3.951. Thấy gì từ những vụ án kinh tế đình đám năm 2022?

Thấy gì từ những vụ án kinh tế đình đám năm 2022?

(NĐT) – Năm 2022 trôi qua với những đại án kinh tế có quy mô, tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tạp chí Nhà đầu tư đã trao đổi với doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Sơn và Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, để xem họ nhìn nhận hiện tượng này ra sao. 
Năm 2022 được coi là năm vận hạn của nhiều đại gia lừng lẫy tại Việt Nam: Trịnh Văn Quyết – FLC; Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh; Nguyễn Thị Thanh Nhàn – AIC; Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát… Ở góc độ doanh nhân, ông nghĩ sao về hiện tượng này?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Ở góc độ khách quan mà nói đây là một vết thương, một nỗi đau không chỉ riêng cho những người trong cuộc mà ảnh hưởng chung đến nhiều lĩnh vực đầu tư của Việt Nam. Ở góc độ cá nhân, theo quan điểm của tôi thì chúng ta cần phải rà soát, đánh giá lại tất cả những cái được và cái mất trong thời gian dài vừa qua, có thể nói rằng nguyên nhân sâu xa chính là luật pháp và chính sách của chúng ta không đáp ứng được yêu cầu “cần và đủ” theo thực tế của Việt Nam và thế giới. Từ đó dẫn tới quá nhiều những lỗ hổng để cho một số không ít cá nhân và tổ chức “bắt tay” với nhau làm sai lệch chính sách, dẫn dắt thị trường chệch hướng để thu lợi bất chính.

Thấy gì từ những vụ án kinh tế đình đám năm 2022

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc

Nói đến doanh nhân, doanh nghiệp đa phần là những người làm ăn chân chính nhưng họ khó phát triển bởi luật pháp và chính sách chồng chéo nên kết quả đầu tư không như kỳ vọng. Còn một số doanh nghiệp làm ăn dựa vào các mối quan hệ với các công chức, quan chức trong bộ máy Nhà nước thì họ đôi khi không cần vốn đầu tư nhưng tài sản tăng lên một cách chóng mặt và họ đã chi phối thị trường, tham nhũng chính sách và luôn chiếm lợi thế trong tất cả các lĩnh vực đầu tư “nóng”. Như chúng ta đã thấy, một thời gian dài các công ty, tập đoàn mang danh, thương hiệu lớn đã vi phạm pháp luật như kể trên và khi cơ quan bảo vệ pháp luật bóc tách sự việc, làm rõ tảng băng chìm phía dưới có bàn tay của các quan chức tha hoá giúp sức đắc lực.

Đã có những ý kiến cho rằng, việc cơ quan tố tụng bắt nhiều doanh nhân nổi tiếng vừa qua đã gây ra tâm lý hoang mang hay mất niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường tài chính, chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản… Song cũng có ý kiến cho rằng đây là hệ quả tất yếu cho những vấn đề “ung nhọt” có từ rất lâu, nếu không chấp nhận đau đớn thì hậu quả còn nặng nề hơn, ông có quan điểm thế nào? 

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Việc các doanh nhân có tên tuổi, có “số má” vướng vào lao lý, vướng vào tù tội thời gian vừa qua cũng là lẽ đương nhiên bởi bản thân họ cho dù nói ra hoặc không nói ra, cũng đã biết việc làm của mình là vi phạm chính sách, vi phạm pháp luật. Họ đã ngang nhiên “nhảy dây” với luật pháp thì chắc chắn hậu quả sẽ đến. Mặc dù bên cạnh họ có những “bức tường” tưởng chắc chắn bảo vệ cho họ.

Phải làm “trong sạch” lại đội ngũ doanh nhân và công chức là vô cùng cần thiết hiện nay nhưng tôi cho rằng cũng phải cân nhắc cách làm như thế nào để tránh gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho cả doanh nhân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Theo tôi, Đảng, Chính phủ và cơ quan bảo vệ pháp luật cần xác định mốc giới, giới hạn cụ thể tránh sa đà vào việc “hồi tố” không hợp lý bởi mỗi giai đoạn khác nhau thì tính chất vụ việc cũng khác nhau. Vấn đề đặt ra là chúng ta có hình sự hoá các quan hệ dân sự hay không cũng cần phải làm rõ, minh bạch và sòng phẳng…, từ đó để doanh nhân, doanh nghiệp và các công chức an tâm làm việc.

