3.961. Vụ kiện của HAGL với VPF chứa nhiều mâu thuẫn

(Zing) – Quyền quảng bá ngành hàng độc quyền của nhà tài trợ chính đã được VPF nêu trong điều lệ đầu tiên kể từ ngày thành lập. Đây cũng là giai đoạn bầu Đức giữ vị trí lãnh đạo ở VPF.

Hôm 2/2, VPF (Công ty CP Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam, đơn vị được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao quyền tổ chức V.League) gửi công văn nhất trí với kế hoạch triển khai tổ chức trận đấu của CLB HAGL.

Theo đó, HAGL đưa phương án chỉ hiển thị logo nhà tài trợ Carabao (không đi kèm chữ “nước tăng lực” bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt), đồng thời thay đổi một số hoạt động quảng cáo bên lề nhằm tránh xung đột quyền lợi ngành hàng độc quyền với nước tăng lực Night Wolf, đơn vị tài trợ chính cho V.League 2023

Câu chuyện mẫu thuẫn giữa HAGL và VPF tưởng chừng đi đến hồi kết sau khi đôi bên đã có sự thống nhất về phương án xử lý thì mới đây, Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ kiện VPF ra tòa. “HAGL sẵn sàng đối đầu với VPF trong vụ kiện này. Chúng tôi kiện không phải vì HAGL cần tiền bồi thường mà vì 14 đội bóng dự V.League”, bầu Đức nhấn mạnh.

HAGL và Carabao chấp nhận kế hoạch quảng cáo mới. Ảnh: HAGL.

HAGL và Carabao chấp nhận kế hoạch quảng cáo mới. Ảnh: HAGL.

Mấu chốt là thời điểm

Trao đổi với Zing, luật sư Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật SBLaw – cho biết vấn đề mấu chốt chính gây xung đột liên quan tới lợi ích của các bên. Bài toán tài trợ của các CLB Việt Nam hiện nay rất quan trọng, nói không quá là mang tính sống còn đối với một đội bóng. Nếu không có nhà tài trợ thì khả năng bỏ bóng đá do thiếu kinh phí là rất cao.

Dưới góc độ kinh tế, nhiều nhãn hàng nước tăng lực đang hợp tác với CLB bóng đá và khiến cuộc chiến giành thị phần trở nên khốc liệt. Đây cũng là minh chứng cho thấy tiềm năng của ngành hàng này tại Việt Nam.

Trong trường hợp của HAGL, hợp đồng với doanh nghiệp từ Thái Lan giúp CLB này nhận hơn 40 tỷ đồng/mùa. Khi VPF yêu cầu đội bóng không được quảng bá hình ảnh nhà tài trợ mới theo đúng điều lệ giải, HAGL phản đối và lưu ý sẽ mất nguồn thu, tiền trả lương cho cầu thủ, ban huấn luyện và phải đền bù khoản tiền lớn nếu không tuân thủ hợp đồng.

Theo luật sư Thanh Hà, cần xác định tại điều lệ giải có quy định rõ ràng về nội dung độc quyền của nhà tài trợ giải là nước tăng lực Night Wolf, sản phẩm của Công ty Sâm Ngọc Linh hay không. Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng với Carabao, HAGL có biết về quy định này hay không, VPF ký hợp đồng tài trợ độc quyền với nhãn hàng nước tăng lực trước hay sau khi HAGL ký với Carabao.

Trong trường hợp hai bên không thể đàm phán, thỏa thuận dẫn đến việc khởi kiện, trường hợp HAGL chứng minh được VPF phải chịu trách nhiệm dẫn đến việc HAGL vi phạm hợp đồng, HAGL có thể đòi VPF bồi thường thiệt hại hoặc ngược lại.

HAGL và VPF nên xem xét, đưa ra quyết định đúng đắn, tìm được tiếng nói chung để có thể hài hòa được lợi ích giữa các bên

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Công ty Luật SBLaw

Tương tự, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cũng cho rằng hai điểm tranh cãi của vụ việc là quy định ban đầu có ràng buộc hay không hay khiến CLB hiểu lầm. Thứ hai là hợp đồng nào ký trước, hợp đồng nào ký sau.

Ngoài ra, các đội tham gia đều phải cam kết theo luật chung, được thể hiện bằng văn bản, câu chữ, điều khoản chứ không phải có gì.

Theo tuyên bố của VPF, hợp đồng với nước tăng lực Night Wolf được ký vào ngày 10/2/2022. Đơn vị đã ban hành văn bản, thông báo đến các CLB tham dự về ngành hàng của nhà tài trợ chính là nước tăng lực và đề nghị không hợp tác khai thác tài trợ ngành hàng cạnh tranh với nhà tài trợ chính kể từ ngày 11/2/2022.

Trong khi đó, hợp đồng giữa HAGL và Carabao được ký vào cuối tháng 12/2022 và chính thức công bố vào ngày 15/1/2023. Nhà tài trợ cũ của CLB là Red Bull, cũng là một thương hiệu nước tăng lực, hết hạn hợp đồng vào ngày 14/1/2023.

