(ĐĐK) – Hôm qua 9-7, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) chính thức đi vào hoạt động với kỳ vọng phá băng nợ xấu. Tuy nhiên, các ý kiến mà Đại Đoàn Kết ghi nhận, đều cho thấy VAMC chưa mang lại được nhiều như kỳ vọng.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI
Chỉ tác động vào tâm lý
VAMC hoạt động, thì nghiệp vụ chính là xử lý, mua bán những khoản nợ xấu thực sự. Nhưng dựa trên những điều được quy định ở Nghị định 53, rõ ràng hướng xử lý của công ty là thiên về biện pháp kỹ thuật. Nó chuyển đổi nợ xấu thành nợ tốt, cân đối bảng sổ sách của ngân hàng. Còn cái gốc của xử lý nợ xấu là khai thác, phát mãi tài sản, bán đấu giá lại không làm được.
Theo quan điểm của tôi, VAMC muốn hoạt động đúng nghĩa thì cũng phải cần thời gian, thêm vài tháng nữa.
Còn thông tin ngày đi vào hoạt động chính thức chỉ mang yếu tố hỗ trợ tâm lý mà thôi. Giống như gói kích cầu 30.000 tỷ hỗ trợ lãi suất 6% để cứu bất động sản. Bàn thảo nhiều, chính thức đi vào giải ngân nhưng đã mấy ai vay được vốn đâu.
Nhưng dù sao cũng vẫn hy vọng sẽ làm dần dần, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, vừa nghe ngóng.
Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam:
Khó xử lý ra đầu ra đũa
Theo quan điểm của tôi, VAMC sẽ không thể tác động mạnh vào nợ xấu làm nợ xấu tan nhỏ được. VAMC vốn điều lệ chỉ có 500 tỷ đồng, một món nợ muốn xử lý ra đầu ra đũa cũng phải mất 1 – 2 năm. Quy mô nợ xấu của mình trên 1000 tỷ đồng. Thế thì quá trình xử lý nợ xấu của VAMC chắc chắn lâu. Chưa kể đến chuyện, nhân sự, yếu tố con người của VAMC cũng chưa hoàn thiện. Các nước khác, muốn xử lý nợ xấu mất đều căn cứ, đánh giá có thực tế, có kinh nghiệm. Còn Việt Nam, chính xác con số nợ xấu ra sao vẫn trong vòng “tù mù”.
TS. Vũ Đình Ánh:
Không phải một mình VAMC xử lý tất cả
VAMC là công cụ khá phổ biến trên thế giới để giúp cho việc xử lý nợ xấu khi mà nợ xấu lên đến một quy mô nhất định. Hầu hết các khoản nợ xấu của Việt Nam lại đều có tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo. Do đó, tôi cho rằng VAMC hoạt động sẽ mang lại hiệu quả khả quan.
Tuy nhiên, có thể nhấn mạnh rằng VAMC chỉ là một trong những công cụ để xử lý nợ xấu chứ không phải một mình VAMC xử lý tất cả. Năng lực, khả năng có thể xử lý nợ xấu thông qua VAMC ở mức độ nào, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức triển khai cụ thể. Bởi mỗi khoản nợ xấu có tính chất riêng kể cả về chủ nợ, con nợ và cả nguyên nhân gây ra nợ xấu.
Có thể nói rằng, VAMC trước mắt chỉ là tạo ra một thị trường mua bán nợ sơ cấp. Vậy thị trường mua bán nợ thứ cấp sẽ như thế nào? Vai trò của VAMC ở thị trường này đến đâu và ai sẽ tham gia thị trường mua bán nợ thứ cấp đó kể cả vấn đề các DN nào, các tổ chức tài chính nào và sự tham gia của phía nước ngoài, của các nhà đầu tư tài chính lẫn tài sản nước ngoài sẽ như thế nào?
Xét về quy mô, thì hiện nay nợ xấu đang ở khoảng trên 100 nghìn tỷ. VAMC sẽ bắt tay xử lý được một phần trong số nợ xấu đó. Và nếu chúng ta kỳ vọng xử lý nợ xấu đến cùng, tôi cho rằng thời gian ít nhất sẽ mất từ 5-7 năm như thông lệ quốc tế.
Hồ Hương (thực hiện)
——————–
Đại đoàn kết (Mục Kinh tế) 10-7-2013
http://daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1372&chitiet=66690&Style=1
(204/733)