3.972. Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, cần phải làm gì?

Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, cần phải làm gì?

(TT) – Hàng trăm câu hỏi bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ Sao để được luật sư tư vấn về việc “Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm” tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 17-2.
Phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung (trái) tặng hoa cho luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tính pháp lý của việc này như thế nào? Khách hàng cần làm gì khi bị ép mua bảo hiểm? Ngân hàng có sai gì trong việc bán “bia kèm lạc” này không?… là rất nhiều câu hỏi và nỗi bức xúc được bạn đọc gửi đến Tuổi Trẻ Sao.

Tất cả các câu hỏi trên cũng như tính pháp lý của vấn đề được giải đáp cho bạn đọc trong 120 phút giao lưu trực tuyến giữa bạn đọc với Tuổi Trẻ Online.

Tuổi Trẻ Sao mong muốn thông qua những nội dung luật sư tư vấn, bạn đọc có được thông tin để xử lý từng trường hợp của mình. Với những khách hàng dự định sẽ vay ngân hàng trong thời gian tới, thông qua nội dung trong bài này, các bạn sẽ có kinh nghiệm để ứng phó với việc vay của mình.

Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, cần phải làm gì?

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (thứ hai từ trái) tại buổi giao lưu trực tuyến của báo Tuổi Trẻ tại văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội | Ảnh: NAM TRẦN

 

Các luật sư chuyên về lĩnh vực ngân hàng tham gia giao lưu trực tuyến gồm:

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI

Luật sư Trương Thanh Đức là luật sư có hơn 35 năm hoạt động trong lĩnh vực doanh nghiệp, ngân hàng. Ông từng làm Phó tổng giám đốc phụ trách pháp chế của một ngân hàng thương mại, đồng thời ông từng tham gia rất nhiều phiên tòa đại án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.

Ông tham gia giao lưu trực tuyến với bạn đọc báo Tuổi Trẻ từ văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội.

– Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch thuộc Đoàn luật sư TP.HCM. Ông cũng có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý về đầu tư và tố tụng.

Ông cũng là người am hiểu về lĩnh vực ngân hàng, các vấn đề pháp lý về ngân hàng cũng như lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.

Ông Trạch tham gia giảng dạy tại các trường đại học: Luật TP.HCM, Ngoại thương, Văn Lang…

Ông tham gia giao lưu trực tuyến tại TP.HCM.

Trần Khánh:

Em là nạn nhân của việc gửi tiết kiệm bị biến thành bảo hiểm mà báo Tuổi Trẻ đề cập mấy ngày gần đây. Do nhân viên ngân hàng và Manulife không tư vấn rõ ràng, cụ thể, em đã đến Hội sở ngân hàng SCB xin trích xuất camera thời điểm em đến gửi tiền để làm bằng chứng nhưng yêu cầu 3 lần mà hội sở SCB vẫn không phản hồi gì. Mỗi lần em đến chỉ cho gặp nhân viên tiếp nhận thông tin, hứa sẽ trả lời nhưng cả 3 lần đều không. Em phải làm sao ạ?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Trong trường hợp mà bạn gặp phải thì cần xác định được việc chuyển tiền từ tiết kiệm thành bảo hiểm là tự nguyện hay không. Nếu bạn có bằng chứng việc bị lừa dối, ép buộc hay nhầm lẫn thì có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án xem xét, tuyên bố hợp đồng bảo hiểm vô hiệu. Trước đó bạn có thể gửi đơn khiếu nại, tố cáo đến ngân hàng và các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính để làm rõ sự việc.

Nguyễn Thao:

Nhà nước cần có chế tài cụ thể bằng một biện pháp nào khác thay vì những văn bản chung chung như trong thời gian vừa qua hay không? Bởi quyền vẫn thuộc về các ngân hàng theo kiểu ngầm hiểu là: đồng ý thì được không đồng ý thì thôi bởi cũng chẳng có qui định nào bắt buộc họ phải giải trình như phải trả lời bằng công văn hay văn bản như các cơ quan hành chánh khác để khách hàng có bằng chứng mà khiếu nại.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch (phải) trao đổi trả lời câu hỏi của bạn đọc – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Việc tham gia các gói bảo hiểm này hoàn toàn là tự nguyện. Hợp đồng giao kết giữa các bên phải xuất phát từ sự tự nguyện. Tuy nhiên, trong việc cấp tín dụng, ngân hàng hoàn toàn có quyền căn cứ hồ sơ, tài liệu chứng minh năng lực tài chính, phương án sử dụng vốn của khách hàng để đánh giá đủ khả năng trả nợ, lãi vay hay không.

