3.956. Nợ thuế từ 10 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh: Đã hợp lý hay chưa?

Nợ thuế từ 10 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh: Đã hợp lý hay chưa?

(PLO) – Ngưỡng nợ thuế được đề xuất là 10 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với doanh nghiệp sẽ mở rộng phạm vi người bị tạm hoãn xuất cảnh. Cần xem xét kỹ lưỡng để tránh việc lạm quyền.

Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh với các ngưỡng nợ thuế khác nhau. Theo đó, từ 1-1-2025, cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã bị cưỡng chế thi hành nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên thì người đại diện pháp luật sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.

Đừng để ra đến sân bay mới biết bị tạm hoãn xuất cảnh

Ông Nguyễn Thái Sơn – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Sơn – bày tỏ quan điểm, hiện dự thảo đang đề xuất cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và doanh nghiệp nợ thuế mức 100 triệu đồng sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh. Đề xuất này có thể coi là hợp lý.

Bởi theo ông Sơn, nợ thuế 10 triệu với cá nhân không phải là một mức nhỏ, khi ấy có thể tránh được việc tạm hoãn xuất cảnh cho những khoản nợ nhỏ hơn, tránh gây phiền hà không cần thiết.

Còn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đề xuất ở mức này sẽ xây dựng được trách nhiệm tuân thủ nghĩa vụ thuế. Đồng thời, với một doanh nghiệp thì đây cũng không phải mức quá thấp, khó có thể gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh, sản xuất.

Về thời hạn nợ thuế quá hạn lần này được Bộ Tài chính đề xuất là trên 120 ngày, ông Sơn cũng cho rằng là “vừa phải”, bởi thời gian này đủ để người nộp thuế sắp xếp tài chính và hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Nợ thuế từ 10 triệu bị tạm hoãn xuất cảnh

Thời gian vừa qua, nhiều người đã bị tạm hoãn xuất cảnh vì nợ thuế quá hạn. Ảnh minh họa: QUANG HUY

Còn theo anh Quốc Hoàng – Công ty TNHH Công nghệ và Truyền thông Hmedia – thời gian vừa qua không ít cá nhân, đại diện doanh nghiệp ra đến sân bay mới biết mình bị tạm hoãn xuất cảnh, ảnh hưởng khá lớn đến công việc kinh doanh. Bên cạnh đó còn tốn chi phí đặt vé máy bay, thời gian đi lại…

Do đó, đại diện doanh nghiệp này đề nghị các cơ quan nên có cơ chế, biện pháp để người dân, doanh nghiệp biết họ đang nợ thuế và nằm trong danh sách bị cấm xuất cảnh, để nhanh chóng hoàn thành nghĩa vụ thuế. Có thể là đa dạng hóa phương thức thông báo để người nộp thuế nhận được thông tin kịp thời và chính xác.

Ngoài ra, theo ông Hoàng, cũng cần có một cơ chế phối hợp tốt hơn giữa cơ quan thuế, hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh. Chẳng hạn như, cơ quan thuế phải gửi thông tin danh sách cá nhân bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế đến cơ quan xuất nhập cảnh.

Khi khách hàng đặt vé máy bay thuộc diện bị tạm hoãn xuất cảnh thì hãng hàng không hoặc cơ quan xuất nhập cảnh có thể thông báo ngay cho hành khách về tình trạng này trước khi chuyến bay diễn ra, để họ có thời gian xử lý, tránh tốn thời gian và chi phí.

Dự thảo quy định biện pháp cưỡng chế với người đang nợ thuế, nhưng, cơ quan thuế chậm hoàn thuế thì lại chưa rõ biện pháp chế tài, kỷ luật…

Quy định trả lãi do chậm hoàn đã có từ lâu nhưng chưa có người nộp thuế nào được trả lãi. Doanh nghiệp bao lâu nay vẫn lên tiếng vì chuyện này. Với việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như hiện này thì cơ quan thuế cũng nên áp dụng biện pháp bồi hoàn từ quỹ hoàn thuế chứ không cần chờ người nộp thuế đòi trả lãi. Các quy định cần áp dụng một cách bình đẳng.

Ông Nguyễn Ngọc Tú – nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế

Tùy từng trường hợp, không nên đánh đồng

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi xác định ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh nếu mức quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội.

“Mỗi con số đưa ra cần có cơ sở logic, có sự liên kết với các quy định pháp luật khác để đơn giản, dễ nhớ, dễ thực hiện. Khi đó, người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn”, ông Đức nói.

Ví dụ, thay vì đặt ra số cụ thể 10 triệu đồng đối với cá nhân, vị luật sư này đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh.

“Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp”.

Đưa ra ý kiến về điểm mới trong dự thảo, ông Nguyễn Ngọc Tú – nguyên Vụ trưởng Tổng cục Thuế, Giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội – cho rằng việc đưa ra ngưỡng nợ thuế từ 10 triệu và 100 triệu đồng để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp thì đối tượng bị ảnh hưởng sẽ rất nhiều.

