3.997. Chuyên gia lo tiền “chạy” khỏi ngân hàng.

Chuyên gia lo tiền “chạy” khỏi ngân hàng.

(DT) – Cần Thơ đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm, chỉ miễn thuế với khoản gửi nhỏ. Chuyên gia cảnh báo tác động đến dòng vốn, thị trường tài chính và tâm lý người dân.

Chuyên gia lo tiền "chạy" khỏi ngân hàng

UBND TP Cần Thơ mới đây vừa đề xuất đơn vị soạn thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) nghiên cứu mở rộng tính thuế đối với lãi tiền tiết kiệm và chỉ miễn thuế với các khoản gửi quy mô nhỏ.

Theo quy định hiện hành, cá nhân có các khoản lãi tiền gửi nhận được từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được miễn thuế. Đây là các khoản tiền gửi dưới các hình thức không hoặc có kỳ hạn, gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các khoản khác theo nguyên tắc hoàn trả đầy đủ gốc, lãi. Chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm… không phải đề xuất mới”

Dưới góc nhìn của TS Ngô Minh Vũ – Giảng viên Khoa Ngân hàng Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), đề xuất này không phải mới. Nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước có thu nhập cao như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã áp dụng. Mức thuế thường được thiết lập tương đương hoặc thấp hơn thuế thu nhập cá nhân.

Thực tế cho thấy, các nước triển khai chính sách này thường có tỷ lệ tiết kiệm trên tổng thu nhập thấp. Điều đó đồng nghĩa với việc tiền gửi không phải là kênh đầu tư chủ chốt hay được người dân đặc biệt quan tâm.

Tại các nền kinh tế tài chính phát triển, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn đa dạng, trong đó, tiền gửi không thuộc nhóm kênh mang lại lợi nhuận cao nhất. Ngược lại, ở Việt Nam, gửi tiết kiệm vẫn đóng vai trò quan trọng và thu hút sự quan tâm lớn từ công chúng, chiếm khoảng 30% GDP.

Đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm đang được nhiều quốc gia áp dụng (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trong dự thảo dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cũng dẫn kinh nghiệm từ một số quốc gia để làm cơ sở tham khảo.

Chẳng hạn, tại Thái Lan, thu nhập chịu thuế được phân thành nhiều loại, trong đó bao gồm cả thu nhập từ cổ tức và lãi tiền gửi ngân hàng. Ở Trung Quốc, Luật Thuế thu nhập cá nhân quy định lãi suất tiền gửi, cổ tức và phân phối lợi nhuận đều thuộc nhóm thu nhập chịu thuế. Tương tự, tại Hàn Quốc, lãi tiền gửi cũng bị tính thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác lại áp dụng chính sách giảm trừ thuế đối với các khoản lãi vay mua nhà trả góp, nhằm hỗ trợ người dân sở hữu nhà ở.

Chính vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân này, Bộ Tài chính đang nghiên cứu việc bổ sung các khoản giảm trừ đặc thù, trong đó có lãi vay mua nhà. Việc điều chỉnh phạm vi miễn giảm thuế cần được xem xét trên nhiều yếu tố, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Nhà nước, thực tiễn trong nước và xu hướng cải cách thuế trên thế giới.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội), từ năm 2017 cũng đưa ra đề nghị đánh thuế vào khoản tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm. Theo ông, đối với người gửi tiết kiệm chỉ có vài chục triệu đồng hay thậm chí lên hàng tỷ đồng vẫn không tính là nhiều.

Tuy nhiên, với những người gửi tiết kiệm lên mức hàng chục tỷ đồng thì đó nên gọi là tiền đầu tư và phải chịu thuế. Nếu cá nhân có tiền lãi gửi tiết kiệm hằng năm lên hơn gấp 2 mức thu nhập chịu thuế quy định hiện hành thì đây là khoản tiền lớn và cần phải chịu thuế thu nhập.

Ông nêu, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân cao hơn 200 triệu đồng thì cần phải xét vào diện chịu thuế. Ví dụ, với mức lãi suất cho vay khoảng 7%/năm, để có số tiền lãi 200 triệu đồng/năm, người cho vay tiền sẽ gửi ngân hàng khoảng 3 tỷ đồng trở lên.

Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm nhận nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh: Mạnh Quân).

Luật sư Đức cũng cho biết hiện có nhiều khoản thu nhập tính thuế riêng, không tính vào thu nhập chung như bán bất động sản, chứng khoán,… Nhưng thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên thì lại phải cộng dồn cả năm để tính thuế, quá phức tạp, không được bao nhiêu.

Trước đó, năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng từng đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng trở lên. Tuy nhiên, đề xuất đánh thuế này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.