Điều này đã tạo ra một lợi thế “kèo trên” rất lớn cho các ngân hàng trong việc quyết định có cho vay hay không.

Trong quá trình tư vấn vay, rất khó để kiểm soát được việc nhân viên ngân hàng có thực hiện đúng quy định của pháp luật trong suốt quá trình tư vấn (bao gồm nhưng không giới hạn ở việc chỉ rõ cho khách hàng đâu là khoản vay, đâu là khoản tiết kiệm, đâu là khoản bảo hiểm, đâu là các khoản đầu tư khác dưới dạng chứng chỉ quỹ…, quyền và nghĩa vụ của các bên, các nghĩa vụ tài chính của khách hàng bao gồm những gì, thanh toán ra sao…), dẫn đến khả năng nhân viên tư vấn cung cấp thông tin sai lệch nhằm “dụ” khách hàng mua bảo hiểm hoặc chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Rõ ràng, các hoạt động liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, cấp tín dụng của ngân hàng là hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, hoạt động liên quan đến bảo hiểm của tổ chức tín dụng cũng phức tạp không kém, khiến cho khách hàng dễ rơi vào “ma trận” rồi phải chịu thiệt hại.

Vay tiền ngân hàng bị ép mua bảo hiểm, cần phải làm gì?

Long:

Chào luật sư, tôi không am hiểu về việc vay tiền ở ngân hàng nhưng bài báo thấy đề cập đến việc giải ngân bị ràng buộc bởi việc mua bảo hiểm. Nên muốn hỏi luật sư là khi ký hợp đồng cho vay thì thường có điều khoản nào nói tới việc ràng buộc giải ngân hay không? Cụ thể như thời gian giải ngân và nếu không được giải ngân hay giải ngân chậm thì có được đền bu không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Luật sư Trương Thanh Đức trả lời bạn đọc | Ảnh: NAM TRẦN

 

Theo quy định của pháp luật, có sự ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên trong hợp đồng cho vay. Theo đó, nghĩa vụ giải ngân vốn cho vay được thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu ngân hàng vi phạm thời hạn giải ngân thì sẽ phải đền bù.

Tuy nhiên ngân hàng thường nắm đằng chuôi nên có nhiều lý do để giải ngân chậm, thậm chí từ chối giải ngân. Nếu khách hàng không đáp ứng được các điều kiện do phía ngân hàng đưa ra, trong đó có việc mua bảo hiểm thì vẫn khó được giải ngân.

Aki Chan:

– Xin thưa có hotline hay cơ quan nào tiếp nhận vụ việc khi khách hàng bị ép mua bảo hiểm mới giải ngân không? Hoặc trong 21 ngày cân nhắc rồi khách hủy bảo hiểm nhưng ngân hàng bắt phải tất toán thì gọi ai ạ?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Luật sự Nguyễn Hữu Thế Trạch trả lời câu hỏi của bạn đọc.- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Do đó, người dân có thể gọi cho hotline của Ngân hàng Nhà nước như sau để phản ánh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm:

– Số cố định: (024) 3936.1017

– Số di động: 0942.966.854

– Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.

Trần Anh Tú:

Tôi đang làm hồ sơ vay tại ngân hàng Eximbank với số tiền vay là 300,000,000 đồng,lãi suất 15%/năm và bị ép mua bảo hiểm 1 năm trị giá 15 triệu. Mặc dù không có nhu cầu mua bảo hiểm nhưng vì muốn được duyệt vay nên tôi đành bấm bụng mua gói bảo hiểm này. Tôi muốn hỏi việc ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm để được duyệt vay là đúng quy định pháp luật hay không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Việc ép buộc là trái pháp luật trong mọi trường hợp. Bạn cần cân nhắc để quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng nếu có sự lựa chọn khác.

Minh Hằng:

Đã từ lâu ngành bảo hiểm không kinh doanh bằng chất lượng dịch vụ để thu hút khách hàng, khiến khách hàng quay lưng, giờ lại bắt tay với ngân hàng để bắt chẹt khách hàng, như vậy họ có đang lạm quyền và vi phạm pháp luật không? Mong báo Tuổi Trẻ làm rõ vấn đề.

