Tạo động lực minh bạch nền tảng tài chính.
(TN) – Việc Thông tư 02 hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 khiến nhiều người lo ngại áp lực nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, thay vì gây xáo trộn, sự kiện này có thể trở thành động lực thúc đẩy minh bạch và củng cố nền tảng tài chính của hệ thống ngân hàng.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết quý III/2024, nợ xấu toàn hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã chạm mốc 252.000 tỷ đồng, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 30,3% so với đầu năm.
Lo nguy cơ nợ xấu gia tăng
Theo chuyên gia của Công ty Chứng khoán SHS, các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ hiện đang chịu áp lực lớn hơn so với các ngân hàng lớn. Tệp khách hàng chủ yếu của các ngân hàng này thuộc nhóm có năng lực tài chính yếu và khả năng phục hồi chậm, khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao và tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu (LLCR) sụt giảm đáng kể.
Cụ thể, LLCR toàn hệ thống chỉ còn 83% trong quý III/2024, giảm sâu so với mức đỉnh 143,2% vào quý III/2022, phản ánh rõ chất lượng tài sản trong hệ thống ngân hàng đang suy giảm nghiêm trọng. SHS dự báo, đến cuối năm 2024, nợ xấu có thể cải thiện khi các ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng để xóa nợ xấu.
Tuy nhiên, việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về tái cơ cấu nợ dự kiến hết hiệu lực vào ngày 31/12/2024 lại là một mối lo ngại. Nếu không được gia hạn, nguy cơ nợ xấu leo thang và LLCR tiếp tục suy giảm là điều khó tránh khỏi, dù các ngân hàng vẫn duy trì hoạt động trích lập dự phòng.
Đồng tình, TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia kinh tế (Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, tính đến ngày 7/12, tín dụng đã tăng 12,5% và mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm nay hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, việc giải ngân ồ ạt trong thời gian ngắn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ông Huân nhấn mạnh, mặc dù không thể tính toán chính xác tỷ lệ nợ xấu thực tế tại các ngân hàng, nhưng con số thực tế chắc chắn cao hơn nhiều so với số liệu công bố.
Một chuyên gia tài chính khác cảnh báo rằng, nếu các ngân hàng chạy đua chỉ tiêu bằng cách nới lỏng tiêu chuẩn cấp tín dụng, các khoản vay có thể trở nên rủi ro hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản và chứng khoán. Ngoài ra, nếu dòng vốn tín dụng tập trung quá mức vào tiêu dùng hoặc đầu cơ, áp lực lạm phát có thể gia tăng, đẩy giá cả leo thang và gây trở ngại cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ gia hạn hiệu lực của Thông tư 02 hoặc ban hành một thông tư tương tự nhằm duy trì các chỉ số kinh tế ngắn hạn, tạo tâm lý tích cực cho thị trường và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Đây là một bước đi quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025.
Dẫn chứng cho nhận định của mình, ông Đức cho biết, các động thái tương tự đã được NHNN áp dụng kể từ năm 2020 để đối phó với các khó khăn kinh tế. Điển hình là Thông tư 01 ban hành ngày 13/3/2020 nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19, sau đó được sửa đổi bởi Thông tư 03/2021, Thông tư 14/2021, và gần đây nhất là Thông tư 02/2023. Năm 2024, Thông tư 06 đã gia hạn hiệu lực của Thông tư 02 và khả năng cao sẽ có một văn bản tiếp theo nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh do thiên tai và những thách thức kinh tế hiện nay.
Sẽ không tác động quá lớn đến hệ thống ngân hàng
Luật sưTrương Thanh Đức cho rằng, việc tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo các thông tư hiện hành đã phần nào làm “che khuất” bức tranh thực tế về nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Điều này khiến các số liệu công bố chưa phản ánh đúng thực trạng nếu so với chuẩn mực từng áp dụng trước khi có Thông tư 01 vào năm 2020. Tuy nhiên, nếu Thông tư 02 đột ngột dừng hiệu lực mà không có sự chuẩn bị, thị trường có thể đối mặt với một cú sốc nghiêm trọng.
Ông Đức nhấn mạnh rằng, dù việc xác định và xử lý triệt để nợ xấu là cần thiết và mang tính thách thức, nhưng trong bối cảnh hiện tại, cần một giai đoạn chuyển tiếp, chẳng hạn gia hạn một phần Thông tư 02 hoặc ban hành một thông tư mới dựa trên các lý do hợp lý, như ảnh hưởng của thiên tai gần đây. Dù sử dụng giải pháp nào, mục tiêu dài hạn cần hướng tới là tạo lập kỷ luật tài chính, xử lý dần nợ xấu thực chất và kiểm soát chặt chẽ nợ xấu mới phát sinh.
Trái ngược với lo ngại về cú sốc, ông Trần Đức Anh, Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường tại Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), đánh giá rằng, áp lực từ việc Thông tư 02 hết hiệu lực có thể không lớn như dự đoán. Theo ông, trong ba quý đầu năm 2024, dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 tại các ngân hàng đã giảm đáng kể. Cụ thể, nợ xấu của các ngân hàng niêm yết tăng thêm hơn 13.000 tỷ đồng trong quý III, tương đương mức tăng 5,6%, cho thấy các ngân hàng đã chủ động hạ dần dư nợ để giảm áp lực khi Thông tư 02 hết hiệu lực. Đồng thời, nhiều khách hàng cũng đã hoàn thành nghĩa vụ trả nợ theo các cơ cấu trước đây.
Ông Đức Anh nhận định rằng, tỷ trọng nợ tái cơ cấu trên tổng dư nợ tín dụng của đa phần các ngân hàng hiện nay đều khá thấp, dưới 1%. Vì vậy, khi Thông tư 02 hết hiệu lực, tác động tiêu cực lên chất lượng tài sản của các ngân hàng sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, nợ xấu của một số ngân hàng có thể tăng, nhưng mức tăng này sẽ có sự phân hóa tùy thuộc vào từng nhà băng.
Đồng quan điểm, bà Lê Thu Uyên, chuyên gia phân tích ngành ngân hàng tại VPBankS Research nhận định, khả năng cao Ngân hàng Nhà nước sẽ để Thông tư 02 hết hiệu lực vào cuối năm 2024. Sau thời điểm đó, các tổ chức tín dụng sẽ phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành, thay vì áp dụng cơ chế giữ nguyên nhóm nợ như trước đây. Điều này đồng nghĩa khách hàng vay vốn sẽ phải tuân thủ các điều khoản trả nợ đã ký kết trong hợp đồng tín dụng.
Bà Uyên cũng nhấn mạnh rằng, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành khó bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì nhiều ngân hàng có dư nợ cơ cấu theo Thông tư 02 ở mức thấp, không chiếm tỷ trọng đáng kể trên tổng dư nợ. Như vậy, sự kết thúc của Thông tư 02, dù có gây áp lực nhất định, nhưng sẽ không tạo ra sự xáo trộn lớn đối với hệ thống ngân hàng, mà ngược lại có thể thúc đẩy sự minh bạch và lành mạnh hóa tài chính trong trung và dài hạn.
Công ty Chứng khoán SHS nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến nợ xấu chưa hạ nhiệt là do nền kinh tế và thị trường bất động sản còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi. Đặc biệt, tín dụng ngắn hạn tăng mạnh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, vốn tiềm ẩn rủi ro nợ xấu cao.
Thuỳ Linh
————-
Thời nay (Thời sự) ngày 19-12-2024:
https://nhandan.vn/tao-dong-luc-minh-bach-nen-tang-tai-chinh-post851315.html
(417/1.457)