Bảo hiểm xe máy, giữ hay bỏ?
(PN) – Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), hiện nay, xe máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn giao thông lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy đã được áp dụng ở Việt Nam hơn 30 năm qua, được quy định trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên nhiều người tham gia bảo hiểm xe máy cho rằng rất khó được bồi thường khi có tai nạn, việc mua bảo hiểm xe máy là để khỏi bị cảnh sát giao thông phạt.
Chưa tuyên truyền, hướng dẫn thấu đáo
Đầu năm 2023, đoàn đại biểu Quốc hội nhiều tỉnh, thành đã thay mặt cử tri kiến nghị bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy do không đảm bảo được quyền lợi của người tham gia. Rõ nhất là khi bị tai nạn, chủ phương tiện đều lo đi cấp cứu, không có thời gian để gọi cho công ty bảo hiểm, chờ nhân viên bảo hiểm đến, lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu… nên dù đã mua bảo hiểm, ít người được thanh toán.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng từng nêu kiến nghị tương tự, với lý do: tỉ lệ chi trả bảo hiểm xe máy quá thấp, chỉ 45 tỉ đồng trên tổng số doanh thu 765 tỉ đồng, tức chưa tới 6% tổng thu, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ chi trả của các loại bảo hiểm bắt buộc khác như bảo hiểm ô tô (33%), bảo hiểm cháy nổ (31%).
Tiến sĩ Trần Nguyên Đán – giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Trường đại học Kinh tế TPHCM – cho rằng, bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe cơ giới (trong đó có xe máy) là cần thiết, nhằm bảo vệ cho người bị nạn chứ không phải chủ xe. Ông nêu ví dụ, nhiều gia đình chỉ có tài sản là 1 chiếc xe máy, chẳng may gây ra tai nạn, gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người khác mà không có tiền đền bù cho nạn nhân thì có bảo hiểm đứng ra đền bù.
Theo ông, trên thực tế, không ít người lại hiểu lầm rằng, người mua bảo hiểm sẽ được bồi thường khi xảy ra tai nạn và họ thất vọng khi không được bồi thường. Ông cũng cho rằng, thủ tục để được bồi thường, chi trả của loại bảo hiểm này còn rườm rà, gây mất lòng tin cho người tham gia.
Luật sư Bùi Minh Nghĩa (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, không nên bỏ loại bảo hiểm này, nếu bỏ thì nên bỏ yếu tố bắt buộc đối với xe máy. Bởi lẽ, một số người vẫn có nhu cầu mua loại bảo hiểm này, còn những ai cảm thấy bản thân có đủ khả năng tự bỏ tiền ra bồi thường khi có tai nạn thì có thể không mua.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân – Giám đốc Công ty Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair – không dễ để bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy bởi muốn bỏ thì phải sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Giao thông đường bộ, thậm chí cả Bộ luật Dân sự.
Ông cho rằng, thủ tục đòi bồi thường bảo hiểm xe máy là đơn giản và dễ dàng nhất trong các loại hình bảo hiểm. Tuy nhiên, cơ quan quản lý, hiệp hội bảo hiểm và các doanh nghiệp bảo hiểm chưa làm tốt khâu tuyên truyền, hướng dẫn. Ông nêu ví dụ, có quy định nạn nhân bị thiệt hại sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra được hỗ trợ nhân đạo 45 triệu đồng/người/vụ tai nạn (tương đương với 30% mức trách nhiệm bảo hiểm) từ quỹ bảo hiểm xe cơ giới nhưng hầu như ít ai biết để hưởng chính sách này. Do đó, việc để người dân bức xúc về quyền lợi khi mua bảo hiểm xe máy là do lỗi của cơ quan quản lý chứ không phải do thủ tục phức tạp, khó đòi.