Luật sư Trương Thanh Đức:

Sản phẩm bảo hiểm là hay, là tốt và cần thiết nhưng bán rất khó nên bảo hiểm phải chấp nhận chi phí bán hàng cao, tức trả hoa hồng cao. Đó cũng là lý do hấp dẫn nên có rất nhiều đại lý bán bảo hiểm, trong đó có ngân hàng.

Cả khách hàng gửi và vay tiền của ngân hàng đều là khách hàng tiềm năng rất lớn của bảo hiểm, có khả năng bán được nhiều sản phẩm và có hiệu quả cao (có thể ví như thay vì bán lẻ thì bán qua ngân hàng giống như kiểu bán buôn bảo hiểm).

Chính vì vậy, bảo hiểm càng sẵn sàng trả phí hoa hồng cao cho ngân hàng và nhân viên ngân hàng. Tôi được biết có nhiều trường hợp bảo hiểm trả hoa hồng cho ngân hàng cao gấp đôi trần khống chế của Bộ Tài chính, tất nhiên phải được hợp thức hóa.

Tuy nhiên, quy định chung của pháp luật và Luật kinh doanh bảo hiểm đều nêu rõ đều cấm việc ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.

Nguyễn Vũ:

Ngoài những khoản bảo hiểm ép mua còn rất nhiều chương trình “cần phải mua” như tài khoản số đẹp… Khi không có 1 kênh nào để đối chiếu thông tin thì giải pháp nào để đánh đúng gốc rễ vấn đề? nếu không sẽ có thêm nhiều “chính sách” khác thay cho “bảo hiểm khi vay”?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Có ba yếu tố chính tác động đến việc này.

Thứ nhất là pháp luật đã quy định tương đối rõ về trách nhiệm và chế tài đối với các bên liên quan.

Thứ hai, về phía ngân hàng không chỉ thực hiện đúng quy định pháp luật mà cần phải đề cao văn hóa, đạo đức kinh doanh để không gây bức xúc cho khách hàng.

Thứ ba, về phía khách hàng thì cần nắm rõ để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong các giao dịch với ngân hàng.

Điều quan trọng là khách hàng cũng cần phải sử dụng “quyền lực người tiêu dùng” là lên tiếng một cách mạnh mẽ, thậm chí trong những trường hợp cụ thể cần phải kiện ra tòa để ngân hàng phải thay đổi văn hóa kinh doanh.

Trung Dũng:

Mô hình Bancassurance Model mỗi công ty triển khai khác nhau. Cách đây 10 năm đây là cuộc kết hôn dâu có khách hàng và chú rể có tiền. Vài năm gần đây “cọc đi tìm trâu” rất nhiều, tạo nên tiền lệ nhà gái ra giá Upfun free nếu công ty bảo hiểm muốn bán qua ngân hàng đó. Và đương nhiên mô hình này các công tý bảo hiểm không áp đặt được cho ngân hàng vì phí trả trước quá lớn. Theo luật sư, đây có phải là “động lực” để các ngân hàng có đủ nguồn lực làm việc khác không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Khi các bên là ngân hàng, bảo hiểm và nhân viên đều có lợi ích lớn từ việc bán bảo hiểm thì rất dễ dẫn đến tình trạng tìm mọi cách để bán hàng, trong đó không loại trừ việc ép buộc khách hàng.

Phía ngân hàng gia nhập vào đội ngũ bán bảo hiểm với thế mạnh, cơ hội, lợi thế vô cùng lớn và nguồn lợi thu được rất lớn, khoản thu nhập từ dịch vụ rất an toàn mà không phải đầu tư, chi phí nhiều.

Tuy nhiên hiện nay có tình trạng các ngân hàng lạm dụng vị thể để gây sức ép với khách hàng.

Lê văn Tới:

Tôi vay tiền ngân hàng TPbank, nhân viên ngân hàng bắt buộc mua bảo hiểm nhân thọ mới giải ngân. Tôi đi vay thì tiền đâu mua bảo hiểm nhân thọ Manulife, Sunlife, Prudential… Nhân viên ngân hàng nói làm thẻ tín dụng, cà thẻ để thanh toán miễn phí, miễn lãi khi xài thẻ tín dụng để trả tiền bảo hiểm trong thời gian mua bảo hiểm. Nhưng thực tế chỉ 1 năm đầu miễn phí miễn lãi, đến năm sau cà thẻ thanh toán phí bảo hiểm thì phải trả phí và lãi vậy. Ngân hàng không làm đúng cam kết ban đầu, tôi có quyền khiếu nại không? Nếu khiếu nại tôi có bị sao không?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Căn cứ mục 2 công văn 7928/NHNN-TTGSNH năm 2020 về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành như sau:

Rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống của tổ chức tin dụng và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Theo đó, ngân hàng không được phép ép khách hàng mua gói bảo hiểm mới được vay tiền.

