(CAND) – Người tiêu dùng chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến lơ là, thờ ơ trong việc tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng là nguyên nhân chính khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái vẫn còn tràn lan.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, một năm sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đi vào cuộc sống, công tác bảo vệ người tiêu dùng (NTD) vẫn còn nhiều hạn chế, số vụ việc vi phạm không những không giảm, mà còn có xu hướng ngày càng gia tăng. Đáng chú ý là trong khi nhận thức và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN) và các tổ chức bảo vệ NTD không ngừng được cải thiện, thì bản thân NTD vẫn chưa thực sự hiểu quyền và nghĩa vụ của mình, hoặc đã hiểu, nhưng lại ngại ngùng trong việc tự bảo vệ những quyền lợi mà mình được hưởng.
Vi phạm quyền lợi NTD chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Tại Hội thảo “Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Công thương phối hợp tổ chức vào ngày 18/7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Phương Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết:
Theo số liệu báo cáo, năm 2011, có hơn 550 vụ khiếu nại gửi đến các Sở Công thương và tỷ lệ giải quyết thành công là 90.2%, gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội BVNTD các địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý cạnh tranh.
Qua 1 năm thực hiện, nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD đặt ra nhiều vấn đề mới. NTD luôn có vị trí yếu thế so với DN và vụ việc vi phạm quyền lợi NTD thường là những vụ việc đơn giản, tình tiết rõ ràng. Tuy nhiên, việc quy định thủ tục đơn giản không cụ thể trong luật và đến thời điểm này, Tòa án nhân dân Tối cao cũng chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về vấn đề này. Vì vậy, quy định này chưa được triển khai trên thực tế.
Bên cạnh đó, việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD ở nhiều địa phương vẫn còn lúng túng. Các hoạt động mới tập trung chủ yếu vào việc tổ chức hội nghị, hội thảo mà chưa có những hoạt động thiết thực, cụ thể.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhấn mạnh:
Mặc dù Luật BVQLNTD đã được thực thi một năm nay, song số vụ việc vi phạm quyền lợi NTD vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, đáng chú ý là việc một số tổ chức, cá nhân đã sử dụng dữ liệu về thông tin cá nhân của khách hàng để rao bán, tiếp thị; Cơ quan chức năng liên tục bắt được nhiều xe chở thịt lợn, gà, thủy sản, trâu bò kém chất lượng, thậm chí thối rữa để làm thức ăn, ruốc bông; Số vụ ngộ độc thực phẩm khi ăn thức ăn tại các nhà hàng, nhà cung cấp thức ăn công nghiệp ngày càng gia tăng…
Tuy nhiên, kết quả xử lý các vụ việc vi phạm trên đều chưa được xác đáng, nên chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm, làm suy giảm lòng tin của NTD đối với tính nghiêm minh của pháp luật.
Người tiêu dùng vẫn còn thờ ơ với quyền lợi của mình
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, trong thời gian qua, ý thức và trách nhiệm bảo vệ NTD của cộng đồng DN đã không ngừng được cải thiện và nâng cao. Ngoại trừ một số ít DN vẫn còn tư tưởng coi dịch vụ hậu mãi như một sự ban ơn, chứ không phải trách nhiệm của mình, thì đại bộ phận DN còn lại đều đã có những động thái tích cực nhằm bảo vệ quyền lợi NTD.
Đơn cử như việc các DN chủ động thu hồi sản phẩm khuyết tật trên thị trường, lập đường dây nóng tư vấn cho NTD dùng sản phẩm, hoặc đổi các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, tổ chức các cuộc triển lãm sản phẩm giúp NTD phân biệt được hàng thật và hàng nhái; hỗ trợ NTD có cơ hội được mua hàng thật với giá ưu đãi.
Tuy nhiên, do công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ NTD chưa sâu rộng, nên bản thân NTD chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến lơi là, hoặc thờ ơ trong việc tự bảo vệ những quyền lợi chính đáng mà lẽ ra mình được hưởng.
Cụ thể, để giúp NTD tránh được tình trạng các cây xăng bán xăng kém chất lượng, hoặc đong gian cho khách hàng, một số DN kinh doanh xăng dầu có uy tín trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh đã áp dụng hình thức mới là in hóa đơn bán hàng cho mỗi lần đổ xăng của khách hàng, trong đó có đầy đủ các thông số như số lượng, giá cả, thời gian… Tuy nhiên, thay vì giữ hóa đơn mua hàng này để làm cơ sở để có thể tự bảo vệ mình trong những trường hợp cần thiết, thì đại bộ phận khách hàng đều vứt hóa đơn ngay trước cửa hàng bán xăng.
Trước thực tế đó, ông Hùng đề xuất: Bên cạnh việc xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm, thì cũng cần phải tăng cường tuyên truyền cho NTD hiểu được những quyền lợi cơ bản mà họ được hưởng.
Cần xây dựng một đạo luật riêng bảo vệ NTD trong các giao dịch tài chính, ngân hàng
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, thì Luật Bảo vệ quyền lợi NTD gần như chưa động được vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, do có quá nhiều yếu tố đặc thù. Vì vậy, cần thiết phải xem xét xây dựng một đạo luật riêng bảo vệ quyền lợi của NTD trong các dịch vụ tài chính, ngân hàng như dịch vụ thẻ ATM. Theo đề xuất của ông Đức, các NHTM nên có sự phân biệt đối xử trong việc thu phí ATM, nhất là phí rút tiền nội mạng.
Một trong những giải pháp rất cần xem xét, đó là phân loại giao dịch: Từ chỗ không thu phí, thì nên bắt đầu thu từ từ, ở mức thấp và thu đối với một số trường hợp. Chẳng hạn, rút từ 1 triệu đồng trở lên, thì thu một vài nghìn đồng. Rút dưới 1 triệu đồng, thì miễn phí. Người đã rút tiền triệu, thì không bao giờ đắn đo với mức phí một vài ngàn.
Còn những đối tượng có thu nhập thấp như hưu trí, sinh viên, người nghèo… hoặc kể cả người có nhiều tiền, nhưng rút ít để lách phí, thì cần ưu đãi với sự khó khăn thật sự hoặc châm chước với cách tính toán chi ly của họ. Có như thế, việc bảo vệ quyền lợi của NTD mới được thực hiện mà không gây thiệt hại cho ngân hàng
PV
Huyền Thanh
—————
Công an Nhân dân 20-7-2012:
http://www.cand.com.vn/vi-VN/kinhte/2012/7/176618.cand