Chưa kể, với quy định hiện hành, cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tạm hoãn xuất cảnh, nhưng theo dự thảo thì từ 1-1-2025, nếu nợ thuế trên 10 triệu đồng sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế. Nghĩa là phạm vi đã mở rộng hơn thì nguy cơ số lượng người bị tạm hoãn xuất cảnh sẽ nhiều hơn.

Do đó, theo ông Tú, nên tính toán làm sao cho phạm vi áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh phải nhỏ đi, chứ không nên tăng thêm, tránh trường hợp lạm quyền.

Trong khi đó, bên cạnh những người nộp thuế cố tình chây ì không chịu nộp thuế thì cũng có những người nộp thuế gặp khó khăn thật sự. “Việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế, tạm hoãn xuất cảnh phải tùy từng trường hợp mới hợp lý chứ không nên đánh đồng”.

Đồng thời theo ông Tú, quy định hiện nay là nợ thuế trên 90 ngày thì phạt chậm nộp, trích tài khoản ngân hàng, đình chỉ sử dụng hóa đơn, sau đó tạm hoãn xuất cảnh. Vì vậy, tạm hoãn xuất cảnh trong thời gian tới cũng phải phân loại. Trong trường hợp người nộp thuế xuất cảnh vì lý do công việc như gặp gỡ đối tác, ký hợp đồng… thì không nên hạn chế mà cần hỗ trợ họ.

Bên cạnh đó, theo vị này, dự thảo cũng cần bổ sung trong trường hợp người nộp thuế có quá trình lịch sử tuân thủ thuế tốt nhưng thời điểm này đang gặp khó khăn trong kinh doanh hay họ có lộ trình phân kỳ nộp thuế thì không nên áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh.

Bởi, mục tiêu tạm hoãn xuất cảnh là sợ trốn đi nước ngoài, còn người nộp thuế đi hợp tác làm ăn kinh doanh hoặc đi ra nước ngoài để chữa bệnh mà bị tạm hoãn xuất thì là làm khó họ và cũng không nhân văn.

“Quyền con người là được tự do đi lại nên cần xem xét áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh khi thật sự cần thiết, tránh lạm dụng”.

Về thời gian nợ thuế, theo ông Tú đánh giá đây là một điểm mới, bởi quy định hiện nay là 90 ngày, hiện dự thảo là 120 ngày. Như vậy đã tăng thêm 30 ngày. Nhưng ông Tú cho rằng, tăng thêm 30 ngày cũng không hỗ trợ người nộp thuế nhiều nếu người dân, doanh nghiệp đang thực sự gặp khó khăn về tài chính.

“Nếu họ đang khó khăn tài chính, rơi vào cảnh nợ thuế thì tăng thêm 30 ngày cũng khó có thể thể xoay chuyển được tình thế hay xoay vòng vốn để có tiền trả tiền thuế”.

Vì vậy, ông Tú cho rằng, nếu tăng thêm thời gian thì cần tăng lên 180 – 183 ngày, khoảng 6 tháng.

Hơn nữa, ông Tú nhấn mạnh, tạm hoãn xuất cảnh không phải là biện pháp duy nhất trong cưỡng chế thuế hiện nay. Vì thế, cơ quan quản lý cần nghiên cứu hỗ trợ các biện pháp sao cho người nộp thuế đóng thuế phân kỳ.

Bộ Tài chính nói gì?

Lý giải về các đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết một số nước như Trung Quốc, Malaysia, Mỹ… cũng áp dụng chính sách hạn chế đi lại đối với các cá nhân có nợ thuế lớn và thời gian nợ thuế dài để bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Mặt khác, từ cuối năm 2023, cơ quan quản lý thuế đã đẩy mạnh triển khai biện pháp này với các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trong khi vẫn còn nợ thuế.

Kết quả rất tích cực khi thu hồi được số nợ thuế tồn đọng lâu nay. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã tự giác đi nộp thuế nợ từ nhiều năm nay để được gỡ bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Nếu áp dụng đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính ước tính cả nước có khoảng 380.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Qua số liệu khảo sát, Bộ Tài chính tính toán nếu ngưỡng nợ đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 50 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 500 triệu đồng trở lên thì có khoảng 81.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

Nếu chọn ngưỡng nợ thuế đối với cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng trở lên; doanh nghiệp từ 1 tỉ đồng trở lên thì cả nước có khoảng 40.000 cá nhân thuộc trường hợp tạm hoãn xuất cảnh.

“Quy định góp phần làm tăng thu cho ngân sách nhà nước này có thể tác động đến khoảng 301.713 cá nhân kinh doanh, chủ hộ kinh doanh và khoảng 78.595 cá nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp…; góp phần nâng cao ý thức tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế”, Bộ Tài chính nhận định.

Minh Trúc

————-

Pháp luật TP HCM (Kinh tế) ngày 11-12-2024:

https://plo.vn/no-thue-tu-10-trieu-bi-tam-hoan-xuat-canh-da-hop-ly-hay-chua-post824034.html

(173/1.901)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.978. Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế...

Thưởng Tết - niềm vui giảm sút vì thuế thu nhập cá nhân. (DĐDN)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,939