Bạn có thể sử dụng các quyền của mình để khiếu nại những hành vi của ngân hàng mà bạn nêu và sẽ được giải quyết nếu như có căn cứ xác đáng.

Sơn:

Có cấm hẳn nhân viên ngân hàng không được đề cập đến bảo hiểm nhân thọ với khách vay hoặc gửi tiết kiệm được không?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Theo khoản 3 Điều 3, Điều 4 Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31-12-2019 thì khi ngân hàng được cấp phép thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm, ngân hàng có quyền thực hiện các hoạt động giới thiệu khách hàng, chào bán bảo hiểm, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm, thu phí bảo hiểm, thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm và hoạt động khác theo quy định.

Ngân hàng có quyền đề cập, tư vấn nhưng quyền quyết định mua bảo hiểm hay không là ở khách hàng, đồng thời, căn cứ mục 2 Công văn 7928/NHNN-TTGSNH năm 2020, ngân hàng không được phép ép khách hàng mua gói bảo hiểm mới được vay tiền.

Nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đại lý bảo hiểm của các tổ chức tìn dụng tuân thủ quy định pháp luật, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có quy định về việc rà soát, tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống tín dụng và xử lý nghiêm những trường hợp “ép”, bắt buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ và các loại bảo hiểm khác khi cấp tín dụng cho khách hàng, gắn việc bắt buộc mua bảo hiểm với việc cấp tín dụng cho khách hàng.

Bạn có thể tham khảo Công văn số 7928/NHNN-TTGCNH được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 30-10-2020)

Emi:

Có cấm hẳn nhân viên ngân hàng không được đề cập đến bảo hiểm với khách vay hay gửi tiết kiệm được không ạ?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Luật Tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn cho phép ngân hàng được thực hiện dịch vụ đại lý bảo hiểm. Tuy nhiên Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010 và 2019) quy định một trong các hành vi vi phạm pháp luật là “ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm”.

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 quy định rõ hơn một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Luật cũng quy định hợp đồng bảo hiểm bị vô hiệu trong một số trường hợp, trong đó có 2 trường hợp sau đây:

  1. Hợp đồng bảo hiểm được giao kết có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.
  2. Hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị đe dọa, cưỡng ép.
Lê Phan:

Dường như mọi ngân hàng đều có luật ngầm. Đặc biệt khi khó khăn về vốn trong giai đoạn hiện nay, việc đồng ý mua bảo hiểm thì duyệt cho vay, không đồng ý thì ngâm hồ sơ, cho nhân viên thuyết phục để phải mua bảo hiểm. Khách mua xong bảo hiểm 1 năm rồi không đóng tiếp, gây lãng phí và mất tiền oan. Ngân hàng luôn nắm đằng chuôi. Phải làm sao để dẹp hẳn việc ép mua bảo hiểm này?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Mặc dù có sự cạnh tranh sòng phẳng, mạnh mẽ, khốc liệt giữa các ngân hàng nhưng lại đều giống nhau ở chỗ có quan điểm “tận thu” khiến khách hàng không có sự lựa chọn. Thời điểm hiện nay, hệ thống ngân hàng thương mại đều có “văn hóa kinh doanh” theo kiểu ép khách hàng mua bảo hiểm. Quan điểm kinh doanh này của ngân hàng thực sự có vấn đề và đang bị dư luận phản ứng dữ dội.

Các cơ quan quản lý cũng chưa thực sự nhắc nhở, chấn chỉnh để làm hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng nên thời điểm này các cơ quan ngôn luận, khách hàng, dư luận đều lên tiếng, kể cả việc khởi kiện ra tòa, tố cáo ra cơ quan công an sẽ khiến việc ép khách hàng mua bảo hiểm phải chấm dứt.