Cần công khai cách thức, quá trình chi trả
Theo tiến sĩ Trần Nguyên Đán, cần công khai cách thức chi trả bảo hiểm xe máy. Đến nay, người dân vẫn mặc định trong đầu rằng không dễ đòi được tiền bảo hiểm xe máy. Nhưng nếu chỉ tuyên truyền mà không kiểm tra các công ty bảo hiểm thì cũng không hiệu quả. Cách tốt nhất là lập cổng thông tin chung, hướng dẫn người dân mua, theo dõi tình hình chi trả bồi thường, giải quyết khiếu nại…
Theo ông, thời gian qua, có những vụ tai nạn nhỏ, giá trị bồi thường thấp, chủ xe gọi cho nhân viên bảo hiểm đến hiện trường ghi nhận nhưng các nhân viên này không đủ chuyên môn, thẩm quyền để xác định xe nào có lỗi (gây ra tai nạn). Do đó, khi lập cổng thông tin về chi trả bảo hiểm, trên cổng này phải có những nhân viên đủ thẩm quyền hoặc có sự phối hợp với cảnh sát giao thông để xác định được xe nào có lỗi, đơn vị bảo hiểm nào phải bồi thường. Ông nói: “Có như vậy người dân mới có niềm tin tham gia nhiều hơn, cơ quan quản lý cũng dễ dàng nắm trách nhiệm bồi thường của công ty bảo hiểm”.
Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, tổng doanh thu phí bảo hiểm xe máy cao nhưng tổng mức chi trả thấp là do chi phí cho việc bán bảo hiểm xe máy chiếm tới 70% doanh thu hoặc hơn; phần lớn phí bảo hiểm xe máy chi cho kênh phân phối mà không tới được người tham gia. Sở dĩ có tình trạng này là do hình thức phân phối bảo hiểm còn quá lạc hậu. Thay vì đề xuất bỏ bảo hiểm xe máy, các tổ chức, cá nhân nên đề xuất các giải pháp để việc bồi thường bảo hiểm xe máy được thuận tiện và chi phí bán bảo hiểm thấp hơn.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay, phí bảo hiểm đối với xe máy có dung tích máy trên 50cc là 66.000 đồng/năm, dưới 50cc là 55.000 đồng/năm. Khi chúng tôi nói muốn mua các phiếu bảo hiểm này về bán lại thì một công ty bảo hiểm cho biết: mức hoa hồng nhận được là từ 44 – 64% mỗi phiếu, tương đương khoảng 26.400-42.240 đồng; nếu tham gia các ứng dụng bán bảo hiểm online rồi giới thiệu ứng dụng này với người khác và người đó đạt doanh thu 10 triệu đồng thì chúng tôi sẽ nhận thêm 10% hoa hồng gián tiếp. Như vậy, chúng tôi có thể nhận mức tiền hoa hồng gần 45.000 đồng trên mỗi phiếu bảo hiểm có giá 66.000 đồng.
Ông Nguyễn Khắc Xuân đề xuất, nên bán bảo hiểm điện tử thông qua các hình thức như nhắn tin rồi trừ cước điện thoại hoặc mua qua tài khoản ngân hàng, sẽ giảm mức phí bảo hiểm xuống còn 10.000-20.000 đồng, giảm hoa hồng xuống còn 2.000-4.000 đồng/phiếu bảo hiểm: “Người ta dễ dàng mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho ô tô trên các ví điện tử, tài khoản ngân hàng, được chứng nhận bảo hiểm điện tử, tại sao bảo hiểm xe máy lại không thể?”.
Gấp rút sửa Luật Kinh doanh bảo hiểmCần có thay đổi lớn để bảo hiểm xe máy được vận hành đúng mục đích đặt ra. Thực tế, nhiều năm qua, ngành kinh doanh bảo hiểm bộc lộ nhiều vấn đề gây bức xúc, như tìm cách phủi tay, gây khó khăn hoặc từ chối trách nhiệm với người tham gia bảo hiểm. Điều quan trọng nhất là cần gấp rút sửa Luật Kinh doanh bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng bình đẳng hơn. Hiện nay, khách hàng bị đặt vào thế yếu, đôi khi nhận tiền bồi thường từ bảo hiểm mà như nhận sự ban ơn. Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI |
Thanh Hoa
—————
Phụ nữ TP Hồ Chí Minh (Thị trường) 11-3-2023:
https://www.phunuonline.com.vn/bao-hiem-xe-may-giu-hay-bo-a1486941.html
(124/1.480) #baohiem #xemay