Đối tác của tập đoàn quốc tế: Rủi ro khi phụ thuộc ‘ông lớn’
(TT) – Trở thành đối tác của tập đoàn quốc tế, nhiều doanh nghiệp Việt nhanh chóng phất lên, ăn nên làm ra. Tuy nhiên, nếu không ràng buộc kỹ về pháp lý, khi có tranh chấp dễ “cầm dao đằng lưỡi”.
Việc Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, trụ sở tại TP.HCM) tuyên bố đang tiến hành thủ tục pháp lý khởi kiện đối tác thương mại điện tử Amazon mới đây cho thấy việc làm ăn với những “ông lớn” – tập đoàn quốc tế không phải lúc nào cũng suôn sẻ.
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, cổ phiếu GIL của Gilimex đã rớt xuống giá sàn 24.450 đồng, với gần 2 triệu cổ phiếu dư bán. Mới hồi tháng 4, mã này từng vươn lên giá 82.680 đồng/cổ phiếu.
Đòi bồi thường hơn 6.500 tỉ đồng
Ông Lê Hùng, chủ tịch hội đồng quản trị Gilimex, cho biết Amazon là một trong những khách hàng của Gilimex từ năm 2014.
Trong quá trình hợp tác, theo ông, Amazon đã vi phạm cam kết mà hai bên đã thỏa thuận. Việc vi phạm này có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của Gilimex, do đó công ty khởi kiện nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình.
Theo Hãng thông tấn Bloomberg, đơn kiện của Gilimex đã gửi tới Tòa án bang New York, Mỹ (nơi Amazon đặt trụ sở) đòi bồi thường 280 triệu USD, tương đương hơn 6.580 tỉ đồng.
Với thế mạnh sản xuất các hàng dệt may như túi xách, ba lô, quần áo…, từ năm 2014 Gilimex đã đầu tư hàng chục triệu USD để xây kho chứa hàng hóa của đối tác Amazon, đồng thời đã tuyển hơn 7.000 nhân viên để sản xuất hơn 1 triệu đơn vị lưu trữ hằng năm.
Tuy nhiên, việc Amazon “ngay lập tức thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022 và 2023 xuống còn một phần nhỏ so với các dự báo trước đó, khiến nhà sản xuất bị dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu.
Đáng chú ý, mối quan hệ đối tác giữa hai bên được xây dựng dựa trên “sự tin tưởng”. Tức nhà sản xuất dựa vào các dự báo của Amazon để mua nguyên liệu, đầu tư vào công suất nhà máy, nhân viên… nhằm đáp ứng sự tăng trưởng của Amazon.
Amazon là khách hàng lớn nhất của Gilimex, với tổng giá trị đơn đặt hàng lên đến 146,6 triệu USD vào năm 2021. Theo Mirae Asset, “gã khổng lồ” thương mại điện tử chiếm tới 85% doanh thu của nhà sản xuất Việt này. Để đáp ứng nhu cầu của Amazon, Gilimex bỏ qua các khách hàng lớn như IKEA và Columbia Sportswear.
“Trong khi Amazon đạt được mức tăng doanh thu chưa từng có trong thời kỳ đại dịch – phần lớn là do sự bùng nổ về lượng đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng, thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã liều mạng hằng ngày để biến mức tăng trưởng kỷ lục đó thành hiện thực”, theo đơn kiện.
Công ty cổ phần Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh Gilimex (TP.HCM) tiến hành các thủ tục khởi kiện Amazon đòi bồi thường thiệt hại – Ảnh: QUANG ĐỊNH
“Họ gãy cánh mình cũng bị thương”
Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty dệt may lớn (đề nghị không nêu tên) nhận định các doanh nghiệp trong nước thường “khó thắng nổi” khi kiện tập đoàn tầm cỡ thế giới, tuy nhiên nếu hợp đồng ràng buộc chặt chẽ thì vẫn có cơ sở để vin vào.
Theo vị này, thông thường hợp đồng với các đối tác nước ngoài “mình không theo họ nổi”, đa số rủi ro hướng về phía nhà cung ứng – sản xuất. Nếu đối tác chiếm từ 70% trở lên doanh thu của doanh nghiệp thì khoản công nợ có thể lớn, chưa kể hàng bị tồn kho vì đối tác ngưng nhập.