Nguyễn văn thép:

Tôi vay ngân hàng BIDV 240 triệu thế chấp bất động sản. Nhân viên tín dụng bắt mua bảo hiểm khoản vay khoảng một triệu hơn. Nếu không mua sẽ nâng lãi suất thêm 0.5% năm. Mấy năm trước tôi không đồng ý mua thì nhân viên có thái độ với tôi nên khi đáo hạn tôi chấp nhận mua. Trong trường hợp này ngân hàng nâng lãi suất lên như vậy đúng hay sai. Tôi cần làm gì trong trường hợp này?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Pháp luật cho phép thỏa thuận lãi suất giữa ngân hàng với khách hàng. Vì vậy khách hàng cần cân nhắc trường hợp nào phù hợp và có lợi cho mình thì thực hiện.

Xuân Lý:

Xin chào Luật sư Trương Thanh Đức, ông đã từng công tác trong ngành ngân hàng vậy ông có lời khuyên nào cho những khách hàng phải vay tiền của ngân hàng như chúng tôi để khỏi phải mua bảo hiểm không ạ?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Khách hàng đã đủ các điều kiện lý tưởng để vay vốn thì ngân hàng phải mời chào, ưu đãi thay vì ép buộc khách hàng. Tuy nhiên, thực tế để đạt được những điều kiện này thì không hề dễ dàng. Khách hàng khi đã là một bên yếu thế phụ thuộc thì rất khó từ chối những yêu cầu từ phía ngân hàng đưa ra.

Khách hàng gửi tiền thì thường là rất tin tưởng vào uy tín và sự chuyên nghiệp của ngân hàng, nên dễ chấp nhận mua bảo hiểm.

Khách hàng vay tiền thì thường là rất cần được vay vốn ngân hàng, mà ở đâu cũng vậy. Tuy các ngân hàng rất cạnh tranh, nhưng việc “mời chào” khách hàng “tự nguyện” mua bảo hiểm thì dường như khá giống nhau.

Thực tế cho thấy rất nhiều khách hàng không hiểu rõ bản chất của bảo hiểm, dễ dãi và không đủ tỉnh táo, thận trọng khi “đầu hàng” tặc lưỡi , gật đầu chấp nhận vô điều kiện.

Hoang Diep:

Tôi có làm hợp đồng gửi tiết kiệm tại một ngân hàng, nhân viên tư vấn có giới thiệu một khoản gửi tiết kiệm mức lãi cao là 13 tháng nhưng để được hưởng khoản gửi tiết kiệm 13 tháng này thì tôi phải mua bảo hiểm với giá 15 triệu. Vậy có đúng không?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Ngân hàng chỉ được chào bán bảo hiểm khi trong giấy phép hoạt động của ngân hàng đó có “hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng” (khoản 3 Điều 3 Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31-12-2019, hướng dẫn hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi ngánh ngân hàng nước ngoài cho doanh nghiệp bảo hiểm).

Liên quan đến chính sách lãi suất ưu đãi (mức cao) khi gửi tiết kiệm kèm theo điều kiện mua bảo hiểm, pháp luật không cấm việc áp dụng chính sách này.

Tuy nhiên, khách hàng cần phải thận trọng cân nhắc lợi ích của việc gửi tiết kiệm với mức lãi suất thấp hơn so với việc gửi tiết kiệm với lãi suất cao nhưng kèm theo mua bảo hiểm. Bởi lẽ, thông thường, các khoản phí bảo hiểm sẽ phải đóng theo từng năm với nhiều thời hạn khác nhau.

Căn cứ khoản Điều 6 Thông tư số 37/2019/TT-NHNN ngày 31-12-2019 thì tổ chức tín dụng phải có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các gói bảo hiểm, cụ thể:

“Tổ chức tín dụng có các nghĩa vụ của đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải thích cho khách hàng các sản phẩm bảo hiểm được phân phối thông qua tổ chức tín dụng không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng;

b) Quản lý, lưu trữ danh sách các nhân viên trong tổ chức tín dụng trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;

c) Cung cấp đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp bảo hiểm thông tin về các khoản phí bảo hiểm thu được, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;

d) Thanh toán toàn bộ phí bảo hiểm thu được cho doanh nghiệp bảo hiểm sau khi trừ đi hoa hồng đại lý bảo hiểm, các khoản chi trả quyền lợi bảo hiểm và các khoản thanh toán khác theo thỏa thuận tại hợp đồng đại lý bảo hiểm;

đ) Cung cấp đầy đủ, chính xác và đối chiếu với doanh nghiệp bảo hiểm về các thông tin cần thiết từ khách hàng mà tổ chức tín dụng có nghĩa vụ thu thập theo quy định tại Điều 7 Thông tư này”.

