(TN) – Thông tin nhiều lực lượng của Công an TP.HCM phối hợp Công an Q.Gò Vấp bao vây, khám xét văn phòng Công ty F88 nghi vấn doanh nghiệp này đòi nợ kiểu “cưỡng đoạt tài sản” đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Trước đó, tình trạng đòi nợ kiểu khủng bố cũng gây bức xúc trong xã hội.
Ghép ảnh khiêu dâm, dọa nạt… khi đòi nợ
Như trường hợp chị T.T.K.L (Giám đốc Công ty kiến trúc O.V) tá hỏa khi thấy hình ảnh của mình bị cắt ghép và bêu ảnh trên Facebook để đòi nợ. Theo chị K.L, chị nhận được một bức ảnh qua Facebook cắt ghép chị cùng những nhân viên khác với lời chú thích: “Truy tìm các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản – T.T.K.L – giám đốc Công ty Kiến trúc O.V”. Kèm theo đó là lời đe dọa: “Sau 24 giờ nếu không gọi lại giải quyết, chúng tôi sẽ có những hành động không giới hạn! Đây là lời cảnh báo cuối cùng. Liên hệ số điện thoại 0777218xxx gặp Long để được giải quyết”. Trong bức ảnh cắt ghép còn có cả hình ảnh “phòng the”, khiêu dâm cùng lời mời chào “em đang làm việc ở Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, các anh có nhu cầu thì a lô em số điện thoại: 0945xxxxxx”.
Công an triệt phá nhóm hoạt động đòi nợ thuê bằng hình thức đe dọa, khủng bố tại Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ ngày 03.3.2023
Thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…, những đối tượng đòi nợ còn gửi hình ảnh này cho người thân, bạn bè, đối tác, gây hiểu nhầm và ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, thương hiệu của công ty chị K.L. Quá bức xúc vì không mượn tiền của ai mà chuyện này rơi xuống đầu, chị K.L thu thập tất cả chứng cứ tố cáo lên công an. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu thì mới biết cha của một nhân viên trong công ty chị vay mượn tiền qua app vài chục triệu đồng, lãi mẹ đẻ lãi con lên đến hàng trăm triệu đồng nên mất khả năng thanh toán. Nhóm cho vay không những đòi nợ gia đình của người này mà còn “khủng bố” cả những người xung quanh, đặc biệt là giám đốc công ty của người thân đang đi làm.
Công an khám xét hoạt động đòi nợ thuê bằng hình thức đe dọa, khủng bố tại Công ty Luật TNHH Pháp Việt (Q.Tân Bình, TP.HCM) ngày 14.2.2023
CACC
Anh T.M.K, ngụ tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM), cũng bức xúc: “Trong đợt dịch Covid-19 phải cách ly ở nhà, gia đình tôi rất khó khăn không xoay được tiền, các công ty cho vay tài chính lại chủ động liên hệ, sau đó tôi được công ty M. duyệt cho vay số tiền 24 triệu đồng, thời hạn vay 24 tháng, tổng số nợ gốc và lãi phải thanh toán tổng cộng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay khi giải ngân tôi bị trừ phí thêm một lần nữa khoảng 4 triệu đồng, thực tế chỉ vay được 20 triệu đồng. Cho đến nay tôi vẫn chưa trả hết nợ, cứ mỗi lần gần đến ngày trả nợ là lại có các số điện thoại gọi đến nhắc với thái độ rất trịch thượng, xấc xược. Lần nào tôi kẹt quá không trả đúng hạn là lập tức có người gọi đến hăm dọa, đòi phải trả tiền ngay trong ngày”.
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an TP.HCM), hành vi đòi nợ với thủ đoạn uy hiếp, đe dọa tinh thần người vay qua mạng và bằng cách gọi điện thoại, về bản chất có liên hệ mật thiết với các hoạt động tín dụng đen trên mạng, là biến tướng của tín dụng đen truyền thống. Đặc biệt, thay vì cho vay lãi nặng trực tiếp bằng tiền mặt như trước đây, các băng nhóm tín dụng đen trên mạng thường núp bóng danh nghĩa công ty tài chính, công ty công nghệ, công ty tư vấn luật… để hoạt động.
Từ đây, nhóm đối tượng sử dụng nhiều app, website để cho vay lãi nặng trực tuyến; tổ chức mua bán, thu hồi nợ bằng hình thức khủng bố tinh thần người vay và những người thân quen của người này. Phần lớn các nạn nhân và người thân, người quen của họ bị các đối tượng đòi nợ uy hiếp, đe dọa tinh thần từ thông tin do chính nạn nhân cung cấp. Mặt khác, các đối tượng còn liên hệ với thân nhân, người quen của người vay để chào mời cho vay hoặc buộc trả nợ thay. Có khi nhóm cho vay này trao đổi, mua bán thông tin cá nhân với các băng nhóm tín dụng đen khác.
