‘Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm với sự phát triển của thị trường trái phiếu’
(NĐT) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đứng vai trò là cơ quan quản lý, ban hành chính sách cho thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước phải chịu trách nhiệm với sự phát triển của thị trường trái phiếu đến thời điểm hiện tại.
Ngày 14/11, Bộ Tài chính phát đi thông cáo khẳng định, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Phát ngôn “vô tư tới vô cảm”
Sau thông cáo của Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực, ngay ngày hôm sau (ngày 15/11), VN-Index đã có thời điểm lùi về sát mốc 900 điểm, cổ phiếu bị bán tháo, HoSE có đến 429 mã giảm (223 mã giảm sàn) và vỏn vẹn 43 mã tăng điểm.
Thông cáo cũng phát đi trong bối cảnh, thị trường trái phiếu giảm sút nghiêm trọng trong tháng 10 và 10 tháng năm 2023, đứng trước nguy cơ “vỡ nợ” trái phiếu khi hai tháng cuối năm 2022 sẽ có hơn 61.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, riêng tháng 12 sẽ là gần 48.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn nhưng mọi cánh cửa xoay vòng vốn cho doanh nghiệp đều đang dần đóng lại.
Đưa ra góc nhìn về thông cáo phát đi của Bộ Tài chính, có ý kiến cho rằng đó là phát ngôn “vô tư tới phản cảm”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC cho rằng, với vai trò là cơ quan thiết kế, định hướng chính sách, phòng ngừa rủi ro thị trường mà Bộ Tài chính phát ngôn như vậy là phủi trách nhiệm. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường suy giảm mạnh, nhà đầu tư mất niềm tin như hiện nay thì thông cáo như vậy là “vô tư tới vô cảm”.
Ông Đức cho rằng, về nguyên lý, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan chịu trách nhiệm với sự phát triển của thị trường trái phiếu nhưng với 3 trách nhiệm chính để vận hành thị trường, 2 đơn vị này đều đang chưa làm được.
Một là làm chính sách nhưng chính sách lại có vấn đề khi không quản được thì cấm, dẫn tới không điều tiết được thị trường, làm tăng rủi ro cho các thành viên tham gia thị trường và không cân bằng được lợi ích các bên;
Thứ 2 là vai trò giám sát. Trong quá trình doanh nghiệp đăng ký phát hành thì cơ quan quản lý lại không làm tròn trách nhiệm phê duyệt, giám sát. Là đơn vị giám sát, xử lý các hồ sơ đăng ký thì không thể nói là không biết trái phiếu có vấn đề hay không.
Thứ 3 là vai trò bảo vệ nhà đầu tư, khi thấy sai phạm, có vấn đề cần có các động thái như xử phạt, chấn chỉnh, nhắc nhở, cảnh báo. Hành động này phải trước khi Bộ Công an vào cuộc và xử lý vi phạm thì Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng không làm được.
“Nhà đầu tư tự ra quyết định đầu tư, tự chịu trách nhiệm nhưng đó là trên cơ sở thông tin minh bạch, rõ ràng cả về rủi ro và cơ hội. Trong bối cảnh hiện nay, phát ngôn của Bộ Tài chính càng làm trầm trọng hơn khó khăn của thị trường và làm mất thêm lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường”, ông Đức nói.
Đồng quan điểm với Luật sư Trương Thanh Đức, ông Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law, ông Nguyễn Thanh Hà – một trong những luật sư đang tham gia khá nhiều các vụ việc liên quan tới trái phiếu Tân Hoàng Minh cho rằng, giải thích của Bộ Tài chính là có cơ sở, đây là giao dịch dân sự giữa nhà đầu tư mua trái phiếu với trái chủ, tranh chấp thì phải giải quyết bằng toà án nhưng không thể không đặt ra trách nhiệm, vai trò của của cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước.
“Theo quy định Luật Chứng khoán và các Nghị định hướng dẫn thì 2 đơn vị này thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực trái phiếu. Có thể thấy khi soạn thảo Nghị định 153 về phát hành trái phiếu riêng lẻ, các nhà làm luật đã không lường trước được khi điều kiện phát hành nới lỏng trong điều kiện kinh tế xã hội như Việt Nam, doanh nghiệp chưa đủ tín nhiệm để huy động vốn và phát triển dự án dẫn tới rủi ro cho nhà đầu tư. Cùng với đó, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cũng chưa làm tròn nhiệm vụ giám sát khi doanh nghiệp muốn phát hành phải thông báo, đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán nhà nước. Khi doanh nghiệp có các hình thức lách luật như biến nhà đầu tư chứng khoán không chuyên thành chuyên nghiệp hay một doanh nghiệp mua hết 1 lô trái phiếu rồi chia nhỏ, phân phối bằng hợp đồng hợp tác đầu tư nhưng trong suốt quá trình phát hành vẫn không có bất kỳ động thái cảnh báo nào từ nhà quản lý cho các nhà đầu tư”, ông Hà nói.
Để vá lỗ hổng lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường thời điểm hiện tại, ông Trương Thanh Đức cho rằng, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng.
“Ngay cả trong bối cảnh bình thường, nếu tất cả nhà đầu tư đều đến đòi nợ thì không ngân hàng hay doanh nghiệp nào có thể chịu được và đều sẽ sập, doanh nghiệp tốt cũng thành xấu. Vì vậy, lúc này cả nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp đều phải chung tay phối hợp. Cứu doanh nghiệp là cứu nhà đầu tư, là cứu thị trường”, ông Đức nói.
Theo đó, trước tiên cần cung cấp thông tin thật, trung thực ra thị trường. Cơ quan quản lý phải có động thái cụ thể hỗ trợ thị trường qua đẩy nhanh bán hàng của doanh nghiệp, miễn giảm thuế, khuyến khích dự án tốt, đúng quy định tiếp tục phát hành trái phiếu; tạo điều kiện đẩy nhanh thủ tục, tuyên truyền công khai và phải khẳng định tinh thần chung tay với nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Hà kiến nghị Chính phủ thành lập 1 uỷ ban tạm thời tập hợp một số cơ quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, NHNN, để cùng xây dựng 1 cơ chế khẩn cấp giải cứu thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, tránh đổ vỡ thị trường.
“Chính phủ cần có hướng dẫn làm sao để tìm ra phương án hỗ trợ cho cả nhà đầu tư và trái chủ, làm sao để giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có nguồn tiền để trả nợ”, ông Hà nói.
Chiến lược tài chính đến năm 2030 của Chính phủ đặt mục tiêu nâng quy mô dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 25% GDP vào năm 2030.
Dù có tốc độ tăng trưởng bình quân 46% trong 5 năm qua nhưng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia (56% GDP), Singapore (38% GDP), Thái Lan (25% GDP)… Tuy nhiên, sau khoảng thời gian tăng trưởng “nóng” thị trường TPDN đang bước vào giai đoạn trầm lắng, suy giảm mạnh trước các động thái siết lại của cơ quan quản lý.
Dữ liệu cập nhật về trái phiếu doanh nghiệp từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong tháng 10, chỉ có duy nhất 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ giá trị 210 tỷ đồng, giảm 99% so với tháng trước và không bằng số lẻ của cùng kỳ năm 2021 (65.789 tỷ đồng). Luỹ kế 10 tháng năm 2022 chỉ có 10.599 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng và 240.761 nghìn tỷ đồng trái phiếu phát hành riêng lẻ, đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, với mức giảm lần lượt 56% và 51%.
N.Thoan
—————
Nhà đầu tư (Tài chính) 22-02-2023:
(522/1.610) #TPDN #VBMA #UBCK