Khách hàng cần tìm hiểu thật kỹ thông tin trước khi thực hiện việc ký kết hợp đồng bảo hiểm.
Dai Dung Nguyen:

Tôi thế chấp tài sản để xin hạn mức tín dụng của một ngân hàng, mục đích là nhờ ngân hàng thực hiện một số bảo lãnh. Ngân hàng đó trước khi tái cấp hạn mức có đề nghị tôi phải mua bảo hiểm giá trị 0,5% hạn mức. Họ nói đây là quy định của ngân hàng, điều này có đúng không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Đây chắc chắn không phải quy định pháp luật mà chỉ là “luật chơi” do ngân hàng đặt ra. Việc mua bảo hiểm bắt buộc chỉ đặt ra đối với một số tài sản bảo đảm tiền vay có nguy cơ cao về cháy nổ theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy và Luật Kinh doanh bảo hiểm.

NGUYỄN HỮU ĐỊNH:

Tôi cũng gặp trường hợp khi vay, ngân hàng giới thiệu nhân viên phụ trách bên bảo hiểm tư vấn mua gói bảo hiểm 50 triệu/ năm kèm theo được ưu đãi khám bệnh miễn phí nhưng không tư vấn mỗi năm, nếu không dùng gói khám bệnh vẫn phải bị trừ tiền 8tr8/năm. Giờ không muốn tiếp tục tham gia nữa, tôi có được hoàn lại tiền không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Khách hàng đã ký hợp đồng bảo hiểm thì phải có quyền và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng.

Nếu khách hàng chấm dứt hay không thực hiện đúng nghĩa vụ theo hợp đồng thì sẽ không được hưởng các quyền lợi như cam kết.

Việc có được hoàn tiền hay không thì phải căn cứ theo điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng nhưng thường chỉ được hoàn lại số tiền rất nhỏ.

Hải Nam:

Tôi chuẩn bị vay ngân hàng mua nhà, nhưng đọc tuyến bài của Tuổi Trẻ thấy ngân hàng ép khách mua bảo hiểm thì rất lo. Vậy tôi phải làm gì để vừa vay được tiền vừa không phải mua bảo hiểm nhân thọ?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Bạn cần tham khảo các điều kiện để được cấp tín dụng (vay) của ngân hàng mà bạn muốn vay. Các điều kiện có thể là tài sản đảm bảo cho khoản vay; thu nhập thực tế/ các nguồn thu nhập khác của bạn hay có sự bảo lĩnh của một bên thứ ba…

Nếu các điều kiện này mà bạn hội đủ thì ngân hàng không được ép khách hàng mua bảo hiểm vì đây là hành vi bị pháp luật cấm.

Bạn cũng cần hiểu rằng việc mua bảo hiểm (bất kỳ loại hình nào) là một hành vi độc lập với các hoạt động tín dụng của ngân hàng. Hiện nay đã có những đường dây nóng (hotline) mà Báo Tuổi trẻ đã cung cấp ở các câu hỏi trước. Bạn có thể tham khảo và sử dụng khi cần.

Châu Liên:

Tôi đi mua nhà, lúc xem nhà xong có qua ngân hàng hỏi có vay được không? Ngân hàng xem hồ sơ và khẳng định đồng ý cho vay mà không nói gì thêm. Sau đó tôi đặt cọc mua nhà và chuẩn bị làm hợp đồng mua bán thì ngân hàng mới nói phải mua bảo hiểm thì mới giải ngân. Tôi chết kẹt giữa việc mất cọc mua nhà và phải mua gói hợp đồng 50 triệu/năm. Như vậy, có phải ngân hàng đã lừa dối tôi không?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Qua thông tin bạn cung cấp, nhận thấy có dấu hiệu lừa dối nhưng để có thể khiếu nại, bạn cần phải cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền những tài liệu, chứng cứ… chứng minh rằng ngân hàng đã lừa dối bạn.

Cụ thể bạn phải chứng minh được ban đầu ngân hàng xác định rằng bạn hội đủ điều kiện để cấp tín dụng, nhưng sau đó lại cho rằng phải mua bảo hiểm thì mới giải ngân.

