3.987. Định danh người bán hàng TMĐT để ‘quản lý tận gốc’.

Định danh người bán hàng TMĐT để ‘quản lý tận gốc’.

(VietQ.vn) – Tại Dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đưa ra một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng TMĐT. Theo đó cần thiết định danh người bán hàng để thu thuế, truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Quá trình xây dựng Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết, hiện phát sinh một số mô hình hoạt động thương mại điện từ (TMĐT) mới như hoạt động trên mạng xã hội, xuyên biên giới, của nhà đầu tư nước ngoài và việc kiểm soát người bán trên các nền tảng TMĐT vẫn đang là thách thức đối với cơ quan quản lý Nhà nước.

Đặc biệt, quy định hiện tại giao cho các sàn TMĐT xác định danh tính người bán, nhưng nhiều nơi chưa thực hiện, dẫn đến khó kiểm soát chính xác thông tin về người bán, nhất là người bán hàng ở nước ngoài. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng không nắm được một người bán hàng hoạt động trên bao nhiêu nền tảng TMĐT.

Không chỉ có vậy, việc chưa có quy định chặt chẽ về xác minh và lưu trữ thông tin người bán khiến công tác điều tra và xử lý vi phạm trong giao dịch TMĐT trở nên phức tạp. Các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc truy vết kho hàng hoặc đối tượng bán hàng khi có vi phạm.

Định danh người bán hàng TMĐT để 'quản lý tận gốc'

Định danh người bán hàng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm là cần thiết. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, vì không có cơ chế định danh điện tử cũng như kiểm tra, giám sát toàn diện, các nền tảng TMĐT có thể bị lạm dụng để thực hiện các hoạt động gian lận hoặc trốn thuế. Các cơ quan quản lý, đặc biệt là cơ quan thuế, không thể theo dõi đầy đủ giao dịch và hoạt động của người bán. Đồng thời, người tiêu dùng khó có thể xác minh độ tin cậy của người bán trên các sàn TMĐT nếu thông tin về người bán không được rõ ràng, minh bạch. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng và làm giảm độ tin cậy của nền tảng TMĐT.

Thực tế cho thấy, thời gian qua đã có không ít trường hợp mua hàng qua mạng, mua sản phẩm thông qua các phiên livestream bán hàng đến khi nhận phải sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái…

Và trước thực tế đã nêu, tại Dự thảo Luật Thương mại điện tử, Bộ Công Thương đã đưa ra một số quy định về trách nhiệm của người bán trên nền tảng TMĐT. Trong đó, có thực hiện định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; Cung cấp thông tin cho nền tảng số trung gian TMĐT về tên thương nhân, địa chỉ, mã số định danh của thương nhân, tổ chức hoặc mã số thuế thu nhập cá nhân; Công bố công khai điều kiện giao dịch chung, giá cả, vận chuyển và giao nhận, phương thức thanh toán (nếu có); Tuân thủ các quy định về minh bạch thông tin hàng hóa, dịch vụ, các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhìn nhận về nội dung được đề xuất, không ít ý kiến cho rằng, đây là bước rất quan trọng, không chỉ giúp người mua hàng có thể tự truy xuất xem sản phẩm mình mua có bảo đảm chất lượng, mà còn giúp các cơ quan quản lý chống thất thu thuế.

Theo luật sư Trần Xoa – Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, nhiều người bán hàng online nhưng ẩn danh, không công khai địa chỉ nên dẫn đến tình trạng quảng cáo quá lố, bán hàng nhái, hàng kém chất lượng khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hoạt động TMĐT. Đó là chưa kể nhiều cá nhân bán hàng online, livestream thu được tiền tỷ nhưng kê khai ít hoặc thậm chí trốn thuế nhưng cơ quan quản lý thuế không tìm được địa chỉ, danh tính cụ thể.