Vị này cho biết bản thân doanh nghiệp của ông cũng bị phụ thuộc vào một đối tác ở Mỹ. “Việc đa dạng khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, nhưng lại không có đối tác chung thủy. Khi mình gặp khó khăn, đối tác chung thủy sẽ đồng cam cộng khó với mình.
Ngược lại, nếu họ biết mình coi ai cũng như nhau thì khi khó khăn tất cả đều bỏ mặc mình. Dĩ nhiên, khi số phận của mình gắn vào một đối tác, họ gãy cánh mình cũng bị thương”, ông chia sẻ.
Theo vị này, nếu doanh nghiệp đầu tư và sản xuất dựa vào dự báo trong tương lai của đối tác, trong trường hợp đối tác đột ngột ngưng nhập hàng hoặc hủy hợp đồng thì sẽ chịu rủi ro rất lớn, nhất là khi đối tác bị phá sản, nhà cung ứng sẽ dính nợ khó đòi.
Điển hình như Công ty CP May Sông Hồng từng chới với khi đối tác Mỹ – Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng thời trang New York & Company) – nộp đơn phá sản vào năm 2020, khiến doanh nghiệp phát sinh khoản phải thu 218 tỉ đồng.
Sau đó vào quý 3-2021 doanh nghiệp cho biết đã bán khoản phải thu này với giá quy đổi chỉ gần 80 tỉ đồng.
Năm 2018, Công ty cổ phần dệt may – đầu tư thương mại Thành Công (mã TCM) cũng bị vướng khoản nợ hơn 100 tỉ đồng sau khi hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản. Mặc dù nỗ lực thuê luật sư ở Mỹ hỗ trợ, nhưng chặng đường đòi tiền vẫn còn gian nan.
Theo báo cáo tài chính quý 3-2022, công ty này có khoản nợ phải thu ngắn hạn từ khách hàng gần 299 tỉ đồng, trong đó có gần 34% đến từ hai công ty liên quan đối tác Mỹ với số nợ phải đòi hơn 100,8 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Rất may là doanh nghiệp không bị phụ thuộc quá lớn vào đối tác này.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng đồ dệt may ở nhiều quốc gia bị sụt giảm, ước tính đơn hàng các tháng cuối năm nay và quý 1-2023 của nhiều doanh nghiệp Việt giảm bình quân 25 – 27% so với cùng kỳ năm trước. Đối tác ngoại gặp khó, doanh nghiệp dệt may trong nước cũng khó tránh bị ảnh hưởng.
Nhiều đối tác nước ngoài gặp khó khăn nên các doanh nghiệp may mặc cũng bị ảnh hưởng – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Buôn có bạn, bán có phường
TS Dương Kim Thế Nguyên, trưởng khoa luật thuộc Trường kinh tế – luật và quản lý nhà nước Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết trước khi đưa ra quyết định đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua nguyên vật liệu, tuyển dụng nhân sự… doanh nghiệp cần phải gắn liền câu chuyện hợp đồng đã ký kết với đối tác.
Việc Amazon hay bất kỳ đối tác nào thu hẹp chiến lược kinh doanh, cắt giảm hoặc ngưng nhập hàng là chuyện có thể xảy ra khi nền kinh tế suy thoái.
Tuy nhiên nếu điều này vi phạm hợp đồng thì họ sẽ phải bồi thường, còn trường hợp các điều khoản ràng buộc lỏng lẻo thì doanh nghiệp đành chấp nhận chịu thiệt.
Theo ông Nguyên, nhiều năm nay lãnh đạo Chính phủ, Bộ Công Thương và các tỉnh thành lớn như TP.HCM, TP Hà Nội… liên tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, mỗi lần lãnh đạo cấp cao công du thường có doanh nghiệp đi cùng để thúc đẩy giao thương.
Ngoài ra còn có các ngày văn hóa Việt Nam, ngày doanh nhân Việt Nam ở nhiều nước. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội tốt này hay không, đồng thời doanh nghiệp nước ngoài có mặn mà thay đổi đối tác hay không.
“Buôn có bạn bán có phường. Doanh nghiệp muốn bán được hàng và phân tán rủi ro thì cần một phường chứ không phải một đối tác.
Trong quan hệ kinh doanh thương mại, các bên hướng tới lợi nhuận. Nếu nhận thấy có lợi ích hiện tại và lâu dài thì họ sẽ ở bên mình kể cả lúc khó khăn”, luật sư Nguyên cho hay.
