Sở hữu chéo tại ngân hàng chưa hết nóng?
(ĐTVN) – Dù sở hữu chéo trên sổ sách giảm mạnh, song trên thực tế vẫn còn nhiều phức tạp. Các chuyên gia cho rằng nếu chỉ dùng các công cụ như giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần, giảm hạn mức cấp tín dụng…
Chia sẻ về khó khăn, vướng mắc trong chống sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết việc phát hiện mối liên quan giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng rất khó khăn, nhiều khi phải có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Các cổ đông có thể lợi dụng “vùng tối” để lách luật nhằm chi phối hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD)…
Còn tình trạng vượt quy định
Theo các chuyên gia, Luật Các TCTD năm 2024 đã bổ sung các quy định giúp tăng cường ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các TCTD.
Một trong những quy định được quan tâm nhất là việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần cho cổ đông là tổ chức giảm từ 15% xuống 10% vốn điều lệ, cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15% vốn điều lệ. Đồng thời, yêu cầu các TCTD phải công khai thông tin các cổ đông và người liên quan có tỷ lệ sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên tại TCTD.
Tuy nhiên, báo cáo về tỷ lệ cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của một số ngân hàng cho thấy tỷ lệ sở hữu khá lớn của một nhóm cổ đông, doanh nghiệp, tổ chức và người có liên quan, hoặc tỷ lệ sở hữu vượt giới hạn quy định…
Theo báo cáo về tỷ lệ cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ của OCB, 20 cổ đông nắm từ 1% vốn điều lệ trở lên chưa kể người có liên quan đã sở hữu gần 80% vốn ngân hàng, gồm 13 cổ đông tổ chức nắm 54,6% vốn và 7 cổ đông cá nhân nắm 24,8% vốn còn lại. Riêng Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn và người có liên quan sở hữu hơn 19,9% vốn, bà Cao Thị Quế Anh (vợ ông Tuấn, đồng thời là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ) và người có liên quan sở hữu gần 19,8% vốn, 3 con gái của ông Tuấn và người có liên quan cũng đang sở hữu trên 19% vốn điều lệ – đều vượt quy định tại Luật.
Tại VIB, 2 cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ theo quy định mới, thậm chí ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB và người có liên quan sở hữu trên 20,2% vốn điều lệ – vượt cả quy định cũ và mới.
Tại Eximbank, công ty cổ phần Tập đoàn Gelex hiện là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 85,5 triệu cổ phần (tương đương 4,9% vốn điều lệ). Tiếp theo là Công ty cổ phần Chứng khoán VIX sở hữu 3,58%; Công ty cổ phần Thắng Phương sở hữu 3,07%. Ngoài ra, 2 nhà đầu tư cá nhân sở hữu lần lượt 1,03% và 1,12% vốn Eximbank là bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Trước đó, TPBank cũng công bố danh sách cổ đông tính đến ngày 30/8 với 22 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên cùng tổng số cổ phần sở hữu là gần 1,56 tỷ, tương ứng 70,74% vốn điều lệ của ngân hàng.
Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú không nằm trong số cổ đông nắm trên 1% vốn điều lệ của TPBank, nhưng hai người con là ông Đỗ Minh Đức và bà Đỗ Vũ Phương Anh mỗi người đang cùng nắm tương ứng 1,11%. Hai cá nhân này hiện lần lượt là Phó chủ tịch thường trực và Tổng giám đốc Tập đoàn DOJI, là cổ đông tổ chức nắm 5,93% vốn TPBank.
Các chuyên gia nhận định, việc ngân hàng phải công khai cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ là cần thiết. Với quy mô vốn khoảng 24.000-80.000 tỷ đồng và không ngừng gia tăng sau mỗi năm thì 1% vốn cũng có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Việc minh bạch nhóm “cổ đông quyền lực” sẽ góp phần hỗ trợ việc giám sát, phòng ngừa tình trạng đứng tên hộ, đầu tư “núp bóng”.
Cần công khai tất cả cổ đông ngân hàng
Tại báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN thừa nhận việc xử lý vấn đề sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân/tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật, dẫn đến TCTD có thể bị chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động thiếu công khai, minh bạch.
Thực tế, một số TCTD có mức độ tập trung sở hữu cổ phần tại một số cổ đông và người liên quan, mặc dù không vi phạm quy định của pháp luật, tuy nhiên cần quan tâm lưu ý nhằm ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra.
Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, NHNN đang thực thi theo Luật Các TCTD 2024, trong đó có quy định quản lý tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông. Về mặt lý thuyết, việc không cho phép cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức hoặc không cấp tín dụng mới cho các cổ đông và người liên quan… là nhằm kéo giảm các tỷ lệ, đưa ra giới hạn nhưng khó kiểm soát được tỷ lệ này trên thực tế.
Theo ông Hiếu, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng thì là có, nhưng để chỉ mặt, đặt tên từng trường hợp thì rất khó. Do đó, cần có sự phối hợp của nhiều bên để giải quyết hiệu quả vấn đề.
Việt Nam có thể tham khảo Mỹ trong việc thành lập Hội đồng Giám sát ổn định Tài chính (FSOC), có chức năng giám sát độc lập với các cơ quan thuộc Chính phủ thay vì trao thêm quyền điều tra cho cơ quan thanh tra, giám sát thuộc NHNN.
Đặc biệt, với các thành viên trong ban kiểm soát, ông Hiếu cho rằng phải lựa chọn những người có năng lực, độc lập. Bởi đây được xem như “chốt chặn” cuối cùng trong chống sở hữu chéo.
Cuối cùng chuyên gia này đề xuất cần áp dụng chế tài nặng nhất cho một ngân hàng là rút giấy phép hoạt động, bởi nếu chỉ răn đe, xử phạt thì nhiều ngân hàng vẫn sẵn sàng vi phạm.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khuyến nghị, cần công khai tất cả danh sách cổ đông thay vì tỷ lệ sở hữu 1% mới công bố thông tin, vì chỉ có công khai minh bạch thì mới thực sự giám sát được.
Thực tế cho thấy, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các ngân hàng luôn được khống chế rất chặt nhưng vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để tình trạng thao túng.
Do đó, các văn bản quy định chi tiết thi hành luật cần được thiết kế để kiểm soát chặt nguồn tiền góp vốn của các cổ đông. Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường để bảo đảm quy định được thực thi đúng.
NHNN cho biết sẽ tiếp tục rà soát nghiên cứu tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản liên quan đến cổ đông, sở hữu cổ phần của TCTD để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm triển khai Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7.
ĐTVN
————-
Đầu tư Việt Nam (Tin tức trong nước) 09-12-2024:
(130/1.414)