3.934. Công khai minh bạch để hạn chế sở hữu chéo trong ngân hàng.

Công khai minh bạch để hạn chế sở hữu chéo trong ngân hàng.

(VN+) – Nhằm tăng tính minh bạch trong các tổ chức tín dụng, các chuyên gia kiến nghị không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay.
Công khai minh bạch để hạn chế sở hữu chéo

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Tại Hội thảo “Xây dựng tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” do Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức ngày 5/12, các đại biểu đánh giá cao những quy định quản lý chặt giới hạn sở hữu và tín dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật gần đây, tuy nhiên các diễn giả cũng cho rằng công tác giám sát và thanh tra hoạt động của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập.

Khuôn khổ pháp lý được hoàn thiện

Theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7 vừa qua, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.

Đi cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các thông tư liên quan nhằm góp phần hạn chế sở hữu chéo, sở hữu có tính chất chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng. Và gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước đã dự thảo Thông tư quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ cho phép phải xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ các quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng.

“Tựu chung lại, chúng tôi đánh giá cao những quy định quản lý chặt giới hạn sở hữu và tín dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật gần đây,” Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm giảng dạy đại học trong 43 năm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đào Hùng – nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cũng đánh giá chưa có bộ luật nào từ trước đến nay tốt như Luật Các tổ chức tín dụng lần này, đặc biệt là về sở hữu chéo. Tuy nhiên, bộ luật này chỉ là quy tắc, con số. Vấn đề quan trọng là ở sự tuân thủ lại nằm trong bộ luật khác. Nếu chỉ có duy nhất bộ luật về ngân hàng thì chưa đủ mà cần đồng bộ với các luật khác để có chế tài cho các hành vi vi phạm.

Ông Hùng cho hay, dù luật pháp hiện tại tốt hơn, nhưng thị trường tài chính luôn đi trước các nhà quản lý. Từ kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt ở Mỹ, ông nhận xét rằng không có cơ chế quản lý nào hoàn hảo. Thậm chí, các quốc gia có hệ thống tài chính tiên tiến nhất cũng từng là nguồn gốc của những cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Đặc biệt, ông Hùng nhận định, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang phát triển tốt, thể hiện qua việc các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua cổ phiếu từ các ngân hàng nhà nước lẫn tư nhân. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng phát triển dài hạn từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Một số ngân hàng vẫn vượt quá tỷ lệ an toàn vốn

Ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam cho rằng nếu tập đoàn tài chính không bền vững thì nền kinh tế không thể phát triển bền vững.

Theo ông Hòe, tuy chưa có khái niệm chính thức thống nhất, mô hình chung của một tập đoàn tài chính (Financial Business Group) bao gồm một công ty mẹ (công ty này không phải là định chế tài chính) nhưng có một định chế tài chính là công ty con và có thể có thêm 1 hoặc nhiều các công ty con.

Tuy vậy, hạn chế là dẫn sở hữu chéo chằng chịt, trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiếm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi do lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.

Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.

Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn Nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.

“Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính tư nhân cơ cấu phức tạp hơn rất, nhiều công ty con hoạt động phi tài chính, gồm cả bất động sản,” ông Hòe bình luận.

Để tăng tính công khai, minh bạch, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam nhấn mạnh đến sự minh bạch trong quản trị ngân hàng. Quản trị rủi ro muốn đạt được sự minh bạch phải có 2 điều kiện. Thứ nhất, ngân hàng và các bên liên quan phải tuân thủ. Thứ hai, phải có sự chính trực và cái đó phụ thuộc vào đạo đức của những người đang kinh doanh ở ngân hàng.

Ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phát biểu tại hổi thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Đánh giá về công tác giám sát và thanh tra hoạt động ngân hàng ông Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng công tác này của các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Ông đưa ra ví dụ về trường hợp của Ngân hàng SCB, tồn tại trong nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý.

“Nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý, thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi,” ông Nghĩa nhấn mạnh.

Vấn đề tỷ lệ an toàn vốn và lộ trình tuân thủ, ông Lê Xuân Nghĩa cũng nói thêm rằng một số ngân hàng hiện đang vượt quá các tỷ lệ an toàn vốn quy định.

Lo ngại về việc các ngân hàng có thể tìm cách trốn tránh tuân thủ quy định, ông Nghĩa dẫn chứng như việc phát hành trái phiếu trong thời gian Ngân hàng Nhà nước đang thanh tra, nếu không có cải cách thực sự về hành chính và pháp lý thì tình trạng này sẽ khó có thể thay đổi.

“Công tác giám sát và thanh tra hoạt động các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều bất cập. Như Ngân hàng SCB, tồn tại nhiều năm trong tình trạng không minh bạch mà không ai xử lý,” ông Nghĩa cho hay.

Ông Nghĩa kiến nghị cần có cải cách thực sự về hành chính, pháp lý và nâng cao hiệu quả giám sát, thanh tra để Luật Tổ chức tín dụng mới có thể được thực thi một cách nghiêm túc. Không nên có lộ trình dài cho các ngân hàng vượt chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn, mà phải yêu cầu các ngân hàng tuân thủ ngay./.

Thuý

————-

Vietnam+ (Tài chính) 05-12-2024:

https://www.vietnamplus.vn/cong-khai-minh-bach-de-han-che-so-huu-cheo-trong-ngan-hang-post999249.vnp

(45/1.379)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,951