Khó quản toan cấm
(ANVI) – Làm ăn quan hệ nhà nghề, không giàu thì phải đẹp giai, không thông kinh sử phải tài đi vay. Nhưng có vay mà không trả là bội ước, cho vay mà không đòi được nợ là nỗi kinh sợ mất tiền.
Văn minh kinh tế thị trường rất đề cao bảo vệ quyền chủ nợ, trong đó có việc khuyến khích phát triển dịch vụ đòi nợ thuê như là một nhu cầu hết sức bình thường, thậm chí là không thể thiếu trong cái thời buổi thừa mứa lừa đảo, gian dối, lật lọng, chây ỳ, lỳ lợm.
Vì là lĩnh vực kinh doanh liên quan đến an ninh trật tự xã hội, nên Nghị định số 104/2007/NĐ-CP về “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” đã quy định rõ: Cấm thực hiện các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của con nợ và người khác.
Nghị định cũng đã có thừa lịch sự bằng việc gọi “con nợ” là “khách nợ”, đã vẽ với đòi hỏi vốn pháp định 2 tỷ chẳng biết để làm trò gì, rồi bắt mọi thành viên Hội đồng quản trị, hội đồng thành viên cũng như giám đốc doanh nghiệp cho đến chi nhánh phải có bằng đại học đại học trở lên (chưa thấy nơi nào đào tạo cử nhân đòi nợ).
Trong xu thế cắt giảm tối đa điều kiện kinh doanh, thì cơ quan chức năng lại đang có ý đồ tăng thêm một số điều kiện hoạt động đòi nợ.
Kỳ cục nhất là ông Sài Gòn, đầu tầu thị trường, mà còn mang nặng tư duy khó quản nên quan muốn cấm dịch vụ đòi nợ[1].
Ngày 15-5-2019
[1] Luật Đầu tư 2020 đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.