Siết sở hữu chéo ngân hàng: Điều tra dòng tiền góp vốn của các “ông chủ lớn”.
(ĐT) – Để đối phó với tình trạng “đứng tên hộ”, chuyên gia cho rằng cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để nhận diện sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn.
Phát biểu tại Hội thảo “Xây dựng các tập đoàn tài chính phát triển bền vững ở Việt Nam” hôm 5/12, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 đã bổ sung loạt quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tuy vậy, dù luật chặt đến đâu, quan trọng nhất là khâu thực thi, giám sát.
“Luật chặt hay lỏng thì điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, cổ đông và khách hàng phải tự mình tôn trọng các nguyên tắc, chuẩn mực, đề cao việc tuân thủ, đồng thời công tác thanh tra, giám sát phải được tăng cường, thật sự nghiêm túc, kịp thời, thì mới bảo đảm được hiệu quả và hiệu lực của pháp luật ngân hàng”, ông Đức nói.
Ở Việt Nam, tình trạng nhờ “đứng tên hộ” của các ông chủ thực sự ngân hàng đã trở thành “bệnh” và các cơ quan chức năng đang phải đau đầu đối phó, khiến nhiều chuyên gia lo ngại về hiệu lực của Luật.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng, tại Việt Nam có tình trạng “nói một đằng nhưng làm một nẻo” dẫn đến chưa kiểm soát được sở hữu thực sự của một cá nhân hay một tổ chức kinh tế tại ngân hàng. Tất nhiên, nếu muốn điều tra, không phải là không làm được.
“Cổ đông có thể lách quy định sở hữu bằng việc nhờ đứng tên hộ, nhưng điều này thường sẽ không giấu được cơ quan chức năng. Muốn làm quyết liệt thì sẽ làm được, việc điều tra một người có liên quan đến ai trong ngân hàng không khó”, ông Hiếu nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cũng cho hay, hiện có tình trạng nhân viên vì sức ép của lãnh đạo mà phải chấp nhận đứng tên thay cho sếp ở công ty sân sau. Thông thường, một công ty sân sau như vậy sẽ có 2 HĐQT, trong đó lãnh đạo thực sự là ông chủ ngân hàng. Nhân viên đứng tên thay chỉ làm nhiệm vụ ký hộ chứ không có quyền quyết định, dẫn tới hệ lụy pháp lý lớn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà và TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, cần phải điều tra dòng tiền của các ông chủ lớn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng để kiểm soát đúng ngọn nguồn sở hữu chéo. Ngoài ra, TS. Nghĩa cũng cho rằng, cần quản lý chặt hơn dòng tiền cho vay sân sau của các ông chủ nhà băng.
Liên quan đến mô hình tập đoàn tài chính tại Việt Nam, ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng cho hay, hạn chế của mô hình này là sở hữu chéo chằng chịt. Trong điều kiện không minh bạch thì vô cùng khó kiểm soát. Cùng với đó là việc tuồn vốn cho công ty sân sau dễ dãi, tạo rủi ro lan truyền trong hệ thống, ưu đãi nội bộ nhằm lách luật, thiếu minh bạch.
Theo ông Hòe, thống kê tài sản vốn của 11 tập đoàn tài chính lớn của Việt Nam cho thấy, tổng tài sản gần 14 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 67% toàn hệ thống tập đoàn tài chính. Dư nợ 9,9 triệu tỷ đồng chiếm 67,3% tổng dư nợ tín dụng.
Trong đó, có 10 tập đoàn tài chính do ngân hàng thương mại là công ty mẹ; 1 tập đoàn tài chính do công ty bảo hiểm là công ty mẹ. Hệ sinh thái của tập đoàn tài chính có vốn nhà nước đơn giản hơn, thuần về lĩnh vực tài chính.
T.L
————-
Đầu tư (Ngân hàng – Bảo hiểm) 06-12-2024:
(164/737)