Chính thức ngừng miễn thuế hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng.
(VOVGT) – Kể từ ngày 18/2/2025, sẽ chính thức ngừng miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) của hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng gửi qua chuyển phát nhanh theo Quyết định số 01/2025 vừa được Chính phủ ban hành.
Quyết định mới này thay cho Quyết định số 78/2010 trước đó của Chính phủ.
Theo quy định cũ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Còn hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT theo quy định.
Nếu theo quy định cũ, người mua thì phấn khởi vì giá rẻ nhưng người bán hàng trong nước lại chịu sức cạnh tranh lớn. Chia sẻ của ông Mai Văn Thể – Giám đốc Công ty cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ECOM MAX: “Cũng là một seller tại sàn thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam thì tôi nhận thấy các nhà bán hàng tại thị trường Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn so với các nhà bán hàng từ nước ngoài như về cạnh tranh giá, nguồn hàng, tài chính, vận chuyển và bị cạnh tranh chính về thuế VAT trên sân nhà của mình”.
Nhân viên đang phân loại hàng hóa tại tổng kho Ninja Van.
Ảnh: suckhoedoisong.vn
Chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định việc miễn thuế cho những hàng có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng đã tạo ra bất bình đẳng. Vì thế quy định mới của Chính phủ là một trong những nỗ lực tạo ra bình đẳng giữa những hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu dưới 1 triệu đồng: “Đồng thời cũng đảm bảo khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa, đảm bảo tính công bằng bình đẳng trước pháp luật của nền kinh tế quốc dân. Vì thế, văn bản này tôi cho rằng đã được các doanh nghiệp mong chờ từ lâu để đảm bảo quyền lợi chính đáng, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh phải chấp hành nghiêm luật thuế và đảm bảo nghĩa vụ thuế với nhà nước”
Theo Bộ Công thương, hàng ngày trung bình có từ 4-5 triệu đơn hàng có giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn Shopee, Lazada hay Tiktok, Tiki. Do đó, việc Chính phủ có chính sách phù hợp để bảo vệ nguồn thu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trong nước và nhập khẩu là quyết sách đúng đắn.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Nguyên Cục trưởng Cục thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính nêu quan điểm: “Thuế là phải công bằng. Người ta kinh doanh giá trị món hàng rất nhỏ mà khi đã là kinh doanh thì cần thiết phải đánh thuế. Hiện nay có rất nhiều hoạt động kinh doanh, chỉ cần ngồi nhấp chuột là có thể mua hàng từ nước ngoài qua Lazada, Shopee, Amazon hay các sàn khác. Người ta bán hàng và kinh doanh hẳn hoi thì không có lý do gì mà người này nộp mà người kia không nộp”
Còn PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng việc nhiều đơn hàng nhập khẩu được xé lé thành những đơn hàng có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng để né thuế cũng dẫn đến việc thất thu thuế rất lớn: “Trong điều kiện hiện nay khi giao dịch TMĐT bùng nổ thì chúng ta thấy số lượng có thể đến hàng trăm đơn hàng một ngày với giá trị nhỏ mà sẽ dẫn đến không chỉ hàng của cá nhân, mà hàng của các đơn vị kinh doanh TMĐT bán mà có thể người ta chia nhỏ ra để tránh thuế. Điều đó dẫn đến khả năng thất thu thuế”
Ảnh minh họa tapchicongthuong.vn
Vài năm trở lại đây, hàng hóa giá trị nhỏ vào bằng chuyển phát nhanh chủ yếu được người tiêu dùng trong nước mua trực tiếp từ nước ngoài, qua shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu… Năm 2023, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.
Nhận định của Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI: “Chúng ta thấy xu hướng thương mại xuyên giới, bán hàng online khác hẳn trước kia thì chúng ta cần phải tính đến. Vì tuy rằng hàng giá trị nhỏ nhưng với quy mô thương mại, cách thức giao dịch bây giờ thì có thể rất lớn. Nếu không thu thì vừa thất thoát thuế, vừa tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thế còn thu thì tất nhiên còn nhiều khó khăn, nhất là giai đoạn ban đầu. Phải làm sao xác định được giá trị thì tôi nghĩ là có nhiều căn cứ”
Nếu như trước đây thực hiện kê khai truyền thống để thông quan sẽ mất thời gian với những hàng hoá có giá trị nhỏ. Nhưng từ khi thực hiện kinh tế số, các thao tác khai báo được thực hiện trên máy móc thì theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc tính đúng tính đủ với các mặt hàng thông quan này không quá phức tạp: “Tuy nhiên cũng cần tổ chức tuyên truyền, tập huấn để cán bộ hải quan có thể làm nhanh nhất các hoạt động này. Người có vận chuyển hàng hoá qua biên giới cũng nắm được để kê khai đầy đủ để thực hiện một cách tốt nhất việc kê khai giá trị cũng như yêu cầu tính toán nộp thuế cho ngân hàng nhà nước một cách đầy đủ nhanh chóng và thuận tiện”
Do đó, nhà chức trách đánh giá quy định mới có thể làm tăng thủ tục kê khai thuế với hàng giá trị nhỏ. Nhưng hiện nay hệ thống công nghệ thông tin về quản lý hải quan tại các cảng, kho bãi đã hoàn thiện, cải thiện năng lực thông quan nên việc quản lý với hàng nhập qua chuyển phát nhanh, gồm hàng giá trị nhỏ, sẽ được tiến hành tập trung và nhanh chóng, không bị gián đoạn./.
Như Ngọc – Thuỳ Linh
————-
VOV Giao thông (Tài chính – Thị trường) ngày 10-01-2025:
(115/1.125)