Hợp đồng chặt chẽ là điều kiện tiên quyết
Luật sư, trọng tài viên Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM, thành viên Viện Trọng tài Anh) cho rằng trước khi ký hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt cần tìm hiểu thông tin pháp lý cũng như năng lực tài chính của đối tác, tránh trường hợp giao hàng rồi bị “bùng tiền”.
Trường hợp các đối tác lớn như Amazon thì có phần yên tâm hơn, nhưng doanh nghiệp cũng cần lưu ý ràng buộc các điều khoản liên quan đến việc đặt hàng, giao nhận, đảm bảo nghĩa vụ thanh toán. Việc “dựa vào sự tin tưởng” hay các dự báo về tương lai xán lạn mà đối tác đưa ra, để từ đó sản xuất hàng hóa, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo luật sư Vũ, kiện đối tác là một chuyện, nhưng đúng sai là một chuyện khác, vì vậy hợp đồng chặt chẽ là điều kiện tiên quyết để phân định.
Khi giao kết hợp đồng, cần thỏa thuận kỹ các yếu tố thương mại lẫn yếu tố pháp lý, nhất là việc chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và luật áp dụng sao cho thuận tiện.
Dù đối tác có trụ sở ở Mỹ, Úc, châu Âu…, doanh nghiệp Việt có thể chọn nơi trung gian để giải quyết tranh chấp, chẳng hạn như tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore.
Làm ăn quốc tế cần chắc tay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (quận 7, TP.HCM), cho rằng khi vươn ra làm việc với các “ông lớn” – tập đoàn quốc tế, doanh nghiệp cần tỉnh táo, tránh say sưa với những “màu hồng” mà quên rủi ro đang chầu chực.
Hơn 30 năm phát triển đưa Lập Phúc vào chuỗi cung ứng khuôn mẫu cho Tesla, GM Motor, Colgate-Palmolive…, ông Trí đánh giá cần ràng buộc kỹ các hợp đồng với quốc tế vì “không có gì là miễn phí, trừ miếng phô mai trong bẫy chuột”.
Lập Phúc cung cấp khuôn theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp lớn “đầu nậu” cho Tesla, GM Motor. Mấu chốt ở đây là giá cả, chất lượng, đặc biệt là tiến độ thanh toán đơn hàng.
Ông Trí kể có doanh nghiệp Hong Kong tìm tới Lập Phúc để đặt hàng sản xuất cho sản phẩm đồ chơi. Ngoài các khuôn nhựa, công ty này muốn ông Trí sản xuất ra thành phẩm. Để làm được điều này, ông Trí buộc phải đầu tư thêm máy móc với số tiền rất lớn.
Lúc đó, phía đối tác gợi ý doanh nghiệp cung ứng máy móc để đầu tư. Đứng trước cơ hội lớn nhưng để chắc chắn là miếng bánh ngon, ông Trí đề nghị cung cấp sản phẩm mẫu với bộ tiêu chí cụ thể, khi ký hợp đồng để mua máy, sản xuất sản phẩm, ràng buộc bao tiêu nguồn hàng, tạm ứng tiền để đầu tư.
“Làm ra sản phẩm mà không có hàng mẫu họ đưa ra đối chứng. Họ viện cái này không đạt, cái kia chưa tốt là chết mình. Chưa kể là thấy tìm tới đặt hàng còn gợi ý đối tác mua máy nhưng không chịu ký các cam kết là tôi nghi ngờ rồi. Sau đó tôi đã không hợp tác nữa”, ông Trí kể.
CÔNG TRUNG
Khởi kiện đòi bồi thường hợp đồng là văn minh
Một doanh nghiệp Việt Nam tiến hành các thủ tục kiện Amazon đòi bồi thường 280 triệu USD. Trong ảnh: kho hàng của Amazon – Ảnh: Reuters
Trong làm ăn, tránh được tranh chấp hợp đồng là tốt nhất, còn khi một bên không thực hiện đúng cam kết hợp đồng, không thỏa thuận, dàn xếp được thì khởi kiện để giải quyết tranh chấp hợp đồng là văn minh.
Khởi kiện ra trung tâm trọng tài, tòa án để giải quyết tranh chấp hợp đồng không những bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp các doanh nghiệp trên thị trường nhìn vào phán quyết giao dịch đó để có ứng xử phù hợp hơn trong hoạt động đầu tư kinh doanh.
