Quy định hoãn xuất cảnh đối với trường hợp nợ thuế, nên hiểu như thế nào?
(DN&CL) – Nhiều ý kiến cho rằng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân nợ thuế từ 10 triệu đồng và với doanh nghiệp từ 100 triệu đồng là hợp lý nhưng chưa đủ.
Mức “vừa sức” với cá nhân và doanh nghiệp
Tạm hoãn xuất cảnh (quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 và Nghị định 126/2020), được áp dụng từ năm 2023 là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc thúc đẩy các cá nhân và doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ thuế.
Tuy vậy, một trong những vấn đề nổi cộm, bất cập, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm qua chính là chúng ta chưa có quy định rõ ràng về ngưỡng nợ thuế là bao nhiêu để áp dụng tạm hoãn xuất cảnh.
Điều này dẫn đến tình trạng trong thực tế, một số cá nhân, dù chỉ nợ những khoản thuế rất nhỏ, có khi chỉ vài triệu đồng vẫn bị tạm hoãn xuất cảnh, gây ra những bất tiện và hệ lụy không đáng có đối với họ.
Tại dự thảo nghị định đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất cá nhân, chủ hộ kinh doanh nợ thuế quá hạn trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh.
Đây là đề xuất hợp lý, có tính công bằng và minh bạch, vừa có tác dụng tăng hiệu quả thu hồi nợ thuế, nhưng vừa không ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh và hỗ trợ nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách.
Bên cạnh đó, việc áp dụng tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân, tổ chức nợ thuế một cách chọn lọc cũng sẽ tránh gây khó khăn không cần thiết cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch – Đoàn Luật sư Hà Nội, cũng ủng hộ đề xuất này. Đây là mức “vừa sức”, tránh việc áp dụng cho những khoản nợ nhỏ, gây phiền hà không cần thiết.
Đối với doanh nghiệp, mức nợ 100 triệu đồng cũng là phù hợp, nhằm tạo áp lực để doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ thuế, đồng thời không quá cao để gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Theo ông Tuấn Anh, đề xuất này cũng đúng luật khi Điều 47, Hiến pháp 2013 quy định mọi người phải nộp thuế. Biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với cá nhân hay doanh nghiệp đang trong tình trạng nợ thuế nhằm đảm bảo các nghĩa vụ tài chính của người nộp thuế đối với Nhà nước.
Đề xuất của Bộ Tài chính được nhận định hợp lý nhưng chưa đủ.
Cần thêm nhiều biện pháp để truy thu thuế
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, lại cho rằng khi xác định ngưỡng nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh nếu quá thấp và trong thời hạn quá ngắn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội. Mức nợ thuế để tạm hoãn xuất cảnh phải là con số có cơ sở logic và liên kết chặt chẽ với các quy định pháp luật khác, nhưng cũng cần đơn giản dễ nhớ và dễ thực hiện. Khi đó người dân, doanh nghiệp sẽ chấp hành tốt hơn.
Chẳng hạn, thay vì đặt ra số cụ thể 10 triệu đồng đối với cá nhân, ông Đức đề xuất sử dụng mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc mức lương tối thiểu làm cơ sở để xác định ngưỡng nợ thuế tạm hoãn xuất cảnh. Tránh trường hợp sau này trượt giá hoặc thực tế thay đổi lại phải điều chỉnh con số cho phù hợp.
Vấn đề nữa cũng cần được Bộ Tài chính quan tâm đưa vào dự thảo nghị định là có nhiều trường hợp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp – vốn chỉ là người lao động được thuê để điều hành – lại bị áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh khi doanh nghiệp nợ thuế, dù họ không có quyền quyết định tài chính của công ty.
Điều này không chỉ gây ảnh hưởng, thiệt hại cho cá nhân người đại diện mà còn tạo ra sự thiếu công bằng trong việc thực thi pháp luật kiểu “quýt làm cam chịu”.
Tương tự, với doanh nghiệp cũng nên có mức cụ thể với quy mô từng đơn vị như doanh nghiệp vừa và nhỏ hay doanh nghiệp lớn thì phải có mức khác nhau. Việc quy định chi tiết như thế này sẽ hạn chế gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến uy tín cá nhân người đại diện doanh nghiệp và thương hiệu doanh nghiệp.
Một mặt khác được Luật sư Trần Tuấn Anh đặc biệt lưu ý đó là trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dù nợ nhiều nhưng không có nhu cầu ra nước ngoài và ngược lại, có những doanh nghiệp dù nợ ít do gặp khó khăn tạm thời nhưng lại có nhu cầu phải xuất cảnh để gặp đối tác, tìm kiếm đơn hàng…
Vì vậy, Bộ Tài chính nên đưa ra nhiều biện pháp khác để thu thuế hiệu quả hơn, chứ không chỉ dựa vào việc tạm hoãn xuất nhập cảnh để thu thuế.
Trang Nhi
————-
Doanh nhân & Công lý (Diễn đàn pháp lý) ngày 11-12-2024:
(177/981)