Nâng mức giảm trừ gia cảnh để người dân thoát cảnh ‘thắt lưng buộc bụng’.
(PLO)- Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời và biểu thuế lũy tiến bất hợp lý đang tạo gánh nặng lớn cho người dân, khiến họ rơi vào cảnh phải thắt lưng buộc bụng.
Bộ Tài chính vừa công bố bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu góp ý của các địa phương, bộ ngành. Trong đó, hàng loạt bộ ngành, địa phương cùng kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh.
Cụ thể, các Bộ Quốc phòng, GTVT, Y tế, NN&PTNT, TT&TT… đều cho rằng mức giảm trừ gia cảnh áp dụng với người nộp thuế 11 triệu đồng/tháng và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế và mức sống của người dân hiện nay.
Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời, người dân phải “thắt lưng buộc bụng”
Chị Tô Minh Nguyệt (Ba Đình, Hà Nội) cho biết mỗi tháng chị có thu nhập khoảng 20 triệu đồng nhưng sau khi trừ chi phí sinh hoạt, đóng học cho con, trả tiền thuê nhà… chị gần như không dư đồng nào.
Chị Nguyệt chia sẻ mỗi tháng chị chi 5 triệu đồng để trả tiền thuê nhà, học phí cho con là 5 triệu đồng, chi phí sinh hoạt cộng với xăng xe đi lại và một khoản để trả góp mua một căn hộ nhỏ. Cuối cùng, gia đình chị chỉ còn một khoản nhỏ để dành phòng trừ khi ốm đau.
“Mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng mỗi người quá thấp so với thực tế chi tiêu”- chị Nguyệt nói.
Chưa hết, chị Nguyệt cho biết khoản lãi vay trả góp để mua căn hộ không được trừ vào thu nhập tính thuế; các khoản chi phí như học thêm, khám chữa bệnh cho con đều không được giảm trừ. Chị Nguyệt và nhiều người lao động khác đều mong sẽ có chính sách giảm trừ linh hoạt hơn, chẳng hạn như cho phép khấu trừ lãi vay mua nhà hoặc chi phí học phí, chữa bệnh.
Mức giảm trừ gia cảnh lỗi thời và biểu thuế lũy tiến bất hợp lý đang tạo gánh nặng lớn cho người dân, khiến họ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi chi tiêu. Ảnh: PLO
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ năm 2020 đến nay, CPI tăng hơn 15%, trong khi từ tháng 7-2020, mức giảm trừ gia cảnh vẫn “giậm chân tại chỗ”. Điều này khiến người lao động phải chịu mức thuế lũy tiến cao hơn, dù giá cả nhiều loại hàng hóa có xu hướng tăng lên.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển của nền kinh tế và mức sống của người dân. “Trong khi chờ sửa đổi luật, cần cấp bách điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh ngay để giảm bớt khó khăn cho người lao động” – ông Long nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ – cho rằng quy định mức giảm trừ gia cảnh thay đổi khi chỉ số CPI thay đổi 20% khiến việc sửa đổi rất chậm. Chưa kể, từ năm 2020 đến nay, chỉ số CPI đã có nhiều thay đổi mà vẫn áp dụng mức cũ là quá bất hợp lý.
Trong 15 năm qua chỉ có khoảng 2 lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và mỗi lần điều chỉnh tốc độ cũng thấp hơn thực tế. Chưa hết, thu nhập của người dân trong 10 năm qua tăng lên do lạm phát tăng nhưng thu nhập thực tế lại giảm, nhất là những năm dịch Covid-19 bùng phát.
Ông Tú cho rằng nếu cho thay đổi tự động thì mức giảm trừ gia cảnh phải tăng lên 15-16 triệu đồng/người/tháng chứ không phải giậm chân ở mức 11 triệu đồng. Đó là chưa kể lương cơ sở vừa tăng 30%, lương tối thiểu vùng tăng, cũng như các chỉ số khác tăng… Do đó, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh để không lạm thu, phần thuế ngày càng cao càng gây gánh nặng cho người nộp thuế.
Mặt khác, ông Tú cho rằng cơ quan soạn thảo nên bỏ căn cứ dựa theo chỉ số CPI để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Bởi việc quy định mức giảm trừ gia cảnh cố định sẽ dẫn đến tình trạng hằng năm phải trình Chính phủ sửa đổi, nếu không sẽ rơi vào tình trạng lạc hậu, đi theo lối mòn. Về lâu dài, ông đề nghị khi sửa đổi luật thuế, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc dựa theo mức lương tối thiểu vùng.
Ngoài ra, chi phí lớn nhất của người lao động là chi cho y tế, giáo dục và nhà ở nên cần đưa những chi phí đặc thù này vào luật. Trong một số trường hợp đặc biệt như người phụ thuộc là khuyết tật, người cao tuổi có bệnh điều trị dài tốn nhiều chi phí, tỉ lệ này có thể bằng 70-100% mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế.
Cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng với mức giảm trừ gia cảnh, cơ quan soạn thảo có thể chọn áp dụng theo lương tối thiểu vùng mà hằng năm Chính phủ đã công bố. Khi đó, việc áp dụng mức giảm trừ gia cảnh sẽ dễ thực hiện hơn, theo sát thực tế đời sống người dân.
