3.973. Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng.

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng.

(CT) – Các chuyên gia cho rằng, áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới, do những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay.
Khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo

Thời điểm cuối năm 2024 và giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh rao bán bất động sản, từ đất nền, nhà phố đến dự án chung cư để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) – cho biết, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều giải pháp để giảm áp lực nợ xấu. Một trong những giải pháp chính là trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu bằng nguồn tự lực của các ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh thu hồi nợ, xử lý các loại tài sản đảm bảo với các khoản nợ không có khả năng thu hồi…

Tuy nhiên, theo ông Hùng, trong bối cảnh thị trường bất động sản có lúc trầm lắng, dù đã có dấu hiệu chuyển động thời gian vừa qua nhưng giá cao nên vấn đề xử lý phát mại tài sản đảm bảo cũng như tiêu thụ sản phẩm rất khó khăn.

Nợ xấu tiếp tục là thách thức đối với ngành ngân hàng

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế – cho biết, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản Việt Nam nói riêng đang có phục hồi nhưng còn rất chậm. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới thanh khoản nhất là trong bối cảnh, giá bất động sản liên tục “ngáo” khiến người dân càng mang tâm lý dè chừng.

Ông Hiếu đánh giá, tình trạng các ngân hàng rao bán tài sản đảm bảo dồn dập vào những tháng cuối năm vì khi kết thúc quý 3, tỷ lệ nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có xu hướng tăng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 10, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng ở mức 1,96% tổng dư nợ. Con số này không bao gồm các ngân hàng kiểm soát đặc biệt.

Đã có khoảng 247.000 tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý trong 10 tháng năm 2024, chủ yếu bằng hình thức khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro. Còn qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC), mới mua nợ theo giá trị thị trường được 149 tỷ đồng dư nợ gốc.

Áp lực nợ xấu tiếp tục gia tăng

Các chuyên gia cho rằng, áp lực nợ xấu có thể gia tăng trong thời gian tới, do những khó khăn của nền kinh tế đã ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của người vay. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho biết, nợ xấu của ngân hàng sau một thời gian đã xử lý tương đối tốt và giảm đang đi đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay lại đang có nguy cơ rất lớn.

“Sau đại dịch Covid-19, qua rất nhiều lần cơ cấu lại khoản nợ và những khó khăn khách quan khác của nền kinh tế  trong thời gian qua, nếu đến thời điểm này chúng ta quay trở về chuẩn mực trước đây, không gia hạn, không điều chỉnh kỳ hạn, trở lại như cũ thì chỉ trong một thời gian rất ngắn, con số nợ xấu sẽ tăng lên gấp vài lần” – vị luật sư cho hay.

Trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một “bài toán” khó với các ngân hàng. Ảnh: Duy

Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nhận định, trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một “bài toán” khó với các ngân hàng, đặc biệt khi các doanh nghiệp còn đang rất khó khăn, vừa mới trải qua giai đoạn dài ảnh hưởng bởi Covid-19, tiếp tục gánh chịu hậu quả từ thiên tai như bão Yagi.

Hiện tại, cơ cấu nợ, thời hạn nợ được điều chỉnh nhưng bản chất nó vẫn là nợ xấu. Vì vậy khi cho vay mới, ngân hàng luôn phải xem xét các khoản nợ cũ, xem doanh nghiệp, khách hàng có khả năng trả nợ hay không. “Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống chưa đến 3%. Tôi nghĩ đây là con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, áp lực nợ xấu vẫn kéo dài sang năm 2025 khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực thì tất cả các khoản cơ cấu nợ sẽ là một áp lực với các tổ chức tín dụng” – ông Hùng nói.

Đặc biệt, theo ông, Nghị quyết 42 cho phép các ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, sau khi Luật Tổ chức tín dụng thông qua, ngân hàng không được phép thu giữ tài sản đảm bảo nữa. Điều này cũng sẽ dẫn đến những khó khăn cho ngân hàng trong việc tiếp cận, thu hồi nợ, đặc biệt là nợ xấu, đặc biệt là khi không có sự hợp tác của người vay. Vì vậy, ngân hàng sẽ cần trích một phần lợi nhuận để xử lý những khoản nợ xấu.

Một trong những giải pháp được ông Nguyễn Quốc Hùng đề xuất là việc tiếp tục luật hóa những nội dung quy định tại Nghị quyết 42 của Quốc hội nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thu hồi nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ. Ông Hùng nhấn mạnh, nếu không có cơ chế pháp lý rõ ràng, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tái cơ cấu và ổn định tài chính của các tổ chức tín dụng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn, thì con số này chiếm tới 3,28% tổng dư nợ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025”.

Qua đó, góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Đã có khoảng 247.000 tỷ đồng nợ xấu được các ngân hàng xử lý  trong 10 tháng năm 2024, chủ yếu bằng hình thức khách hàng trả nợ và sử dụng dự phòng rủi ro. Còn qua Công ty Quản lý tài sản (VAMC), mới mua nợ theo giá trị thị trường được 149 tỷ đồng dư nợ gốc.
Ngân Thương

————-

Công thương (Tài chính) ngày 04-01-2025:

https://congthuong.vn/no-xau-tiep-tuc-la-thach-thuc-doi-voi-nganh-ngan-hang-367904.html

(125/1.239)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.422. Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc:...

Bố làm chủ tịch, con là tổng giám đốc: Tập đoàn nghìn tỷ Hóa chất...

Trích dẫn 

3.972. Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu...

Những kỷ lục "khủng" liên quan đến đấu giá đất năm 2024. (ĐTM) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,780