phải tự an ủi rằng, khi “rác” còn mang lại món lợi lớn cho nhà mạng hay ai đó thì chúng ta sẽ vẫn tiếp tục là nạn nhân.

Xin cảm ơn ông!

—————

(1.292/1.630)

#daoduc #connguoi #baoluc

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường...

4.363. Chuyện gì đang xảy ra trên thị trường xăng dầu? (NLĐ) - Đề...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,627