3.927. Tăng tính tuân thủ và minh bạch để ngừa rủi ro sở hữu chéo.

Tăng tính tuân thủ và minh bạch để ngừa rủi ro sở hữu chéo

(TBNH) – Đây là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” diễn ra ngày 5/12, do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.
tuân thủ và minh bạch để ngừa rủi ro sở hữu chéo

Chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các TCTD lần này, đặc biệt là về sở hữu chéo

Khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện

Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, chia sẻ tại Hội thảo, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2010 đã đưa ra một số quy định hạn chế sở hữu chéo, đầu tư chéo và quy định giới hạn sở hữu vốn điều lệ. Những quy định này đã có tác dụng trong việc hạn chế và xử lý những xung đột lợi ích thiểu số với lợi ích của TCTD, hạn chế rủi ro, thao túng, chi phối ngân hàng. Tuy vậy, trước thực tế khách quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý và quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn ngừa, xử lý sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo, cho vay, đầu tư không đúng quy định.

Gần đây nhất, Luật Các TCTD năm 2024 đã sửa đổi bổ sung một loạt các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD. Đi cùng với đó, NHNN đã ban hành các thông tư liên quan như Thông tư 16/2024/TT-NHNN quy định về việc xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD, công ty con của TCTD; Thông tư 25/2024/TT-NHNN quy định điều kiện, hồ sơ, trình tự và thủ tục chấp thuận việc góp vốn, mua cổ phần của TCTD nhằm góp phần hạn chế sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối hoạt động của TCTD, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng. Và gần đây nhất, NHNN đã dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ cho phép phải xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD.

“Tựu chung lại, chúng tôi đánh giá cao những quy định siết chặt giới hạn sở hữu và tín dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật gần đây”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Từ kinh nghiệm giảng dạy đại học trong 43 năm, PGS.TS. Đào Văn Hùng, nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cũng đánh giá, chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các TCTD lần này, đặc biệt là về sở hữu chéo. Tuy nhiên, bộ luật này chỉ là quy tắc, con số. Vấn đề quan trọng là ở sự tuân thủ lại nằm trong bộ luật khác. Nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thì chưa đủ mà cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm.

tuân thủ và minh bạch để ngừa rủi ro sở hữu chéo

Toàn cảnh Hội thảo

Mấu chốt là tuân thủ và giám sát thực thi

“Luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ. Đồng thời, công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng”, Luật sư Trương Thanh Đức khẳng định.

Khẳng định mấu chốt của mọi mấu chốt vẫn nằm ở khâu giám sát thực thi luật, ông Đức đề xuất thay vì cổ đông sở hữu 01% mới phải công khai thì danh sách toàn bộ cổ đông cần được công khai; thay vì chỉ khách hàng có dư nợ 10% vốn điều lệ ngân hàng mới công bố thì toàn bộ danh sách khách hàng vay vốn đều phải công bố trên website ngân hàng. Chỉ có công khai minh bạch thì mới có giám sát thực sự.

Để tăng tính công khai, minh bạch, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh đến sự minh bạch trong quản trị ngân hàng. Quản trị rủi ro muốn đạt được sự minh bạch phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, ngân hàng và các bên liên quan phải tuân thủ. Thứ hai, phải có sự chính trực và cái đó phụ thuộc vào đạo đức của những người đang kinh doanh ở ngân hàng.

Đồng quan điểm, ông Hùng cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng hiện tại đã có những điều khoản quan trọng về sở hữu chéo, tuy nhiên cần triển khai nghiêm túc để đảm bảo sự minh bạch trong hệ thống. Đây là bước đi cần thiết để củng cố niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Theo ông Hùng, bất kỳ chính sách nào cũng cần mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và khả thi trong thực hiện. Nếu không, các doanh nghiệp sẽ tìm cách “lách” chính sách để đạt mục tiêu, tạo ra rủi ro tiềm ẩn. Các tập đoàn tài chính cần tập trung phát triển toàn diện các lĩnh vực như chứng khoán, bảo hiểm, và quản lý tài sản để giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Điều này không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn thu mà còn giảm thiểu rủi ro hệ thống.

Ông Hùng kiến nghị, một bộ luật riêng lẻ không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Việc đồng bộ các luật liên quan sẽ giúp tạo môi trường pháp lý vững chắc, hỗ trợ cho sự phát triển của tập đoàn tài chính.

Với những bước tiến trong Luật Các tổ chức tín dụng và các giải pháp được đề xuất, Việt Nam đang từng bước xây dựng một hệ thống tài chính bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, thành công không chỉ nằm ở việc ban hành luật mà còn ở sự tuân thủ và phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. “Với tầm nhìn đúng đắn và các chính sách phù hợp, các tập đoàn tài chính Việt Nam có thể vươn xa, không chỉ trong khu vực mà còn trên trường quốc tế”, PGS.TS. Đào Văn Hùng nhấn mạnh.

H.Giang

————-

Thời báo Ngân hàng (Góc nhìn) ngày 05-12-2024:

https://thoibaonganhang.vn/tang-tinh-tuan-thu-va-minh-bach-de-ngua-rui-ro-so-huu-cheo-158461.html

(353/1.163)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951