Về vấn đề CLB có nhận được thông báo của VPF về hợp đồng với nước tăng lực Night Wolf hay không, phóng viên đã liên hệ HAGL nhưng lãnh đạo từ chối trả lời.

Khó dẫn chiếu Luật cạnh tranh

Lý giải lý do đội bóng chấp nhận nhượng bộ và điều chỉnh kế hoạch quảng bá, bầu Đức cho biết HAGL phải thi đấu để có tư cách theo đuổi vụ kiện so với tư cách VPF. “VPF thấy sai thì cần phải sửa điều lệ. Vì sao Quy chế không nói độc quyền mà điều lệ các anh lại muốn độc quyền?”, ông chủ đội bóng phố núi tuyên bố theo đuổi vụ kiện nhiều năm.

Trên thực tế trong 53 trang của Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp (sửa đổi, bổ sung năm 2023) do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam ban hành ngày 4/1/2023, nội dung về độc quyền được đề cập một lần duy nhất. Cụ thể mục 7 Điều 57 (Vé xem trận đấu) yêu cầu “CLB phải in vé mời, vé bán theo mẫu của đơn vị tổ chức giải, hình ảnh trên vé không được có những quảng cáo cạnh tranh với các ngành hàng độc quyền của các nhà tài trợ giải”.

Theo mục 1 Điều 66 (Tài trợ), “Các nhà tài trợ, cơ quan truyền thông là đối tác của đơn vị tổ chức giải và các CLB, được hợp tác khai thác các quyền thuộc sở hữu của đơn vị tổ chức giải và của các câu lạc bộ thông qua ký kết hợp đồng theo quy định của pháp luật”.

Ở đây, đơn vị tổ chức giải V.League 2023 có thể hiểu là VPF do được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam giao quyền tổ chức căn cứ theo Điều 65 (Quyền khai thác tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình).

HAGL từng bỏ ngỏ khả năng bỏ V.League 2023 nếu không được đáp ứng điều kiện về nhà tài trợ. Ảnh: HAGL.

HAGL từng bỏ ngỏ khả năng bỏ V.League 2023 nếu không được đáp ứng điều kiện về nhà tài trợ. Ảnh: HAGL.

Mục 2 của Điều 65 cũng nêu rõ “Đơn vị tổ chức giải phải quy định cụ thể bằng văn bản về vấn đề khai thác thương quyền, tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình của đơn vị tổ chức giải và các CLB tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi của các nhà tài trợ, quyền lợi của đơn vị tổ chức giải và của các CLB”.

Thực tế cho thấy kể từ thời điểm vào tháng 12/2011, VPF đều công bố Điều lệ V.League trong từng mùa bóng.

Ngay từ Điều lệ đầu tiên của VPF, tức mùa bóng V.League – Eximbank 2012, đã có quy định “Ngành hàng tài trợ gắn với giải đấu được độc quyền quảng bá ngành hàng là: tài chính, ngân hàng và bóng thi đấu trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan tới giải bóng đá”.

Các CLB tham dự giải không được có bất kỳ hình thức quảng cáo nào cạnh tranh hay trùng với 3 ngành hàng này xuất hiện hiện trong khuôn viên sân thi đấu.

Tuy nhiên, VPF cũng đã ngoại trừ một số khả năng như “CLB đã có nhà tài trợ chính hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng hoặc có gắn thương hiệu trên áo thi đấu của CLB và đã thông báo bằng văn bản tới VPF và được VPF đồng ý trước khi VPF ký với nhà tài trợ chính gắn tên với giải đấu”; “Chủ sở hữu và/hoặc cổ đông nắm giữ số cổ phần cao nhất của CLB có hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng”.

Mùa bóng V.League – Eximbank 2014 là lần đầu tiên một nhà tài trợ chính (Eximbank) không có quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải bóng đá.

Mùa bóng 2012-2014 cũng là giai đoạn bầu Đức giữ vị trí Phó chủ tịch VPF trước khi rời ghế vào cuối năm 2014 trong Đại hội cổ đông khóa II (2014-2017) của công ty.

Theo luật sư Thanh Hà, khoản 2 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018 quy định các hành vi bị cấm liên quan đến cạnh tranh bao gồm: Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.

Tuy nhiên trong vụ việc này, HAGL khó có thể dẫn chiếu Luật Cạnh tranh để kiện VPF vì đưa ra điều khoản độc quyền trong hợp đồng với nhà tài trợ V.League.

Qua sơ bộ, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho biết chưa xác định được dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh.

“Ví dụ nếu một đơn vị tổ chức truyền hình trận đấu bóng đá, hay mua bản quyền một giải đấu và đặt ra những yêu cầu về quảng cáo như mức giá, hạn chế, cho phép thì khó có thể nói đây vị thế thống lĩnh”, đại diện Công ty Luật ANVI cho rằng trường hợp này chỉ có thể đặt câu hỏi điều lệ có hợp lý hay không.

Minh Khánh

—————–

Zing (Kinh doanh) 05-01-2023:

https://zingnews.vn/vu-kien-cua-hagl-voi-vpf-chua-nhieu-mau-thuan-post1398907.html

(172/1.752) #VPF #HAGL #V.League

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,761