Có nên đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm?

Theo ông Ngô Minh Vũ, chính sách này được ban hành thì cần được cân nhắc kỹ lưỡng vì không chỉ tác động đến từng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế. Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân, ông Vũ cho rằng chưa nên áp dụng chính sách thuế này.

Ông nhận định, việc áp thuế thu nhập trên lãi tiền gửi có thể kéo theo nhiều hệ lụy. Trước hết, chi phí tăng khiến người dân dần rời xa kênh gửi tiết kiệm, dẫn đến tỷ lệ tiền gửi ngân hàng sụt giảm.

Dòng tiền nhàn rỗi có thể dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, chứng khoán. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải thúc đẩy phát triển thị trường tài chính đồng bộ, nhằm định hướng dòng vốn vào những kênh đầu tư hợp lý.

Hiện nay, ngân hàng vẫn là nguồn cung vốn chủ yếu cho nền kinh tế, trong đó tiền gửi từ cá nhân chiếm tỷ trọng đáng kể. Nếu dòng vốn này suy giảm, chi phí vay của doanh nghiệp sẽ tăng do ngân hàng buộc phải nâng lãi suất để bù đắp tác động từ chính sách thuế.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, những người chọn kênh đầu tư bằng việc gửi tiết kiệm là những người hướng đến sự đầu tư an toàn, ít rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Với một số nhà đầu tư, kênh gửi tiết kiệm vào ngân hàng được cho là kênh đầu tư an toàn nhất chứ không phải hấp dẫn nhất. Do đó, nếu tiền gửi của người dân phải chịu thuế thu nhập cá nhân thì có nguy cơ dòng tiền này sẽ chạy sang những kênh khác.

Cũng theo ông Thịnh, tiền tiết kiệm người dân tích lũy là từ tiền lương, thu nhập. Mà tiền lương đó đã phải nộp thuế thu nhập cá nhân rồi. Nếu đánh thuế lần nữa với lãi tiền gửi sẽ dẫn đến câu chuyện thuế trùng thuế. Chưa kể, không ít người có tài khoản tiền gửi nhưng vẫn có thể đi vay. Lãi tiền vay thì không bao giờ được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc khoa Tài chính Trường Đại học Nguyễn Trãi – cho rằng, việc mở rộng phạm vi thuế thu nhập cá nhân để áp dụng lên lãi tiền gửi tiết kiệm là một đề xuất đáng lưu ý, tuy nhiên, cần được cân nhắc thấu đáo cả về tác động kinh tế lẫn tâm lý người dân.

Tại Việt Nam, tiền gửi tiết kiệm vẫn là kênh phòng thủ cuối cùng của người dân. Đây là khoản tích lũy sau khi thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế khác, là phương thức bảo vệ tài chính trước những biến động cuộc sống như mất việc, ốm đau, hoặc nghỉ hưu. Đánh thuế vào lãi tiền gửi sẽ làm suy giảm động lực tiết kiệm, đặc biệt với những người có thu nhập trung bình và thấp, vốn phụ thuộc vào nguồn lãi này để duy trì ổn định tài chính.

Nhiều chuyên gia quan ngại dòng tiền sẽ chảy sang kênh đầu tư khác nếu đánh thuế tiền gửi tiết kiệm (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông Huy kiến nghị các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thay đổi chính sách thuế. Việc đánh thuế lãi tiền gửi sẽ ảnh hưởng lớn đến số đông người dân, nên cần tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và người gửi tiền để đánh giá tác động một cách toàn diện.

Các đơn vị cần ưu tiên các biện pháp cải cách thuế bền vững, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng thu thuế cao hơn thay vì tạo thêm gánh nặng lên người gửi tiền, vốn là lực lượng giữ ổn định hệ thống ngân hàng, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Nhật Quang và Thảo Thu

————-

Dân trí (Kinh doanh) 19-02-2025:

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/danh-thue-lai-tien-gui-tiet-kiem-chuyen-gia-lo-tien-chay-khoi-ngan-hang-20250219155547909.htm

(234/1.607)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

439. Bình luận về việc Đổi mới tư duy xây dựng pháp...

Bình luận về việc Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật để thúc đẩy...

Phỏng vấn 

4.441. Giá tiền số Pi Network biến động, sụt...

Giá tiền số Pi Network biến động, sụt giảm mạnh sau khi "lên sàn". (ĐS&PL) - Ngay...

Trích dẫn 

3.999. TS. Lê Xuân Nghĩa - Các chính sách thuế đối với...

TS. Lê Xuân Nghĩa: Các chính sách thuế đối với bất động sản đã ở...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 240,028