Lãnh đạo Đảng và Chính phủ khẳng định đang làm mọi cách để trong sạch, minh bạch thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản. Với tư cách là doanh nhân – nhà đầu tư Việt kiều, ông nhìn nhận như thế nào về môi trường đầu tư kinh doanh hiện nay và có hiến kế gì?

Ông Nguyễn Hoài Bắc: Làm trong sạch, minh bạch các lĩnh vực đầu tư công – tư của Việt Nam là điều tiên quyết và cần phải làm cho dù thời điểm này đã là chậm so với diễn biến của thực tế. Đất nước đang phát triển thì thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản là then chốt để huy động các nguồn lực trong xã hội chung tay phát triển các lĩnh vực trọng tâm của quốc gia.

Thời điểm này chưa thể có cái nhìn toàn diện về kinh tế Việt Nam năm 2023 và 2024. Báo cáo của Chính phủ và Quốc hội là bức tranh màu hồng và lạc quan với tăng trưởng 6,5% trở lên, nhưng theo cách nhìn nhận của tôi thì khác bởi với kinh nghiệm, trải nghiệm hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam và 30 năm làm doanh nghiệp, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 gặp khó khăn, tăng trưởng GDP nếu đạt 3,5% đã là thành công, lạm phát dưới 4% cũng là niềm hạnh phúc của người dân và doanh nghiệp.

Để bảo đảm an sinh xã hội, ổn định và phát triển kinh tế thì chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với bức tranh rất tối của thế giới và phải đặt ra trong ngắn hạn và trung hạn kinh tế thế giới sẽ lâm vào đại khủng hoảng còn nghiêm trọng hơn thời kỳ năm 2010. Từ đó, Đảng, Nhà nước có chính sách và đối pháp biết người, biết mình cho phù hợp. Tôi tin tưởng rằng khi chúng ta làm tốt công tác dự báo và hoạch định được các mục đích cốt lõi có đủ khả năng đạt được mới là điều tiên quyết để bình ổn xã hội và lấy lại niềm tin trong cộng đồng xã hội và doanh nhân, doanh nghiệp.

Trân trọng cảm ơn ông!
Luật sư Trương Thanh Đức: CẦN TUYÊN BỐ MẠNH MẼ VÀ NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỤ THỂ

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Các đại án kinh tế vừa qua rõ ràng đã có tác động lớn, trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế như tài chính, ngân hàng. Có sai phạm phải xử lý là điều đương nhiên nhưng tôi cho rằng cách làm như thế nào cũng rất quan trọng. Việc các cơ quan tố tụng dồn dập xử lý nhiều vụ án lớn trong thời điểm Việt Nam và thế giới gặp nhiều bất ổn như lạm phát, hạn mức tín dụng xuống thấp đã gây ra những hiệu ứng tiêu cực đối với nhà đầu tư và thị trường, đó là mất niềm tin.

Ở một chiều khác, chúng ta cần khách quan nhìn nhận, nếu như tất cả đều tốt thì việc cơ quan tố tụng bắt vài ba doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng gì. Nhưng ở đây thấy rõ hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đều na ná như nhau, là sự tù mù, rủi ro và sai trái như nhau. Chính vì thế đã khiến nhà đầu tư giật mình, doanh nghiệp lo lắng, muốn mua lại trái phiếu thì không có tiền và có thể dẫn đến mất cân đối và sụp đổ hàng loạt. Do đó, tôi cho rằng Chính phủ trước mắt cần có những giải pháp ổn định tâm lý cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Giải pháp này không chỉ có tuyên bố mạnh mẽ mà còn cần phải có những hành động cụ thể hơn. Trong đó cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện như đẩy nhanh tiến độ cho doanh nghiệp chuyển nhượng dự án thu hồi vốn. Các thủ tục giấy tờ, sổ đỏ cần được cơ quan Nhà nước chỉ đạo để thực hiện nhanh hơn, có thể nửa tháng thay vì một tháng. Thứ hai, cần có cơ chế để giãn, hoãn, hỗ trợ dòng tiền, không loại trừ tăng room tín dụng cho một số đối tượng vay để trả nợ; nới lỏng cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong tương lai. Doanh nghiệp có thì tạo điều kiện cho khắc phục, nếu không khắc phục được hoặc cố tình vi phạm thì mới xử lý tiếp.

Thái Sơn

———–

Nhà đầu tư (Pháp luật) 25-01-2023:

https://nhadautu.vn/thay-gi-tu-nhung-vu-an-kinh-te-dinh-dam-nam-2022-d73669.html

(409/1.570)

#Daian #VietA #AIC #Tanhoangminh

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,031