Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trực tuyến.
(ANTĐ) – Chưa bao giờ nạn lừa đảo trực tuyến lại diễn biến phức tạp như hiện tại. Thống kê sơ bộ của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy, năm 2024 thiệt hại do lừa đảo trực tuyến ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây dường như mới là phần nổi của tảng băng chìm vì thực tế số nạn nhân và thiệt hại về vật chất còn lớn hơn nhiều.
Việc nhẹ lương cao hay “bánh vẽ” từ kẻ lừa đảo?
Trong năm qua, các lực lượng chức năng đã liên tiếp phát đi cảnh báo về nạn lừa đảo trực tuyến. Từ một số vụ việc cụ thể xảy ra tại Hà Nội cũng như các địa phương khác với thiệt hại lên tới tỷ đồng mỗi vụ đến các những cảnh báo riêng của từng bộ, ngành, cơ quan công an, thuế, ngân hàng… nhưng số nạn nhân của lừa đảo trực tuyến vẫn không ngừng gia tăng. Gần đây nhất, Công an thành phố Hà Nội đã thông tin về 2 vụ án lừa đảo trên không gian mạng, trong đó có vụ lừa đảo đặc biệt lớn. Đó là vụ Phó Đức Nam (còn gọi là TikToker Mr Pips) dụ dỗ người dân tham gia hoạt động đầu tư trực tuyến rồi lừa đảo với tổng giá trị lên tới hơn 5.200 tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo sử dụng thủ đoạn tinh vi để lôi kéo người tham gia |
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, từ năm 2019, các đối tượng lập đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo mô hình của các công ty môi giới chứng khoán.Với gần 2.000 nhân viên, đường dây lừa đảo do Mr Pips điều hành đã sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội như Zalo, Telegram, Viber để lập ra các hội nhóm đầu tư với cái tên mỹ miều như “VIP”, “Đầu tư thông minh”, “Chiến lược đầu tư thông minh”… và giả làm các chuyên gia tài chính, “thầy” đọc lệnh, chuyên gia phân tích kỹ thuật nhằm dụ dỗ, kéo nạn nhân vào chiếc bẫy giăng sẵn. Thủ đoạn lừa đảo này của các đối tượng như Tiktoker Mr Pips đã nhiều lần được cơ quan công an và Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) khuyến cáo. Kịch bản chung của các vụ lừa đảo là đều nhắm đến lòng tham, sự nhẹ dạ cả tin và thiếu cẩn trọng của nạn nhân để dụ dỗ rồi từng bước chiếm đoạt tài sản.
Trước đó, vào tháng 6 và 7-2024, khi Ngân hàng Nhà nước đề nghị người dân thực hiện xác thực sinh trắc học để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng chính sách này để thực hiện các hành vi lừa đảo một cách tinh vi. Theo ghi nhận từ dự án Chongluadao.vn, thời điểm đó số vụ báo cáo lừa đảo trực tuyến tăng vọt. Đến nay, mặc dù số vụ lừa đảo hướng dẫn cài đặt sinh trắc học đã giảm bớt nhưng thực tế vẫn còn xảy ra rất nhiều.
Thủ đoạn của các đối tượng là giả mạo nhân viên ngân hàng, chuyên gia tư vấn thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… để hỗ trợ cài đặt nhận diện khuôn mặt. Mục đích của đối tượng là yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng trực tuyến, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng… hoặc có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ. Qua đó, chúng dẫn dụ khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, hoặc yêu cầu truy cập đường link lạ với mục đích xâm nhập điện thoại và chiếm quyền điều khiển.
Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội ghi lời khai của Phó Đức Nam (tức Mr Pips) |
Các vụ lừa đảo tài chính trực tuyến ngày càng tinh vi, không chỉ dừng lại ở các sàn chứng khoán giả mạo mà còn mở rộng sang các sàn tiền ảo hay tiền kỹ thuật số. Vào tháng 7-2024, hàng nghìn nạn nhân đã bị lừa đảo bởi dự án đầu tư tiền ảo CPP với tổng thiệt hại lên đến 10.000 tỷ đồng. Dự án này cam kết chi trả lợi nhuận hấp dẫn lên tới 0,5%/ngày dựa trên số tiền nạp, cùng với hoa hồng từ 12 – 50% khi giới thiệu người tham gia, trong khi không hề có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào.
CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội) ghi lời khai của một đối tượng tham gia đường dây lừa đảo công nghệ cao từ Campuchia |
Những chiếc “bánh vẽ” do các đối tượng tạo ra đã khiến nhiều người mất cảnh giác và sập bẫy. Trước đó, các ứng dụng giả mạo như Stoke X cũng không cho phép người dùng rút lợi nhuận, thậm chí yêu cầu nộp thêm tiền để được rút. Dù thủ đoạn không mới, nhưng nhiều nạn nhân đã mất hàng tỷ đồng khi mua các loại tiền ảo trên các ứng dụng này. Đáng lo ngại hơn, các vụ lừa đảo này còn có sự tham gia của một số chủ doanh nghiệp, làm tăng tính thuyết phục và thu hút thêm nạn nhân.
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia về người dùng cá nhân cho thấy, lừa đảo trực tuyến tiếp tục hoành hành gây những hậu quả nặng nề với hàng trăm nghìn người dùng Việt Nam trong năm 2024. Theo khảo sát của hiệp hội này, cứ 220 người dùng thì sẽ có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến (tỷ lệ là 0,45%). Tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ VNĐ. “Thực tế cho thấy số nạn nhân bị lừa đảo lớn, nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ. Khi bị mắc bẫy lừa đảo, mặc dù 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với người thân bạn bè, nhưng chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng, đây là tỷ lệ khá thấp” – đại diện Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho hay.
Các đối tượng trong một đường dây lừa đảo công nghệ cao từ Campuchia bị CAQ Nam Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ |
Các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến
Báo cáo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cho thấy, hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Theo kết quả khảo sát, 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc nhưng cam kết không rủi ro, lợi nhuận cao. 62,08% cho biết gặp phải các cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức (công an, tòa án, thuế, ngân hàng…) để thúc giục cài phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền để chứng minh trong sạch do liên quan vi phạm pháp luật. 60,01% cho biết nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mãi cao nhưng thông tin rất mập mờ, bất thường.
Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo nhằm xây dựng lòng tin từ nạn nhân; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc… Việc ứng dụng công nghệ cao khiến cho nhiều nạn nhân khi tiếp xúc các nội dung giả mạo đã không phân biệt được thật – giả, dẫn tới dễ bị mắc lừa.
Thượng tá Phạm Khắc Hà – Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội): Chống tội phạm công nghệ là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị
Lừa đảo trực tuyến vẫn diễn biến phức tạp |
Việc giải quyết tội phạm công nghệ là vấn đề lâu dài, là trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị. Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là chìa khóa quan trọng trong phòng chống tội phạm lừa đảo trực tuyến. Bên cạnh đó, cần sự phối hợp thường xuyên, có trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đoàn thể chính trị xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến tận cơ sở, làng, xã, xóm cho nhân dân trước các thủ đoạn mới của tội phạm công nghệ cao. Trong công tác này, cần đa dạng hình thức tuyên truyền, phòng ngừa, đặc biệt là chú trọng tuyên truyền tới nhóm thường bị các đối tượng lừa đảo hướng đến như phụ nữ, công nhân, người cao tuổi. Ngoài ra, người dân cũng cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tự quản, tự phòng, tự đề kháng để chủ động phòng ngừa tội phạm.
Có thể nói, tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi. Lực lượng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã khuyến cáo người dân cần thực hiện “4 không”: Không sợ (không mất bình tĩnh khi nhận được điện thoại, tin nhắn từ người lạ); Không tham (không tham tài sản, quà, phần thưởng không rõ nguồn gốc, không “dính bẫy” trước những lời mời chào “việc nhẹ lương cao”); Không kết bạn với người lạ (không bắt chuyện, không tham gia nhóm đầu tư tài chính); Không chuyển tiền (khi nhận được yêu cầu của người lạ hoặc chưa xác định đúng là người thân, người quen). Đồng thời, mỗi người dân cần thực hiện “2 phải”: Phải bảo mật thông tin (hình ảnh, thông tin thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin tài khoản mạng xã hội); Phải tố giác ngay (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn nghi ngờ là giả mạo, lừa đảo hoặc không có cơ sở, phải báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý). Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
Chu Hương (Ghi)
Cách nào tránh bẫy lừa đảo trực tuyến?
Luật sư Trương Thanh Đức – Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho hay, xác thực sinh trắc học đã đem lại hiệu quả nhất định, nhưng quy định này mới chỉ được thực hiện đối với cá nhân, chưa áp dụng với các doanh nghiệp hoặc pháp nhân. Mặt khác, các đối tượng lừa đảo có thể tách số tiền muốn chuyển thành nhiều món nhỏ để “né” quy định. Bên cạnh đó, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc môi giới, tư vấn hay giao dịch chứng khoán và tiền tệ quốc tế. Trong khi đó, đối với chứng khoán trong nước, các yêu cầu về chứng chỉ và bằng cấp được áp dụng rất nghiêm ngặt. Không ai được phép tự ý mở sàn giao dịch trong nước vì hành vi này là phạm pháp. Các đối tượng lừa đảo hiểu rõ điều này, nên thường giả danh các sàn quốc tế với thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt.