Vậy, để tránh rơi vào tình huống nêu trên, khách hàng cần bảo vệ bản thân bằng cách: trước khi ký hồ sơ xin cấp tín dụng thì cần kiểm tra lại thật kỹ trong các văn bản (hồ sơ) cấp tín dụng có quy định điều kiện phải mua bảo hiểm mới giải ngân không. Nếu không có thì ngân hàng không được áp dụng, buộc khách hàng phải mua bảo hiểm.

Vũ Quang:

Ngân hàng Nhà nước có nên, có được quyền cấm bán bảo hiểm nhân thọ trong ngân hàng thương mại không? Chế tài xử lý vi phạm ra sao?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Việc ngân hàng làm đại lý bảo hiểm được thực hiện theo quy định Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn nên Ngân hàng Nhà nước không thể cấm. Trường hợp ngân hàng vi phạm thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự.

Chi:

Hiện tại nhiều trường hợp bị giả chữ ký trên tờ xác nhận hợp đồng bảo hiểm nhưng bên bảo hiểm vẫn từ chối hoàn trả tiền, theo luật trường hợp này có thể lấy lại tiền không?

Luật sư Trương Thanh Đức:

Nếu khách hàng không ký hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng đấy là vô giá trị. Khách hàng có quyền khởi kiện, yêu cầu tòa án tuyên bố hợp đồng bảo hiểm là vô hiệu theo quy định của pháp luật. Khi đó bảo hiểm phải trả lại tiền cho khách hàng.

Châu Pha:

Xin luật sư Trạch cho biết những người đã lỡ bị ép mua bảo hiểm rồi giờ có thể đòi lại tiền bảo hiểm đã mua được không? Nếu đòi thì đòi ở đâu? Nếu kiện thì kiện ở chỗ nào?

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Nếu bạn bị ép mua bảo hiểm và muốn đòi lại tiền thì bạn phải chứng minh được tại thời điểm đó, bạn bị nhân viên ngân hàng ép mua. Yêu cầu của bạn sẽ được tòa án nơi ngân hàng đó có trụ sở (hay nơi bạn bị ép mua) giải quyết. Bạn cần liên hệ tòa án nơi có thẩm quyền để được hướng dẫn các thủ tục khởi kiện.

Minh Hoàng:

Chức năng bán bảo hiểm là của công ty bảo hiểm, sao lại đẩy qua ngân hàng? Phải cấm mới dẹp được vấn nạn này. Ngoài ra để vay được tiền, ngân hàng còn yêu cầu mở số tài khoản đẹp thu phí cao, phải mở sổ tiết kiệm… Người vay đâu cần số tài khoản đẹp để làm gì? Mà số đẹp hay số xấu là theo sở thích từng người, ngân hàng coi là đẹp nhưng với người vay lại là số xấu thì sao? Cơ quan quản lý phải cấm những điều này mới đỡ khổ cho người dân.

Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch:

Luật Kinh doanh bảo hiểm có cho phép tổ chức, cá nhân làm đại lý khi hội đủ các điều kiện quy định và được cấp giấy phép thành lập sẽ được phép bán bảo hiểm.

Ngân hàng khi hội đủ các điều kiện luật định cũng có thể trở thành đại lý và có chức năng bán bảo hiểm như các tổ chức, cá nhân khác.

Tuy nhiên, để hoạt động đúng chức năng của đại lý, ngân hàng phải tuân thủ đúng, đủ các điều kiện mà Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định.

Trong đó, đặc biệt phải tuân thủ nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm (Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm). Luật cho phép làm nhưng có khuôn khổ pháp lý rõ ràng, vấn đề ở chỗ một số ngân hàng đang lợi dụng quyền đại lý của mình để cung cấp không đầy đủ thông tin và ép buộc khách hàng.

Đối với việc mở tài khoản số đẹp thu phí cao cũng vậy. Mở tài khoản số đẹp là chính sách dịch vụ của ngân hàng, pháp luật không cấm nhưng cốt lõi vẫn là “Theo nhu cầu tự nguyện của chính khách hàng”. Khách hàng có thể cân nhắc và quyết định tham gia hay không tham gia.

——————-

Tuổi trẻ (Giao lưu trực tuyến) 17-02-2023:

https://tuoitre.vn/vay-tien-ngan-hang-bi-ep-mua-bao-hiem-can-phai-lam-gi-20230215155459399.htm

(1.531/5.471) #baohiem #nganhang #tuoitre #anvi

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với...

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng. (CT) –...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,018