Cần quản lý các hoạt động đòi nợ
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, chia sẻ rằng có vay, có trả; nhưng cho vay thì dễ, còn trả mới khó. Pháp luật không có quy định cụ thể về việc đòi nợ, ngoài những nguyên tắc chung áp dụng cho mọi quan hệ pháp luật như không được gian dối, lừa đảo, xúc phạm, đe dọa và xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự của người khác. Việc đòi nợ thuê đã bị cấm từ năm 2021 theo luật Đầu tư.
Riêng việc đòi nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thì có quy định riêng và khá rõ ràng trong Thông tư số 43/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 18/2019). Theo đó, các công ty tài chính cho vay tiêu dùng khi đòi nợ không được đe dọa khách hàng; nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày và chỉ được diễn ra từ 7 – 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ đến gia đình, tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ; ngoài ra phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Các công ty tài chính là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép thì đương nhiên không thể đòi nợ bạt mạng mà đòi hỏi phải theo quy định rõ ràng, tránh việc làm càn, xâm phạm, phiền hà khách vay nợ quá đáng. Do vậy, hiện nay phổ biến có 2 dạng “đòi nợ thuê” không chính thức. Thứ nhất là các công ty đòi nợ hoạt động dưới dạng công ty mua bán nợ. Các công ty này được tự do thành lập và hoạt động mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì đặc thù. Khi ấy họ đòi nợ với danh nghĩa là khoản nợ của chính mình. Thứ hai, việc đòi nợ được thực hiện thông qua danh nghĩa dịch vụ pháp lý của các công ty luật theo quy định của luật Luật sư năm 2006.
Theo ông Trương Thanh Đức, trên thực tế, các hoạt động đòi nợ thuê không hề mất đi theo quy định nghiêm cấm của luật, mà đã biến đổi từ hình thái này sang hình thái khác, trong khi không bị ràng buộc bởi các điều kiện đầu tư, kinh doanh như trước kia. Đáng lẽ phải chuyên nghiệp hóa việc đòi nợ thuê thay vì cấm một nhu cầu vô cùng chính đáng, cần thiết như vậy, rồi bây giờ còn khó quản lý hơn. Tất nhiên nếu cho phép hoạt động đòi nợ thuê thì cần phải quản lý một cách bài bản, chặt chẽ, đồng thời tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm kịp thời, nghiêm minh để giảm thiểu việc vi phạm điều kiện kinh doanh và trật tự trị an, luật sư Trương Thanh Đức bình luận.
Thế Giới Di Động tạm ngưng hợp tác với F88
Trả lời Thanh Niên về quan hệ hợp tác với chuỗi cầm đồ F88, đại diện Công ty CP đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) (quản lý hệ thống kinh doanh thiết bị di động Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, gọi tắt là TGDĐ) cho biết: “Hợp tác của TGDĐ với F88 xuất phát từ mong muốn khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay ngân hàng có thể tiếp cận với nguồn vay chính thống. Tuy nhiên, chúng tôi luôn mong muốn đối tác phải tuân thủ đúng pháp luật. Hiện chúng tôi đã gửi yêu cầu giải thích chuyện gì đang xảy ra, đồng thời tạm thời ngưng hợp tác với F88. Trong hợp tác này, TGDĐ chỉ làm trung gian kết nối giữa F88 và người có nhu cầu vay. Các thủ tục vay, xét duyệt, lãi suất, thời hạn trả nợ đều do phía F88 thực hiện”.
Vào cuối năm 2021, TGDĐ công bố chính thức trở thành đối tác của F88. Theo đó, hai bên sẽ hợp tác để cung cấp dịch vụ cho vay tiền mặt tại 2 hệ thống cửa hàng trên. Hạn mức vay tối đa cho dịch vụ này là 10 triệu đồng/giao dịch, tiền gốc và chi phí vay được trả đều trong vòng 12 tháng với chi phí vay 7,5%/tháng, phí phạt tất toán sớm trước hạn là 5% nhân với số tiền gốc còn lại. Phí phạt quá hạn là 50.000 đồng mỗi ngày và tối đa không quá 150.000 đồng trên 1 kỳ quá hạn.
Thanh Xuân – Quang Thuần
——————-
Thanh niên (Kinh tế) 08-3-2023:
https://thanhnien.vn/doi-no-kieu-khung-bo-gay-buc-xuc-185230308002853837.htm
(504/1.645) #F88 #MWG #TGDĐ