Kinh doanh lãi cao nhưng không đóng thuế, phí cũng giúp người bán hàng TMĐT có thể mạnh tay giảm giá, khiến những người thuê cửa hàng, quầy sạp trong chợ hay trung tâm thương mại không thể cạnh tranh được. Đây cũng là điều không công bằng cho hoạt động bán hàng nói chung. Hay việc không công khai giá bán khiến người mua dễ bị rủi ro. Vì vậy, việc bổ sung các điều kiện đối với người bán hàng trên TMĐT như định danh thông tin, địa chỉ, niêm yết giá bán… là rất cần thiết.

Đồng thời nhấn mạnh, người bán phải công khai tất cả thông tin để tạo niềm tin cho người mua. Cùng với đó phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, sản phẩm bán ra. Như vậy, môi trường kinh doanh cũng trở nên bình đẳng giữa các cá nhân, kinh doanh nói chung. Không thể có việc người bán hàng online thì bỏ sót, không đóng thuế phí trong khi người thuê cửa hàng phải đóng thuế, phí đầy đủ.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng cho hay, các điều kiện cơ bản đối với người bán hàng qua mạng như Dự thảo Luật đề xuất là phù hợp. Bởi, hiện nay các quy định về hoạt động TMĐT hay bán hàng, livestream trên mạng còn kẽ hở nên tình trạng hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn ngập các sàn TMĐT. Vì vậy, cần sớm định danh người bán hàng để thu thuế, truy xuất nguồn gốc sản phẩ m là bước rất quan trọng, không chỉ đảm bảo quyền lợi của người mua hàng, mà còn giúp công tác quản lý ngày càng chặt chẽ.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, một khi đã quản lý TMĐT thì phải quản lý tận gốc. Như để thu thuế sau các phiên livestream cần có sự kết nối dữ liệu từ các sàn TMĐT, nền tảng bán hàng, dịch vụ trung gian với tài khoản ngân hàng để nắm được dòng tiền…

Ngoài ra, một số ý kiến cho hay, cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc quản lý TMĐT nói chung và hoạt động livestream bán hàng nói riêng, đồng thời cần quản lý cả các đơn vị trung gian như giao hàng, chuyển phát nhanh; xuất hóa đơn khi giao dịch hàng hóa.

Liên quan tới việc định danh người bán hàng, trước đó tại Nghị quyết 09/NQ-CP Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VneID.

Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Tư pháp, cơ quan liên quan nghiên cứu giải pháp đồng bộ, kết nối các hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, hệ thống do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chia sẻ, khai thác dữ liệu của người Việt Nam ở nước ngoài, phục vụ cấp số định danh, căn cước; kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh phục vụ cấp hộ chiếu cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp chứng thư số đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục đào tạo theo quy định.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan xây dựng tài liệu nghiệp vụ, chức năng của Cổng Dịch vụ công quốc gia, gửi Bộ Công an để phát triển Cổng Dịch vụ công quốc gia tại Trung tâm dữ liệu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản 8871/VPCP-KSTT ngày 2/12/2024.

Đồng thời, xây dựng yêu cầu, tính năng, chức năng của Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Công an để đầu tư, xây dựng và quản trị hệ thống, vận hành kỹ thuật, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin các hệ thống tại Trung tâm dữ liệu quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 20/9/2024 và Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 4/9/2024.

An Dương (T/h)

————-

Chất lượng Việt Nam (Cảnh báo) 10-02-2025:

https://vietq.vn/dinh-danh-nguoi-ban-hang-tmdt-de-thu-thue-truy-xuat-nguon-goc-san-pham-de-tang-tinh-minh-bach-d230367.html

(62/1.526)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.438. Xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Sẽ...

Xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Sẽ bổ sung quy định chủ...

Trích dẫn 

3.986. Đấu giá 4.4ha đất tại quận Hoàng Mai, Hà...

Đấu giá 4.4ha đất tại quận Hoàng Mai, Hà Nội gây nhiều tranh cãi. (ĐTM) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 238,834