Cũng theo Luật sư Trương Thanh Đức , hiện pháp luật Việt Nam quy định rất chặt chẽ và cụ thể đối với các hoạt động trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp và cá nhân, từ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, quy định quảng cáo, đến việc quản lý nội dung đều được kiểm soát nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khi chuyển sang môi trường mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng thuộc sở hữu nước ngoài, việc quản lý khó khăn hơn nhiều. Ngoài ra, các thông tin quảng cáo liên quan đến đầu tư trên mạng xã hội thường là những nội dung trôi nổi, thiếu kiểm chứng. Ai cũng có thể đăng tải, quảng bá hoặc tham gia. “Để có thể thu thuế từ những giao dịch hoặc nguồn thu từ các giao dịch tiền ảo, chứng khoán hay giao dịch quốc tế, trước hết cần có quy định pháp luật rõ ràng. Thứ hai, cần phải có sự hợp tác và phối hợp quốc tế để đánh thuế.
Tuy nhiên, hiện Luật thuế của Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc thu thuế đối với các khoản thu nhập từ giao dịch quốc tế như tiền ảo hoặc chứng khoán. Thực tế, việc thu thuế đối với các nguồn thu này tương tự như các nguồn kiều hối, vì từ trước đến nay những khoản kiều hối chuyển về Việt Nam, dù giá trị lớn đến đâu, cũng không bị đánh thuế” –Luật sư Trương Thanh Đức nói. Do đó, nếu đã trở thành bị hại trong các vụ lừa đảo, người dân cần tích cực phối hợp với cơ quan điều tra, viết đơn trình báo, cung cấp đầy đủ thông tin liên quan và bằng chứng xác thực về việc mình bị lừa đảo, như giao dịch chuyển tiền, tin nhắn, email, hoặc các tài liệu khác liên quan đến các đối tượng lừa đảo. Khi cơ quan điều tra yêu cầu bổ sung thông tin hoặc hợp tác, cần lập tức phối hợp để hỗ trợ quá trình thu thập chứng cứ và làm rõ vụ việc, giúp cơ quan chức năng nhận diện các đối tượng liên quan, đặc biệt là những kẻ có thể chưa bị phát hiện, chưa bị khởi tố.
Ông Vũ Ngọc Sơn – Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo: “Tấn công lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục hoành hành trong năm 2025. Bên cạnh các biện pháp từ cơ quan quản lý, người dùng vẫn cần nâng cao cảnh giác, kỹ năng an toàn khi tham gia không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân với những người không quen biết hoặc dịch vụ không tin tưởng. Cần xác minh kỹ lưỡng bất kỳ cuộc gọi hay trao đổi nào liên quan đến chuyển tiền. Sử dụng ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để lọc và ngăn chặn các số điện thoại lừa đảo, website độc hại”.
Theo các chuyên gia của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, việc báo cáo với các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân nạn nhân và ngăn chặn các hành vi phạm pháp. Thứ nhất, việc báo cáo sẽ giúp cơ quan chức năng có thông tin kịp thời để điều tra, thu thập bằng chứng, từ đó tăng khả năng truy bắt và xử lý các đối tượng lừa đảo. Thứ hai, việc báo cáo cũng có thể giúp người bị hại phục hồi một phần hoặc toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt, đặc biệt khi cơ quan chức năng can thiệp sớm và phong tỏa được tài sản liên quan. Hơn nữa, mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các chiêu trò, phương thức hoạt động của các đối tượng, từ đó cảnh báo cộng đồng, ngăn ngừa các đối tượng tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho nhiều người khác. Do đó, báo cáo không chỉ bảo vệ cá nhân mà còn đóng góp vào việc xây dựng một môi trường mạng an toàn, minh bạch, lành mạnh hơn cho cộng đồng.
Đại diện Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) cũng khuyến cáo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao, không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính. Trước khi tham gia bất kỳ dự án đầu tư nào, người dân cần tìm hiểu kỹ về tổ chức hoặc cá nhân mời gọi đầu tư thông qua nhiều cách khác nhau như kiểm tra giấy phép hoạt động, các đánh giá từ người dùng khác, và các chứng chỉ hợp pháp. Đồng thời, người dân chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân. Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thanh Hoàn
————-
An ninh Thủ đô (Pháp luật) ngày 22-12-2024:
https://www.anninhthudo.vn/canh-giac-truoc-cac-chieu-tro-lua-dao-truc-tuyen-post599055.antd
(557/3.005)