Bất cập giảm trừ gia cảnh
(DĐDN) – Luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ bất cập ngay từ khi còn là Pháp lệnh Thuế thu nhập cá nhân. Trong đó, bất cập lớn nhất chính là mức giảm trừ cho người lao động và người phụ thuộc…
Đó là chia sẻ của Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Thưa Luật sư, như ông trao đổi ở trên, quy định mức giảm trừ gia cảnh là bất cập lớn nhất trong Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành. Ông có thể phân tích rõ hơn về vấn đề này?
Mức giảm trừ gia cảnh không dựa trên cơ sở nào có tính thuyết phục, chẳng dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người, cũng không căn cứ vào mức lương cơ sở hay mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng. Vì vậy, dù mức lương tối thiểu theo 4 vùng chênh nhau gần 1,5 lần nhưng mức thu nhập khởi điểm đóng thuế và giảm trừ gia cảnh lại đều bằng nhau. Do đó, trong rất nhiều năm qua và sắp tới đây dù có đưa ra bất kỳ mức giảm trừ cao hay thấp thế nào thì cũng gây tranh cãi và dễ rơi vào tình cảnh “đẽo cày giữa đường”.
Ngoài vấn đề trên, cách tính giảm trừ gia cảnh hợp lý là phải tính giảm trừ kết hợp giữa hai tiêu chí, khấu trừ cố định như cũ và khấu trừ thay đổi đối với một số nhu cầu chi tiêu tối thiểu có tính thiết yếu (có hóa đơn, chứng từ, căn cứ hợp lý, hợp pháp). Hiện tại, bản thân người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 4,4 triệu đồng, nhưng còn rất nhiều khoản tiền khác phải chi không được tính đến, nên dễ biến thành cào bằng. Thí dụ, 2 người có mức thu nhập bằng nhau, trong khi người này không phải chi, còn người kia thì chi phần lớn số tiền cho học hành, bệnh tật, nhà ở,… nhưng lại phải nộp số tiền thuế bằng nhau.
Thêm nữa, Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định, sẽ điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với mốc trước đó. Tuy nhiên, thực tế đã cho thấy, việc điều chỉnh phải làm thủ tục phức tạp và rất chậm trễ, chưa sát với thực tế cuộc sống, gây ra nhiều sự phàn nàn của người nộp thuế.
Thực tế, với những người làm công ăn lương, giá cả chỉ cần biến động 10% đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hằng ngày, vì chủ yếu là chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu, mà hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thường tăng cao hơn so với mặt bằng giá cả chung. Do đó, cần phải tính toán thay đổi, một cách hợp lý hơn, chẳng hạn điều chỉnh ngay khi lạm phát từ 5 – 10% trở lên và tự động điều chỉnh vào ngày nào đó trên cơ sở công bố của Tổng cục Thống kê.
– Về đề xuất giảm số bậc tính thuế TNCN với người làm công ăn lương từ 7 bậc xuống còn 5 bậc của Bộ Tư pháp, Luật sư có thể cho biết quan điểm của mình?
Tôi cho rằng chúng ta phải xác định triết lý của từng đạo luật, từng sắc thuế, từ đó mới đi vào các vấn đề kỹ thuật như là loại thu nhập nào phải chịu thuế, mức giảm trừ gia cảnh, biểu thuế lũy tiến thiết kế ra sao. Nếu đồng thuận về triết lý thì sẽ dễ dàng có tiếng nói thống nhất khi đi giải quyết những nội dung chi tiết.
Bất hợp lý hiện nay ở cả hai phía phải nộp thuế thấp và nộp thuế cao. Phía phải nộp thuế thấp thì nhiều gia đình có cuộc sống rất khó khăn, nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập (dù nhiều khi là không đáng kể). Phía phải nộp thuế cao thì có nhiều gia đình chỉ có mức sống trung bình khá nhưng đã phải chịu thuế suất lũy tiến lên đến mức 20 – 30%. Và bất kỳ ai, dù thu nhập có cao đến đâu mà phải nộp thuế thu nhập cao tới 30 – 35% thì cũng đều thấy khó chấp nhận (ngoại trừ tiền trúng sổ xố).
Cần phải giảm mạnh số người phải nộp mức thuế suất cao nhất để người ta giảm bớt tâm lý phải tìm mọi cách giảm thuế, né thuế, trốn thuế. Mức sống và nhu cầu dạng thiết yếu hiện nay đã khác xa so với mấy chục năm trước, vì vậy thuế suất vài chục phần trăm này chỉ nên dành cho một số ít những những người siêu thu nhập và siêu giầu.
Còn gì bất công hơn, số tiền trợ cấp thất nghiệp ít ỏi, chưa biết tương lai sống bằng gì, cũng bị đánh thuế 10% giống như người trúng số Vietlot cả trăm tỷ như vừa mới xảy ra vừa qua.
– Luật sư có thể đưa ra góp ý trong việc sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân lần này?
Theo tôi, có 3 vấn đề chính về thuế thu nhập cá nhân cần phải thay đổi một cách cơ bản.
Thứ nhất, là mức giảm trừ gia cảnh tối thiểu, dựa trên cái gì khoa học, hợp lý chứ không thể cứ đưa ra một con số nào đó rồi người bảo cao, kẻ bảo thấp? Thứ hai, là những khoản chi tiêu nào thiết yếu, chính đáng, hợp lý cần phải được và thậm chỉ cần phải khuyến khích khấu trừ thêm; Thứ ba, là thuế suất gồm mấy mức, mỗi mức là bao nhiêu và áp dụng cho khoảng thu nhập nào?
Thực chất, hai vấn đề sau quan trọng không kém gì vấn đề đầu, thậm chí có tác động cả về chiều sâu và chiều rộng lớn hơn. Vì mức giảm trừ gia cảnh là cào bằng, nếu đặt thấp thì bị phản ứng mạnh, mà đặt cao thì có nguy cơ thay đổi bản chất của sắc thuế này, biến “thuế thu nhập” thành “thuế thu nhập cao”. Do đó, cần đặt giảm trừ gia cảnh chung vừa phải, nhưng tăng mức khấu trừ thêm, tức là giảm trừ gia cảnh riêng.
Đặc biệt bước nhảy của thuế suất và mức thu nhập bị áp thuế suất cao hơn hiện nay là quá ngắn, chẳng khác gì 30 năm trước, trong khi khả năng quản lý, đặc điểm thu nhập, tiêu dùng và bối cảnh cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn.
Vì vậy, cần phải tính toán lại việc thu thuế thu nhập cá nhân, đồng thời giảm số bậc xuống theo hướng thu nhập và chi tiêu sát thực cho cả người nộp thuế và phụ thuộc.
– Xin cảm ơn Luật sư!
Nguyễn Giang
——————
Diễn đàn Doanh nghiệp (Bình luận) 12-3-2023:
https://diendandoanhnghiep.vn/bat-cap-giam-tru-gia-canh-240168.html
(1.098/1.237) #TNCN #thue