Nói thêm, ông Đức cho hay một số quy định của Luật Thuế Thu nhập cá nhân hiện nay đã bộc lộ điểm bất cập và được nhiều bộ ngành, tỉnh thành góp ý.
Ông Đức chỉ rõ theo lộ trình đã công bố, đến tháng 10-2025, dự thảo luật Thuế Thu nhập cá nhân mới đưa ra Quốc hội, tháng 5-2026 thông qua và khả năng năm 2027 mới có hiệu lực áp dụng. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động phải chờ 2 năm nữa mức giảm trừ gia cảnh mới thay đổi, như vậy là quá lâu, quá chậm trễ. Theo ông, những điều luật nào có ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì nên ưu tiên thực hiện trước, sửa đổi sớm hơn chứ không phải chần chừ và kéo dài.
Thu nhập tăng, áp lực thuế lớn, người dân khó tích lũy
Chia sẻ với phóng viên, anh Quang Vũ (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết mức lương của anh vừa chạm mốc 18 triệu đồng/tháng nên phải chịu thuế suất 15%. Trong khi đó, chi phí thuê nhà, tiền sinh hoạt, tiền xăng xe, tiền gửi về quê của anh mỗi tháng vào khoảng 15 triệu. Như vậy đã ngốn hơn 80% lương và anh Vũ gần như không còn khoản tích góp nào.
Có thể thấy bên cạnh mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến với 7 bậc thuế hiện nay cũng tạo ra nhiều bất cập. Với biểu thuế hiện nay, các bậc thuế cao như 25% cho thu nhập trên 32 triệu đồng/tháng khiến nhiều người rơi vào tình huống thu nhập tăng nhưng áp lực thuế lại lớn hơn.
Biểu thuế quá nhiều bậc không chỉ gây khó khăn cho người nộp thuế mà còn tạo ra sự chênh lệch lớn giữa các bậc. Khoảng cách giữa các bậc thuế, đặc biệt từ bậc 4 đến bậc 5 (18 triệu đồng đến 32 triệu đồng) là một gánh nặng vô hình, khiến thu nhập thực của người lao động không được cải thiện đáng kể.
TS Nguyễn Ngọc Tú – Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội
Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, cách tính thuế TNCN hiện nay đơn giản, thuận tiện cho cơ quan thuế nhưng không khuyến khích người lao động làm việc, cống hiến. Kỹ thuật đánh thuế cũng chưa hợp lý. Khấu trừ gia cảnh cho mọi người như nhau trong khi mức chi tiêu để đảm bảo cùng một mặt bằng sinh hoạt ở thành phố và nông thôn rất khác nhau.
“Cơ quan chức năng cần thay đổi theo hướng tăng mức thu nhập chịu thuế, bậc thu nhập chịu thuế giãn ra, khấu trừ gia cảnh có thể tính đến yếu tố cư trú, ngành nghề”- PGS. TS. Vũ Sỹ Cường đề xuất.
Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính định hướng sửa đổi, bổ sung là biểu thuế lũy tiến từng phần đối với thu nhập từ tiền công, tiền lương sau 15 năm áp dụng.
Bộ Tài chính cho biết có quan điểm cho rằng biểu thuế hiện hành chưa hợp lý, 7 bậc thuế là quá nhiều, việc giãn cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào năm, làm tăng số thuế phải nộp.
Mặt khác, số lượng phải quyết toán thuế tăng một cách không cần thiết, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Theo Bộ Tài chính, việc áp dụng thu thuế TNCN theo các mức thuế lũy tiến từng phần được thực hiện phổ biến trên thế giới. Cụ thể, biểu thuế của Indonesia bao gồm 5 bậc thuế; Philippines bao gồm 5 bậc; một số quốc gia như Malaysia cũng đã giảm số bậc thuế từ 11 bậc (năm 2021) xuống 9 bậc (2024).
“Việt Nam có thể giảm số bậc thuế xuống dưới 7 bậc. Cùng với đó xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Việc giảm số bậc thuế sẽ tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế” – Bộ Tài chính cho hay.
Trước đó, góp ý cho biểu thuế lũy tiến từng phần, Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề nghị giảm thuế suất đối với nhóm đối tượng nộp thuế ở 3 bậc đầu tiên để giảm gánh nặng cho người nộp thuế. Vì thực tế những người nộp thuế ở bậc thuế 1, 2 và 3 có thu nhập chỉ ở mức đủ để trang trải cuộc sống.
Cục Thuế tỉnh Thái Nguyên đề nghị thuế suất bậc 1 giảm một nửa còn 2,5% thay cho 5% như hiện nay, áp dụng cho phần thu nhập tính thuế 0 – 5 triệu đồng/tháng. Còn bậc 2, thuế suất 5% thay vì 10%, áp dụng thu nhập tính thuế từ 5 – 10 triệu đồng/tháng. Bậc 3 có thuế suất cũng giảm 5%, còn 10% áp dụng cho thu nhập tính thuế từ 10 – 18 triệu đồng/tháng.
Còn UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị giảm mức chênh lệch giữa các bậc thuế, nhằm tránh gánh nặng cho người có thu nhập trung bình khá.
Minh Trúc
————-
Pháp luật TP HCM (Kinh tế) 11-02-2025:
(212/1.867)