(VOV2) – Nhiều mặt hàng tăng giá, hầu bao bị thu hẹp, cuộc sống của không ít người khó khăn nhưng mức giảm trừ gia cảnh và thuế suất thuế thu nhập cá nhân vẫn không thay đổi cho phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội.
Thu Hà
Mới đây, Tổng cục Thuế mới đây đã công bố số thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2022 cả nước đạt hơn 166.700 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới gần 49.000 tỷ đồng. Trong đó, người làm công ăn lương đóng góp đến 70% nguồn thu thuế TNCN; và nguồn thu từ thuế TNCN chiếm khoảng 10% tổng thu cân đối ngân sách, chỉ xếp sau thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng vì chính sách thuế không thay đổi nhưng số người thu nhập cao đã tăng, đóng góp đáng kể cho nguồn thuế thu nhập cá nhân.
Ở những nước phát triển, thuế TNCN là một trong những sắc thuế đóng góp chủ yếu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nước ta, thuế TNCN chỉ đóng góp 10% cho ngân sách Nhà nước là tỷ lệ quá thấp.
Ai cũng nghĩ, nộp thuế sẽ là niềm tự hào vì những người “được” nộp thuế là những người có thu nhập cao. Nhưng rất nhiều người thộc diện nộp thuế lại cho rằng, mình đang có cuộc sống khó khăn. Năm 2022, giá xăng dầu nhảy múa, chỉ số giá tiêu dùng tăng, hệ số lương cơ sở không thay đổi nhưng số thuế thu được từ người làm công ăn lương vẫn tăng. Điều đó đã tạo ra áp lực, khó khăn cho người nộp thuế. PGS – Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Thuế TNCN là thuế áp dụng đối với người có thu nhập cao. Trong khoảng thời gian dài, chúng ta đã có sự điều chỉnh đối với thuế TNCN nhưng dựa chủ yếu trên yếu tố lạm phát. Điều này chưa phản ánh đúng mức thuế mà chúng ta cần điều chỉnh.
Qua gần 20 năm triển khai Luật thuế TNCN, mức giảm trừ gia cảnh để tính thuế mới được điều chỉnh 2 lần, từ 4 triệu đồng/tháng năm 2007 lên 9 triệu/tháng năm 2012 và 11 triệu đồng/tháng năm 2021 (mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc bằng 40%). Với mức sống của nhiều gia đình, nhất là các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì mức giảm trừ gia cảnh này không đủ đáp ứng các chi tiêu cơ bản. Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng thực tế, Luật Thuế TNCN không phải bây giờ mới bộc lộ sự bất cập, mà từ khi mới còn là Pháp lệnh thuế với người có thu nhập cao.
Theo luật sư Đức cho biết, cách Bộ Tài chính làm hiện nay là lấy 9 triệu đồng nhân cho tốc độ gia tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI của năm 2019 so với 2013 là 23%, từ đó đưa ra con số giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng là không sát với thực tế cuộc sống của người dân.
Về các bậc tính thuế TNCN, Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng: Việc quy định 7 bậc thuế hiện nay tưởng rằng cụ thể nhưng khi thực hiện lại quá rườm rà, phức tạp. Chính vì vậy cơ quan chức năng cần xem xét giảm bớt số bậc thuế và nới lỏng khoảng cách thu nhập giữa các bậc thuế. Dựa trên nghiên cứu biểu thuế của các nước, Việt Nam nên xem xét điều chỉnh còn 3 bậc thuế. “Việc giảm bớt số bậc thuế sẽ giúp cho việc kê khai, thu nộp và quản lý thuế được dễ dàng hơn. Đồng thời, với việc điều chỉnh số bậc thuế thì việc giãn khoảng cách thu nhập giữa các bậc sẽ đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập của luật” – Luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Tán đồng với ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức, theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, thông thường các nước quy định giữa các bậc thuế thường có khoảng cách lớn, đồng thời mức thuế suất cao nhất hiện nay của Việt Nam là 35% là khá cao, làm giảm tính cạnh tranh nội bộ quốc gia và quốc tế trong thu hút các nhà quản lý, nhà khoa học, nhân lực, lao động có tay nghề cao làm việc…
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi lạm phát tăng 20% là quá cứng nhắc. Theo ông Thịnh, không thể điều hành thuế theo lạm phát, vì mỗi năm, mức sống của người dân tăng lên.
“Nhu cầu của người dân tăng dần, từ ăn no mặc ấm sang ăn ngon mặc đẹp rồi đi du lịch, vui chơi. Nhu cầu của người dân mỗi năm khác biệt, tại sao lại cố định giảm trừ gia cảnh theo lạm phát? Các nước khác tiến tới giảm dần mức Thuế TNCN để hỗ trợ người dân, khuyến khích người dân lao động sáng tạo, nâng cao thu nhập. Cần phải thay đổi tư duy, xây dựng chính sách thuế hợp lý để khuyến khích người lao động sáng tạo”, ông Thịnh kiến nghị.
Mời quý vị và các bạn nghe trao đổi của phóng viên chương trình với các vị khách mời tại đây:
Thu Hà
—————-
VOV2 (Pháp luật) 20-02-2023:
https://vov2.vov.vn/phap-luat/luat-thue-thu-nhap-ca-nhan-som-sua-doi-de-phu-hop-thuc-tien-40400.vov2
(Phút 4:56; 249/979) #thue #TNCN