Doanh nghiệp đã làm ăn kinh doanh là có thắng có thua, có thể xảy ra xung đột, mâu thuẫn lợi ích là chuyện bình thường. Trong kinh doanh có bốn phương thức giải quyết được khuyến khích, đó là thương lượng, trọng tài hòa giải, kiện ra trọng tài để ra phán quyết và kiện ra tòa để xét xử.
Thông thường trong các vụ tranh chấp thì 90% vụ việc các doanh nghiệp chọn giải pháp hòa giải, thương lượng với nhau. Còn 10% thì con đường đúng đắn nhất là khởi kiện ra trọng tài, tòa án, chứ không nên bằng con đường khác.
Để tránh bất lợi trong giải quyết tranh chấp thương mại, các doanh nghiệp phải làm ăn sòng phẳng, tử tế, rõ ràng, tuân thủ điều khoản hợp đồng ký kết.
Khi xảy ra sai sót, vi phạm việc đầu tiên cần làm là thỏa thuận, hợp tác giải quyết để tránh trường hợp kiện ra tòa vừa mất mối quan hệ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu mình sai trái, vi phạm thỏa thuận hợp đồng.
Khi kiện ra tòa quốc tế, toàn bộ vấn đề sẽ dựa vào điều khoản hợp đồng. Tòa, trung tâm trọng tài sẽ căn cứ vào việc các bên có vi phạm điều khoản hợp đồng không, vi phạm thật hay không thật, vi phạm nặng hay nhẹ, vi phạm đến đâu sẽ chấp thuận một phần hay toàn bộ yêu cầu của bên kiện. Kể cả khi tòa chấp thuận rồi thì còn mất rất nhiều thời gian để thi hành.
Việc khởi kiện được xử theo luật nào sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận trong hợp đồng, nếu hợp đồng nói kiện ở đâu, áp dụng ngôn ngữ nào, luật nào thì phải tuân thủ. Trường hợp hợp đồng không quy định cụ thể thì kiện sang Mỹ theo nguyên tắc chung sẽ được xử theo luật của Mỹ, kiện ở Việt Nam thì xử theo luật Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế VN)
– B.NGỌC ghi
Các vụ thắng kiện đối tác ngoại
* Núi Pháo thắng kiện hơn 3.000 tỉ đồng
Công ty TNHH khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (thuộc Tập đoàn Masan) cho biết tháng 9-2021 đã hoàn tất vụ kiện Jacobs E&C (Úc) và được bồi thường 130 triệu USD (bao gồm tiền bồi thường thiệt hại khoảng 95 triệu USD, tiền lãi phát sinh và chi phí tố tụng…). Trước đó hai bên đã có điều trần trước Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore và kết thúc vào tháng
12-2017. Vụ kiện này liên quan đến hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị giữa Núi Pháo và Jacobs vào năm 2011, phục vụ dự án Núi Pháo (Thái Nguyên).
* Vĩnh Sơn – Sông Hinh thắng kiện 2.163 tỉ đồng sau khi kháng cáo
Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) và tổ hợp nhà thầu gồm Viện thiết kế Hydro China Huadong, Công ty TNHH Cục Đường sắt số 18 Trung Quốc xảy ra mâu thuẫn liên quan tới dự án thủy điện Thượng Kon Tum.
VSH cho rằng nhà thầu Trung Quốc thi công chậm tiến độ nên đình chỉ hợp đồng và tịch thu khoản bảo lãnh, trong khi phía nhà thầu lại cho rằng chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Nhà thầu Trung Quốc kiện VSH lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam và được tuyên thắng kiện vào tháng 4-2019, buộc VSH phải thanh toán và bồi thường 2.163 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh – chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE, sở hữu 21% vốn của VSH thời điểm đó) – đã kháng cáo lên TAND TP Hà Nội và lật ngược được tình thế, thắng kiện, doanh nghiệp được bồi thường 2.163 tỉ đồng.
Bông Mai
———————
Tuổi trẻ (Kinh doanh) 17-12-2022:
https://tuoitre.vn/doi-tac-cua-tap-doan-quoc-te-rui-ro-khi-phu-thuoc-ong-lon-20221217093822031.htm
(455/2.926) #Gilimex #Amazon