Không nên trì hoãn thêm việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
(DĐDN) – Trong bối cảnh giá cả sinh hoạt leo thang, tạo gánh nặng lớn cho người nộp thuế, nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không nên trì hoãn thêm…
Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành quy định, mức giảm trừ gia cảnh chỉ được xem xét thay đổi khi CPI biến động trên 20% so với lần điều chỉnh gần nhất. Theo đó, đây là việc đảm bảo sự ổn định và tránh thay đổi chính sách liên tục. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách tiếp cận này có thể thiếu nhạy bén, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang trải qua nhiều áp lực, đặc biệt là gánh nặng tài chính đối với người dân.

Mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân lạc hậu đã và đang tạo thêm gánh nặng cho người nộp thuế – Ảnh minh họa: ITN
Theo các chuyên gia, việc căn cứ vào biến động của chỉ số giá tiêu dùng để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là đúng Luật, nhưng chưa phù hợp với thực tế cuộc sống. Bởi, chờ đến khi CPI tăng 20% mới được xem xét là quá lâu, chưa kể mỗi năm vật giá lại thay đổi khiến người nộp thuế phải đối mặt với áp lực lớn hơn do thu nhập tính thuế thực tế tăng lên. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, nhóm dễ chịu tác động nhất bởi sự thay đổi chi phí sinh hoạt.
Thực tế cho thấy, tại thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực vào năm 2009 (thay thế pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2001), khi GDP bình quân đầu người là 1.200 USD (theo số liệu của Tổng cục Thống kê), mức giảm trừ gia cảnh được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.
Đến năm 2024, GDP bình quân đầu người ước khoảng 4.500 USD, tăng 3,75 lần so với năm 2009, trong khi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay chỉ tăng 2,75 lần.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cần được thực hiện ngay, không thể trì hoãn thêm nữa – Ảnh minh họa: ITN
Điều đó cho thấy, sự chênh lệch rất lớn giữa mức tăng GDP bình quân đầu người so với mức tăng giảm trừ gia cảnh, rồi giá cả nhiều mặt hàng tăng rất cao, nhất là bất động sản, nhà ở (là nhu cầu lớn nhất và quan trọng nhất của người lao động).
Chưa kể, mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng, gấp 4,3 lần so với mức lương cơ sở vào năm 2009, cao hơn rất nhiều so với mức tăng giảm trừ gia cảnh (2,75 lần) trong cùng thời gian.
Trước thực tế đã nêu, để giảm gánh nặng cho người nộp thuế, không ít ý kiến cho rằng, không nên trì hoãn thêm việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Theo chuyên gia thuế – Nguyễn Thái Sơn, những bất hợp lý về mức giảm trừ gia cảnh và bậc thuế lũy tiến từng phần quá dày đã được người nộp thuế, chuyên gia kiến nghị từ nhiều năm qua. Mức giảm trừ gia cảnh quá lạc hậu cũng là lý do mà mới đây có tới 16 bộ và địa phương đồng loạt đề nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh lên gấp rưỡi so với hiện nay.
“Như vậy có thể thấy, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh và bậc thuế lũy tiến từng phần là rất cấp thiết, không thể trì hoãn thêm nữa. Điều này không chỉ giảm bớt gánh nặng cho người làm công ăn lương đang phải còng lưng gánh thuế, dù thu nhập không đủ trang trải cuộc sống mà còn giúp kích thích sức mua, giúp kinh tế hồi phục
Nếu không, người dân phải tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” và sức mua giảm, thu thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT cũng sẽ bị ảnh hưởng”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Đồng thời cho rằng, không thể lấy lý do chờ sửa toàn bộ một bộ luật hoàn chỉnh để trì hoãn mà thay vào đó nên có giải pháp để sửa sớm hai bất cập trên trước khi trình thông qua việc sửa đổi hoàn thiện bộ Luật Thuế thu nhập cá nhân nhằm khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu trong bối cảnh hiện nay.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, các quy định pháp luật có tác động trực tiếp đến đời sống của người dân cần được ưu tiên sửa đổi sớm hơn, thay vì kéo dài, gây thêm áp lực tài chính cho người lao động. Khi giá cả tiếp tục leo thang, mức thu nhập thực tế giảm sút, việc chậm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đồng nghĩa với việc hàng triệu người vẫn phải chịu mức thuế không còn hợp lý, ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu và tích lũy.
Vì vậy, giải pháp trước mắt, cần có cơ chế linh hoạt để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh kịp thời, thay vì đợi đến khi luật mới có hiệu lực. Bởi, một chính sách thuế công bằng, bám sát thực tế đời sống không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng cho người dân mà còn góp phần kích thích tiêu dùng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng nhận định, mức giảm trừ gia cảnh hiện tại đã lạc hậu quá lâu so với tốc độ phát triển kinh tế và mức sống thực tế của người dân. Do đó, việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn cho đến khi Luật Thuế thu nhập cá nhân được sửa đổi toàn diện.
Gia Nguyễn
————-
Diễn đàn Doanh nghiệp (Pháp luật) ngày 15-02-2025:
(100/1.060)