Vượt rào cản để mua cổ phiếu quỹ
(ĐTCK) – Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu, một số doanh nghiệp lên kế hoạch mua lại cổ phiếu, dù có các rào cản không nhỏ.
Những doanh nghiệp tiên phong
Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc – CTCP (Kinh Bắc, mã chứng khoán KBC) dự kiến trình Đại hội cổ đông bất thường ngày 28/12/2022 về việc mua 100 triệu cổ phiếu quỹ, giảm vốn điều lệ. Giá mua tối đa là 34.000 đồng/cổ phiếu, bằng 1,4 lần giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính quý III/2022, tương ứng tổng giá trị mua vào tối đa là 3.400 tỷ đồng. Để đủ điều kiện mua cổ phiếu quỹ, Tổng công ty sẽ trình Đại hội hủy kế hoạch chào bán 150 triệu cổ phiếu riêng lẻ có mục đích bổ sung vốn lưu động, tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư góp vốn đã được thông qua trước đó. Ngoài ra, Kinh Bắc đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 11% so với kế hoạch năm 2022.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu KBC từ tháng 8 đến giữa tháng 11/2022 giảm 57%, xuống dưới 15.000 đồng/cổ phiếu, sau đó phục hồi lên 21.900 đồng/cổ phiếu khi đóng cửa phiên 20/12, gần bằng giá trị sổ sách. Thông tin hỗ trợ là Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Bắc đăng ký mua vào cổ phiếu, đồng thời doanh nghiệp có kế hoạch mua cổ phiếu quỹ.
Trong một báo cáo cuối tháng 10, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đề ra giá mục tiêu của cổ phiếu KBC là 42.700 đồng/cổ phiếu, nhưng một tháng sau, công ty này đã giảm định giá xuống còn 23.500 đồng/cổ phiếu, do dự báo Kinh Bắc hoãn giao dịch bán buôn tại dự án Khu đô thị Tràng Cát và loại một số dự án ra khỏi định giá đến cuối năm 2023.
Theo kế hoạch kinh doanh năm 2023, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Kinh Bắc ước tính là 5.211 đồng. Như vậy, cổ phiếu KBC đang được giao dịch ở mức P/E dự phóng 2023 là 4,2 lần.
Kinh Bắc đang có dòng tiền tốt, nhưng các kế hoạch trên cho thấy, ngoài mục đích hỗ trợ giá cổ phiếu, thì thị trường có dấu hiệu khó khăn, nên thay vì mở rộng kinh doanh, doanh nghiệp đã quay về chiến lược phòng thủ.
Ngày 20/12 vừa qua, Đại hội cổ đông bất thường Công ty cổ phần Tập đoàn Kido (mã chứng khoán KDC) đã thông qua kế hoạch bán 22,5 triệu cổ phiếu quỹ cho một công ty đa quốc gia, sau đó mua lại 10 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ.
Trước đó, ngày 16/12, Đại hội cổ đông Công ty cổ phần Phú Tài (mã chứng khoán PTB) có nghị quyết về việc mua lại 6,5 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 9,55% cổ phiếu lưu hành, sẽ thực hiện trong nửa đầu năm 2023. Đồng thời, Công ty dừng kế hoạch phát hành gần 10,7 triệu cổ phiếu với giá 25.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và theo chương trình lựa chọn cho người lao động, vốn có mục đích huy động vốn để thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất gỗ và trả nợ vay.
Cổ phiếu PTB gần đây được giao dịch quanh mức 46.000 đồng/cổ phiếu, tương đương P/E dưới 6 lần, sau khi giảm còn 36.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá trị sổ sách là 40.000 đồng/cổ phiếu.
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Cạnh tranh thị trường vốn (The Center for Capital Markets Competitiveness’s) thực hiện trên 10.000 công ty niêm yết tại Mỹ, trong thời gian 17 năm, việc mua cổ phiếu quỹ đã giúp S&P 500 tăng trưởng cao hơn so với việc không mua (xem đồ thị). Nhờ đó, lợi nhuận từ việc đầu tư cổ phiếu của nhà đầu tư cũng tốt hơn.
Cần nới quy định để hỗ trợ thị trường
Nhìn lại giai đoạn thị trường chứng khoán giảm mạnh vì dịch Covid-19 năm 2020, hơn 40 công ty đã thực hiện mua lại trên 280 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 4.000 tỷ đồng trong bối cảnh chỉ số VN-Index giảm 30% chỉ trong 1 tháng, góp phần giúp thị trường nhanh chóng hồi phục.
Doanh nghiệp khi mua lại cổ phiếu sẽ làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành, thay vào đó, một vài chỉ số khác sẽ gián tiếp tăng như EPS, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường đi xuống, kéo giá cổ phiếu giảm sâu, các doanh nghiệp triển khai mua cổ phiếu quỹ sẽ làm giảm nguồn cung, hỗ trợ giá cổ phiếu, bảo vệ lợi ích cho cổ đông.
Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực từ 1/1/2021) quy định, doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ phải được đại hội cổ đông thông qua, thay cho quy định trước đó là hội đồng quản trị có quyền quyền định mua lại không quá 10% cổ phiếu lưu hành làm cổ phiếu quỹ, nên trong các đợt lao dốc của thị trường năm 2022, các doanh nghiệp không kịp trở tay, không có giải pháp để bình ổn giá cổ phiếu bị bán tháo quá đà.
Những doanh nghiệp muốn mua cổ phiếu quỹ phải tổ chức đại hội cổ đông bất thường, xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, hoặc đợi đến khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 để triệu tập đại hội cổ đông thường niên 2023, trình thông qua chủ trương mua cổ phiếu quỹ.
Năm 2023, một số dự báo cho thấy, thị trường chứng khoán có thể vẫn gặp không ít khó khăn. Vì thế, mùa đại hội cổ đông tới, dự kiến sẽ có thêm không ít doanh nghiệp trình nội dung mua cổ phiếu quỹ, giúp hội đồng quản trị chủ động trong việc đưa ra những quyết định kịp thời, hạn chế tối đa thiệt hại cho cổ đông nếu có những cú sốc trên thị trường như năm 2022.
Rào cản về mặt thủ tục, trình tự mua cổ phiếu quỹ, doanh nghiệp có thể vượt qua, nhưng các quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phải hủy cổ phiếu quỹ đã mua và giảm vốn điều lệ. Đây là rào cản không dễ vượt qua, vì sẽ ảnh hưởng đến chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp, mà chỉ tiêu đó lại là cơ sở để đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư có điều kiện về vốn.
Riêng các ngân hàng niêm yết, hiện không thể mua lại cổ phiếu đang giao dịch dưới giá trị sổ sách làm cổ phiếu quỹ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, ngân hàng là một ngành đặc thù, khác với tất cả các ngành khác. Thông tư của ngành ngân hàng hiện nay chỉ hướng dẫn việc tăng vốn, mà không hướng dẫn giảm vốn điều lệ.
“Ngân hàng muốn giảm vốn cần phải được cấp phép, được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận trước khi thực hiện, vì liên quan đến nhiều chỉ số quan trọng như hệ số đảm bảo an toàn vốn, chỉ tiêu huy động, cho vay… Cho nên, ngân hàng sẽ không thể mua được cổ phiếu quỹ trong thời điểm này”, luật sư Đức khẳng định.
Nhìn sang Trung Quốc, vào tháng 4/2022, thị trường chứng khoán nước này giảm mạnh do lo ngại dịch bệnh đe dọa triển vọng kinh tế nước trong nước, cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã khuyến khích hội đồng quản trị các công ty niêm yết mua cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá cổ phiếu.
CSRC còn cho phép doanh nghiệp mua lại khi giá cổ phiếu giảm 25% trong vòng 20 ngày giao dịch liên tiếp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp được phép mua lại cổ phiếu sau 6 tháng kể từ khi niêm yết, thay vì 12 tháng như quy định. Ngoài ra, CSRC rút ngắn thời gian cấm các công ty và giám đốc điều hành cấp cao của họ mua cổ phiếu. Các giải pháp này giúp thị trường nhanh chóng bình ổn.
Kinh nghiệm của thị trường Trung Quốc đáng để tham khảo cho thị trường Việt Nam hiện nay, khi mà các quy định về mua cổ phiếu quỹ đang bó cứng, không theo thông lệ quốc tế. Cần giúp doanh nghiệp có thể chủ động và linh hoạt hơn trong quyết định mua cổ phiếu quỹ theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, cổ đông và thị trường chứng khoán nói chung.
Theo quy định hiện hành, công ty đại chúng không được mua cổ phiếu quỹ trong các trường hợp sau: một là, đang có nợ phải trả quá hạn căn cứ vào báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán, hoặc căn cứ vào báo cáo tài chính 6 tháng gần nhất được kiểm toán hoặc soát xét; hai là, đang trong quá trình chào bán, phát hành cổ phiếu để huy động thêm vốn; ba là, cổ phiếu của công ty đang là đối tượng chào mua công khai; bốn là, đã thực hiện việc mua lại cổ phiếu của chính mình trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày báo cáo kết quả mua lại, hoặc vừa kết thúc đợt chào bán, phát hành cổ phiếu để tăng vốn không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, phát hành.
Kiều Trang
—————
Đầu tư chứng khoán (Chứng khoán) 30-12-2022:
https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/vuot-rao-can-de-mua-co-phieu-quy-post312503.html
(126/1.697) #cophieuquy #KBC #TPDN