Thay đổi biểu thuế thu nhập cá nhân: Người lao động chờ đợi.
(ĐĐK) – Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2026 sẽ sửa đổi, bổ sung 31/35 điều. Một trong những nội dung quan trọng được hàng triệu người lao động quan tâm đó là tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, người phụ thuộc cũng như điều chỉnh Biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú.
Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) áp dụng từ 1/1/2009 quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng (48 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng.
Thay đổi để phù hợp với thực tế
Trong khi đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 (áp dụng từ 1/7/2013) quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời bổ sung quy định: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020). Theo đó, nâng mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Hiện nay Bộ Tài chính đang gửi các bộ ngành, UBND các địa phương lấy ý kiến về thảo tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN – thay thế).
Thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng mức giảm trừ đối với người phụ thuộc không còn phù hợp với thực tế hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn. Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 5 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí có hàng hóa tăng nhanh hơn thu nhập. Theo số liệu thống kê, so với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105%…
Bà Hoàng Mỹ Hạnh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thu nhập hằng tháng 18 triệu đồng. Sau khi giảm trừ gia cảnh cho con trai, bà vẫn phải nộp thuế TNCN hằng tháng. Theo tính toán của bà Hạnh: tiền học mẫu giáo của đứa con 5 tuổi là 4 triệu đồng. Ngoài ra còn cho con đi học tiếng Anh, chưa kể chi phí mua thêm đồ ăn, đồ chơi, sữa. Nuôi 1 đứa trẻ không chỉ mỗi tiền học và tiền ăn. Như vậy một đứa trẻ giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu đồng/tháng không đủ.
TS Nguyễn Quốc Việt – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR, Đại học quốc gia Hà Nội) cho rằng Luật Thuế TNCN cần sửa ngay trong năm 2025, để có hiệu lực từ đầu 2026, không nên cứng nhắc theo lộ trình cuối năm 2025 mới trình Quốc hội và giữa năm 2026 mới thông qua.
Theo ông Việt, chi tiêu của mỗi hộ gia đình ở từng khu vực khác nhau nên áp mức chung trên cả nước là vô lý. Bước tính thuế quá gần nhau và nhiều bậc, không tạo điều kiện cho người dân tích lũy, tạo thu nhập công khai chính đáng.
“Như vậy việc sửa toàn diện luật thuế này là yêu cầu tất yếu, nhất là giãn khoảng cách các bậc luỹ tiến, tăng mức giảm trừ gia cảnh (tiến tới phân loại theo khu vực hoặc cho áp dụng giảm trừ theo chi phí đầu vào đối với một số hạng mục chi tiêu lớn). Nếu không nhanh chóng sửa đổi, thì chính sách thuế TNCN hiện hành sẽ thành gánh nặng thuế, kéo lùi đời sống nhân dân lao động và gián tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế” – ông Việt nhấn mạnh.
Nhiều người cùng chia sẻ, nếu như gia đình có con nhỏ, phải thuê người trông, riêng tiền lương trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng; nếu gia đình có con đi học, chi phí học hành hiện nay chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình… Vì vậy, nếu phải chờ thêm 2 năm nữa mới được thông qua quy định của Luật thuế TNCN sẽ khiến nhiều người trong cảnh “thắt lưng, buộc bụng” nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN.
Thời gian gần đây nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển, đã liên tục đưa ra các biện pháp cải cách về chính sách thuế TNCN để phù hợp thực tế. Với Việt Nam, Luật Thuế TNCN hiện hành cũng cần phải được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội trong nước những năm tới đây cũng như xu thế cải cách chính sách thuế TNCN trên thế giới hiện nay. Qua đó, góp phần phát huy hiệu quả vai trò của sắc thuế này trong tổng thể hệ thống chính sách thuế của nhà nước; thực hiện động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực cho ngân sách nhà nước để cùng với các nguồn lực khác đáp ứng ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, nhất là chi cho công tác xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ cho các địa phương khó khăn.
Tại dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thuế TNCN (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế và người phụ thuộc. Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu phương án giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh. Việc này để chính sách linh hoạt, phù hợp thực tế và tạo đồng thuận từ người dân.
Ủy viên Ban chấp hành Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, thuế TNCN cần được xem xét cẩn trọng về mức giảm trừ gia cảnh, phương pháp xây dựng cũng như các chỉ tiêu xác định sự thay đổi mức giảm trừ gia cảnh… Đơn cử như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thay đổi 5-10% thì Chính phủ được phép điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp.
“Tôi đánh giá cao dự thảo thuế lần này đã tiếp thu các khoản chi thực tế cần thiết của người nộp thuế liên quan đến y tế giáo dục, học phí, viện phí… Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa những người nộp thuế và lợi ích hài hòa giữa các bên, Luật cần xây dựng một mức giới hạn được trừ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và thực tiễn. Ví dụ mức học phí, viện phí được trừ có thể bằng mức học phí trường công, viện công hoặc không vượt quá số lần theo mức học phí, viện phí công để đảm bảo công bằng bình đẳng giữa các bên” – ông Được kiến nghị.
Người dân mong muốn nâng mức giảm trừ gia cảnh để phù hợp với mức chi tiêu hiện nay. Ảnh: TTXVN.
Sửa đổi cả bậc tính thuế
Bên cạnh đề xuất thay đổi mức giảm trừ gia cảnh, Bộ Tài chính cũng đề xuất nghiên cứu, điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền lương tiền công của cá nhân cư trú.
Khoản 2 Điều 22 Luật thuế TNCN quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%.
Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tài chính cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của Biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Đồng tình với những thay đổi trong dự thảo Luật Thuế TNCN lần này, đại diện Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho hay thuế TNCN nên thay đổi theo hướng đánh thuế đúng đối tượng, đúng bản chất thay vì dựa trên hình thức như hiện nay. Cần giãn khoảng cách các bậc thuế để tạo sự đồng thuận của người nộp thuế, đặc biệt cần giãn khoảng cách ở bậc 1 và bậc 2 thật lớn để khoan sức dân đối với những đối tượng có thu nhập trung bình sẽ được hưởng lợi. Đồng thời, thu hẹp khoảng cách bậc thuế ở các bậc thuế cao nhằm động viên thu ngân sách nhà nước đối với những đối tượng có thu nhập cao, từ đó thực hiện được chính sách phân phối thu nhập.
Ngoài ra, thuế TNCN hiện nay chia làm 7 bậc là nhiều nên tính toán phức tạp và khó khăn. Do đó nên rút ngắn xuống còn 4 – 5 bậc để thuận tiện cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế từ đó giảm chi phí xã hội. Đồng thời, cần cân nhắc bỏ mức thuế TNCN 35% nhằm tạo sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực để thu hút lao động là chuyên gia có trình độ tay nghề cao đồng thời có thể thu hút nguồn thu khi thuế suất của chúng ta thấp hơn các nước trong khu vực.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, thuế suất của bậc 1 phải giảm xuống còn khoảng 1-2%, bậc cao nhất là 20%.
“Không có lý do gì để Thuế TNCN ở bậc 7 hiện là 35%, gần gấp đôi thuế thu nhập doanh nghiệp” – ông Đức nói.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong lúc chờ sửa luật (đến năm 2027 mới áp dụng luật mới), Chính phủ cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh để người nộp thuế đỡ thiệt thòi. Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã quá lạc hậu.
Thúy Hằng
————-
Đại đoàn kết (Kinh tế) ngày 09-12-2024:
https://daidoanket.vn/thay-doi-bieu-thue-thu-nhap-ca-nhan-nguoi-lao-dong-cho-doi-10296129.html
(58/1.971)