Đấu giá 4,4ha đất tại quận Hoàng Mai, Hà Nội gây nhiều tranh cãi.
(ĐTM) – Mặc dù đã ban hành bảng giá đất mới, Hà Nội vẫn tổ chức đấu giá Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng tại khu đô thị Nam hồ Linh Đàm (quận Hoàng Mai) có diện tích 4,4 ha với giá khởi điểm dựa trên bảng giá đất cũ, thu về gần 1.800 tỷ đồng.
UBND TP. Hà Nội vừa qua đã quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng nhà ở thấp tầng tại Khu đô thị Nam hồ Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai (giai đoạn 1).
Giá khởi điểm được xây dựng trên bảng giá cũ
Khu đất đấu giá có tổng diện tích 43.944 m², trong đó 20.061 m² là đất ở, 20.759 m² là đất giao thông và hơn 3.123 m² là đất cây xanh. Diện tích đất ở được chia thành 10 khu, với 262 lô đất, mật độ xây dựng toàn khu đạt khoảng 49,7%, và các công trình có chiều cao tối đa là 4 tầng.
Theo thông báo đấu giá, giá khởi điểm ở vòng 1 được xác định là hơn 86 triệu đồng/m². Giá khởi điểm ở các vòng sau sẽ được điều chỉnh theo mức giá trả hợp lệ cao nhất tại vòng đấu trước, với bước giá 500.000 đồng/m². Tiền đặt cọc để tham gia đấu giá ước tính hơn 345 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư Bất động sản Song Lộc đã trúng đấu giá khu đất này với giá 91 triệu đồng/m², cao hơn 5 triệu đồng/m² so với giá khởi điểm. Tổng số tiền trúng đấu giá đạt hơn 1.827,25 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là giá khởi điểm được xác định dựa trên bảng giá đất cũ theo Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND ban hành ngày 31/12/2019 (Quyết định số 30). Tuy nhiên, vào thời điểm chuẩn bị tổ chức đấu giá khu đất này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 71, quy định bảng giá đất mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trong khi phiên đấu giá lại được tổ chức vào ngày 3/1.
Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Song Lộc đã trúng đấu giá khu đất này với giá 91 triệu đồng/m², cao hơn 5 triệu đồng/m² so với giá khởi điểm
Giải thích về việc sử dụng bảng giá đất cũ, ông Vũ Tuấn Đạt, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai, cho biết với báo Thanh Niên rằng ngày 20/12/2024 là hạn cuối để nộp hồ sơ đấu giá. Cùng ngày, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 71 quy định bảng giá đất mới, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Ban đầu, buổi đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 23/12/2024, nhưng đã phải tạm hoãn để xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội về giá khởi điểm. Sau khi nhận được văn bản xác nhận rằng có thể tiếp tục sử dụng bảng giá cũ, quận Hoàng Mai đã tổ chức lại phiên đấu giá.
Phiên đấu giá thu hút 3 hồ sơ tham gia, nhưng một đơn vị đã xin rút, chỉ còn 2 đơn vị tham gia. Ông Đạt cho biết mức giá khởi điểm hơn 86 triệu đồng/m², so với giá đất mới là 57 triệu đồng/m², “không có vấn đề gì” vì đã tuân thủ đúng quy định.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, giải thích với báo Thanh Niên rằng việc sử dụng bảng giá đất cũ trong trường hợp này là do “quy định chuyển tiếp” cho phép áp dụng các quyết định đã được thành phố phê duyệt trước khi bảng giá mới có hiệu lực.
Động thái khó hiểu gây hoài nghi trong dư luận
Nêu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng nếu pháp luật vẫn cho phép áp dụng bảng giá đất cũ để xác định mức giá khởi điểm hơn 86 triệu đồng/m², thì việc quận Hoàng Mai và các bên liên quan tiếp tục tổ chức đấu giá là hợp pháp.
Tuy nhiên, mặc dù đã tổ chức đúng quy trình và quy định, nhưng việc mức giá khởi điểm này lại gây ra sự bất hợp lý và tạo ra những nghi ngờ trong dư luận thì cần phải xem xét lại. Thực tế cho thấy, giá khởi điểm quá thấp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề.
Mặc dù tiền đặt cọc lên tới 20% giá trị khởi điểm, nhưng số tiền này vẫn không đủ để ngăn cản “cò đất” và giới đầu cơ thao túng giá, đẩy giá lên cao. Thậm chí, có những trường hợp “bỏ cọc” để rút lui, gây méo mó thị trường. Cùng với đó, việc chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia đấu giá là điều khó hiểu, đặc biệt khi trong bối cảnh thị trường bất động sản có nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI và Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam.
Ngoài ra, ông Đức cũng bày tỏ sự băn khoăn về việc dù bảng giá đất mới đã được ban hành và mang đến cơ hội thuận lợi để nâng cao hiệu quả công tác đấu giá, nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường lại không áp dụng sẽ dẫn đến sự hoài nghi trong dư luận.
Băn khoăn của Luật sư Trương Thanh Đức không phải là không có cơ sở. Bởi trong năm 2024, Hà Nội đã tổ chức đấu giá nhiều khu đất trên địa bàn, và qua đó bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là giá khởi điểm quá thấp. Sau khi Hà Nội ban hành Quyết định số 71 vào cuối tháng 12/2024, một số địa phương đã ngay lập tức hủy các buổi đấu giá, hoàn trả tiền đặt cọc cho khách hàng, nhằm điều chỉnh giá khởi điểm sao cho sát với giá thị trường.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc Hà Nội và các địa phương ban hành bảng giá đất mới tiệm cận gần hơn với giá thị trường không chỉ giúp giảm bớt sự chênh lệch, mà còn góp phần thiết lập một cơ chế quản lý đất đai đồng bộ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Sự điều chỉnh này sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách thông qua các khoản thuế, phí và nghĩa vụ tài chính về đất.
Ở khía cạnh giải phóng mặt bằng, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Cầu Giấy, cho rằng bảng giá đất mới sẽ bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho những người bị thu hồi đất, từ đó khuyến khích họ tích cực thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất, bảng giá mới đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá khởi điểm cho các khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch chi tiết xây dựng.
Thời gian qua, Hà Nội đã liên tục giao hàng chục hecta đất cho các quận Bắc Từ Liêm, huyện Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hoà… nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ khu đấu giá. Mới đây, một số lô đất có tổng diện tích khoảng 20.000m², nằm gần tổ hợp Keangnam Landmark 72, sẽ được thu hồi và giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá, với mục đích sử dụng là đất ở.
Trong tổng diện tích 20.000m² này, có 9.800m² đất thuộc quận Nam Từ Liêm và hơn 11.000m² thuộc quận Cầu Giấy. Hiện các lô đất tại quận Nam Từ Liêm đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, trong khi phần lớn các lô đất thuộc quận Cầu Giấy vẫn chưa có mặt bằng sạch, với nhiều công trình tạm còn tồn tại.
Quang Đăng
————-
Đô thị mới (Tiêu điểm 08-02-2025:
https://dothi.reatimes.vn/dau-gia-dat-ha-noi-lai-co-van-de-9569.html
(314/1.416)