302. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Lúng túng với Luật!

(TBKD) – Ngày 1/7/2011, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) chính thức có hiệu lực. Sau hơn 1 năm triển khai đã cho thấy vẫn còn rất nhiều vướng mắc khi đi vào cuộc sống. Cả NTD và doanh nghiệp (DN) đều lúng túng khi gặp phải các sự vụ dính líu đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.

Sau hơn 1 năm, mặc dù hệ thống văn bản hướng dẫn Luật tương đối đủ, nhưng việc bảo vệ NTD trên thực tế vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Phương Nam – Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), cho biết các vụ việc vi phạm quyền lợi NTD không những không giảm, mà còn có xu hướng gia tăng hơn so với thời điểm trước khi có Luật.
Cụ thể, đã có gần 600 vụ việc khiếu nại đến Sở Công Thương các tỉnh, gần 2.000 vụ khiếu nại gửi đến Hội BVQLNTD địa phương. Cục Quản lý cạnh tranh cũng đã nhận được hơn 60 vụ khiếu nại. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý bằng thu hồi và xử phạt 10 trường hợp hàng hóa của DN có khuyết tật với số lượng khoảng 15.000 sản phẩm.

Chưa mang lại hiệu quả cao

Theo ông Nam, thực tế có những bất cập từ hoạt động của các Sở Công Thương. Theo quy định tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định số 02/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 80 hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu. Nhưng ông Bùi Gia Tuấn – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, lại cho biết địa phương này có 9 loại hàng hóa dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu; điều kiện giao dịch chung có 7 loại hàng hóa dịch vụ, nhưng đến nay mới chỉ có 1 DN đăng ký hợp đồng theo mẫu, còn hầu hết vẫn thờ ơ.

Đối với việc hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ NTD còn khó khăn và phức tạp hơn. Điển hình như tại Chương 2 của Luật quy định về việc các tổ chức bảo vệ NTD được giao thực hiện một số nhiệm vụ gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và được hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước. Nghị định 99/2011/NĐ-CP cũng đã quy định rõ những loại việc, thẩm quyền mà cơ quan quản lý nhà nước về BVQLNTD có thể giao cho các tổ chức xã hội thực hiện.

Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư số 01/2011/TT-BTC quy định về việc hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách Nhà nước cho hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao; việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của hội; quản lý việc tiếp nhận, sử dụng các nguồn tài trợ… Tuy nhiên, đến nay việc triển khai quy định nói trên còn “bế tắc”. Thậm chí tại một số hội, các hội viên phải tự bỏ tiền túi của mình ra để duy trì hoạt động.

Phù hợp quy luật thị trường

Một thực tế hiện cũng đặt ra là việc giao chức năng quản lý nhà nước về BVQLNTD ở mỗi địa phương, mỗi cơ quan chức năng lại khác nhau: Ở Hải Dương giao cho Chi cục Quản lý Thị trường; nhưng ở Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Đà Nẵng, Bắc Giang, Phú Thọ, Nghệ An… lại giao cho Phòng Quản lý thương mại; ở Hà Nội là Phòng Kinh tế đối ngoại; ở Cà Mau là Phòng Pháp chế. Chính sự lộn xộn đó đã dẫn đến việc quản lý nhà nước về bảo vệ NTD chưa triển khai đồng bộ, thường xuyên và nghiêm túc. Có khi, NTD không biết nên đến địa chỉ nào để nêu ra các khiếu nại, bức xúc của mình. Ở một khía cạnh khác, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho rằng gần đây nổi lên tình trạng người rút tiền tại các cây ATM bức xúc vì bị ngân hàng thu phí và coi các ngân hàng là “kẻ móc túi”, rồi khiếu nại tới ngân hàng. Thế nhưng, mấy NTD nào hiểu được để triển khai các cây ATM tiện ích, phát hành được thẻ, bảo trì bảo dưỡng, xe chở tiền, kho két… thì ngân hàng phải bỏ ra tiền tỷ…

Trước những phản ứng của người dùng thẻ ATM, cơ quan chức năng đã yêu cầu các ngân hàng ngừng triển khai thu phí rút tiền tại ATM. Luật sư Đức cho rằng pháp luật bảo vệ NTD sử dụng dịch vụ ATM tuyệt đối không nên quy định theo cách phải được cơ quan nhà nước cho phép, hay tệ hơn là ấn định mức phí.

Cũng không nên bắt buộc ngân hàng chỉ được thu phí, tăng phí khi đã thỏa thuận tay đôi, cụ thể, rõ ràng, chi tiết với từng khách hàng. Dù phải bảo vệ NTD, nhưng nếu bảo vệ theo cách đó là phi quy luật thị trường, phi kinh tế, không mang lại hiệu quả tốt cho các bên.

Việt Nguyễn

—————

Thời báo Kinh doanh 19-7-2012

http://vnbusiness.vn/index.php?q=articles/b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-quy%E1%BB%81n-l%E1%BB%A3i-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ti%C3%AAu-d%C3%B9ng-l%C3%BAng-t%C3%BAng-v%E1%BB%9Bi-lu%E1%BA%ADt

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,673