3.965. Vụ gửi tiền tiết tiệm ở SCB thành hợp đồng mua bảo hiểm: Người dân có đòi được tiền?

Vụ gửi tiền tiết tiệm ở SCB thành hợp đồng mua bảo hiểm: Người dân có đòi được tiền?

(CAND) – Nhiều người kỳ vọng việc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) chuyển đơn tố giác của người dân về việc gửi tiền tiết kiệm tại SCB nhưng lại thành hợp đồng bảo hiểm Manulife tới cơ quan điều tra Bộ Công an sẽ giúp họ đòi lại tiền.

Theo thông tin từ Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, đơn vị này đã nhận được các đơn thư tố giác của một số công dân liên quan đến việc giới thiệu, tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) – đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam.

Các đơn thư cùng tố giác việc đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Do đó, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm đã chuyển đơn tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) để được xem xét, giải quyết, điều tra theo đúng thẩm quyền.

Thông tin này được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp đòi lại tiền. Trước đó, một số khách hàng phản ánh việc gửi tiết kiệm bị nhân viên bảo hiểm tư vấn không rõ ràng thông tin. Theo đó, nhiều người tố cáo nhân viên ngân hàng SCB và nhân viên đại lý của Công ty TNHH Manulife Việt Nam cấu kết “bẫy” khách hàng, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo; buộc SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Vụ gửi tiền tiết tiệm ở SCB thành hợp đồng mua bảo hiểm: Người dân có đòi được tiền?

Khách hàng tụ tập đòi SCB trả lại tiền đã mua bảo hiểm.

Trao đổi với PV Báo CAND về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, việc chuyển sang cơ quan Công an hay không chuyển chỉ là thủ tục, vì bản chất câu chuyện ngay từ đầu đã không rõ về hồ sơ.

“Theo tôi, việc người dân bị lừa là có, chủ yếu là người mua không thạo, nên bị các tư vấn viên “dỗ ngọt”. Bán bảo hiểm, qua ngân hàng hay qua các kênh nào khác, cũng là một hình thức bán hàng, người bán chỉ cần bán được nhiều sản phẩm nhất có thể, nên họ sẽ nói những điều hay ho, thậm chí che giấu những điều bất lợi về sản phẩm để người mua “xuống tiền”.

Phía người mua, họ bùi tai, đã ký, theo giấy trắng mực đen, họ đã ký vào. Thực chất là biết tới 90%, chứ ít khi bị lừa. Theo quy định bảo hiểm, trong vòng 21 ngày, người mua có thể thay đổi quyết định. Việc người gửi tiền cầm một hợp đồng bảo hiểm khác với sổ tiết kiệm rồi bảo không biết là điều khó xảy ra, nên đa số, việc ký hợp đồng theo tôi là tự nguyện.

Giờ, khi sự việc xảy ra, nhiều người quay lại tố giác là bị lừa, thì theo tôi, có thể có, có thể không, nhưng hầu hết khách hàng đều biết trước khi ký. Chẳng qua, họ bị lợi nhuận của mức lãi suất cao hơn mà các tư vấn viên đưa ra câu nhử nên mới chấp nhận”, luật sư Đức phân tích.

Vậy khách hàng có đòi được tiền? Điều này, theo luật sư Đức, sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bán bảo hiểm, chủ trương kinh doanh của họ, có chấp nhận trả lại tiền hay không, vì hợp đồng đã ký đều giấy trắng mực đen. Phía người mua bảo hiểm, phải tuân thủ các quy định trong hợp đồng, nếu không thực hiện, rủi ro mất tiền là rất lớn.

Về phía Bộ Tài chính, trước những hạn chế của kênh bán bảo hiểm tại ngân hàng, tại dự thảo thông tư hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Tài chính đề xuất quy định ngân hàng bán bảo hiểm phải ghi âm, lưu lại 5 năm toàn bộ nội dung tư vấn cho khách hàng.

Với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung, cung cấp thông tin và tư vấn (của nhân viên tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) trước khi quyết định phát hành hợp đồng, trong đó, phải có nội dung để kiểm tra việc khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm trên cơ sở tự nguyện.

“Doanh nghiệp bảo hiểm phải: Kiểm tra định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng tư vấn bảo hiểm của các nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; kịp thời phối hợp với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài kiểm tra, rà soát, xử lý các khiếu nại của khách hàng liên quan việc tư vấn của nhân viên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và xử lý vi phạm (nếu có)”, dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định.

Góp ý cho dự thảo thông tư này, VCCI cho rằng, việc đưa ra quy định để khắc phục các vấn đề trên là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung của dự thảo chưa thực sự rõ ràng và rất khó để áp dụng trên thực tế.

Cụ thể, quy định về việc phải ghi âm toàn bộ nội dung tư vấn và lưu trữ trong thời hạn ít nhất 5 năm thì các doanh nghiệp khi tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua tin nhắn, email sẽ phải thực hiện ghi âm như thế nào?

Việc doanh nghiệp bảo hiểm phải kiểm tra độc lập nội dung tư vấn, trước khi phát hành hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư, sẽ được thực hiện theo hình thức nào (gặp trực tiếp, gọi điện, email, hay tin nhắn,… ); các nội dung kiểm tra là gì (các câu hỏi nào); việc kiểm tra này có cần lưu lại biên bản, hồ sơ hay ghi âm không? Vì vậy, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn các nội dung trên để tạo thuận tiện cho quá trình thực hiện.

Bên cạnh những thông tin quy định dành cho bên bán bảo hiểm và nhân viên ngân hàng, các chuyên gia tài chính cũng khuyến nghị người dân khi gửi tiền tiết kiệm phải tự bảo vệ quyền lợi của mình khi ký hợp đồng gửi tiền. Theo đó, cần khẳng định mục đích của mình là mở sổ tiết kiệm, không tham gia các loại hình khác. Mở sổ tiết kiệm, người dân nên kiểm tra thông tin đầy đủ, chính xác, tránh tình trạng sai sót dẫn tới thiệt về sau.

“Điều quan trọng, người gửi tiền phải xác định lãi suất tiền gửi luôn có khung rõ ràng, nếu có sản phẩm có lãi suất cao hơn, sẽ đi kèm với những điều kiện khác. Hãy luôn cảnh giác và đặt câu hỏi nghi ngờ khi được tư vấn gửi tiền với lãi suất cao bất thường. Nguyên tắc là chỉ khi mình chắc chắn được thì mới đặt bút ký”, một chuyên gia tài chính khuyến nghị.

Hà An

—————-

Công an Nhân dân (Thị trường) 07-02-2023:

https://cand.com.vn/Thi-truong/vu-gui-tien-tiet-tiem-o-scb-thanh-hop-dong-mua-bao-hiem-nguoi-dan-co-doi-duoc-tien–i682729/

(350/1.339) #SCB #bahiem #tietkiem #tiengui #manulife

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,031