Rủi ro pháp lý khi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
(QĐND) – Ngoài những lỗi cố ý sai trái trong việc phát hành và sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nói chung của các bên thì bên mua hàng hóa, dịch vụ tiếp nhận sử dụng hóa đơn còn nhiều khả năng chịu rủi ro pháp lý do các yếu tố vô ý, bị động và rất khó kiểm soát.
Sai trái của bên bán
Việc lập và sử dụng hóa đơn GTGT mua bán hàng hóa, dịch vụ là vấn đề vô cùng quan trọng, nhưng chưa được quy định cụ thể bằng luật mà mới chỉ được quy định bằng nghị định. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, đã có tới 6 nghị định về việc này và hiện nay là Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ.
Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, dịch vụ nói chung, doanh nghiệp nói riêng lập hóa đơn GTGT phải tuân thủ và chịu trách nhiệm với nhiều quy định của pháp luật, như: Luật Quản lý thuế năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, các thông tư: 219/2013/TT-BTC, 96/2015/TT-BTC và 78/2021/TT-BTC.
Doanh nghiệp lập và phát hành hóa đơn (bên bán hàng hóa, dịch vụ) thì đương nhiên phải biết và phải chịu trách nhiệm về việc xuất hóa đơn không bảo đảm tính hợp pháp, hợp lệ. Hóa đơn bất hợp pháp, như do lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả thì sẽ không được chấp nhận để hạch toán chi phí, thu nhập và nộp thuế hay khấu trừ thuế. Ngoài ra, nếu vi phạm ở mức độ nhẹ thì sẽ bị xử phạt hành chính, nếu vi phạm ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý hình sự.
Đặc biệt, việc không lập hóa đơn cũng là hành vi bất hợp pháp. Trước đây, Thông tư số 39/2014/TT-BTC từng quy định, khi bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá trị thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không bắt buộc phải lập hóa đơn. Tuy nhiên, thông tư này đã hết hiệu lực từ ngày 1-7-2022. Thông tư số 78/2021/TT-BTC thay thế không loại trừ trường hợp nào bán hàng hóa, dịch vụ không phải lập hóa đơn.
Điều đó có nghĩa, mọi trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ đều phải lập hóa đơn mà không phân biệt giá trị từng lần bán. Hay nói cách khác, trong mọi trường hợp, việc bán hàng mà không xuất hóa đơn đều là bất hợp pháp. Thậm chí, pháp luật còn quy định phải lập hóa đơn trong cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ; xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong một năm qua, khi mua hàng hóa, dịch vụ từ một vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài triệu đồng, tôi hay hỏi người bán hàng rằng có hóa đơn không thì thường xuyên nhận được câu trả lời là không có bất kỳ loại hóa đơn nào. Nếu muốn có hóa đơn thì phải trả thêm 10% giá bán, tức là người mua không đòi thì người bán không nộp thuế GTGT đối với trường hợp đó.
Rủi ro của bên mua
Các tổ chức, cá nhân nói chung, doanh nghiệp nói riêng khi mua hàng hóa, dịch vụ, đồng thời tiếp nhận và sử dụng hóa đơn cũng phải tuân thủ các quy định và chịu trách nhiệm pháp lý tương tự như doanh nghiệp lập hóa đơn nêu trên. Tuy nhiên, cái khó của doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng hóa đơn là rất khó tránh khỏi rủi ro pháp lý khi vô tình tiếp nhận phải hóa đơn bất hợp pháp, kể cả trường hợp đã cẩn thận kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn trên trang “Tra cứu thông tin hóa đơn” của Tổng cục Thuế tại địa chỉ https://tracuuhoadon.gdt.gov.vn/main.html, nếu như vì bất kỳ lý do nào đó mà thông tin rủi ro pháp lý chưa được cập nhật trên trang web này.
Khoản 9, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ” tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 41/2022/NĐ-CP ngày 20-6-2022) quy định về 7 trường hợp “sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp” và 8 trường hợp “sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ”. Cùng bản chất là sự bất hợp pháp liên quan đến hóa đơn, nhưng chỉ riêng việc phân biệt thế nào giữa hai dạng “sử dụng hóa đơn không hợp pháp” và “sử dụng không hợp pháp hóa đơn” theo quy định của pháp luật cũng không hề đơn giản.
Nếu như doanh nghiệp cố tình sai phạm trong việc lập và sử dụng các hóa đơn giả; hóa đơn khống (hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh; hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hay sử dụng hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa… thì rõ ràng phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Trong rất nhiều trường hợp, quá khó để xác định rằng việc sử dụng hóa đơn nhận được khi mua hàng hóa, dịch vụ là “không hợp pháp”. Chẳng hạn như trường hợp ngày lập trên hóa đơn là ngày đã bị “cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký” thì trong nhiều trường hợp, người mua hàng hóa, dịch vụ không thể biết, nhất là ngay tại thời điểm tiếp nhận hóa đơn.
Hay vào thời điểm giao dịch mua bán và giao nhận hóa đơn thì doanh nghiệp bán hàng hóa, dịch vụ đang hoạt động hoàn toàn bình thường, mọi yếu tố của hóa đơn đều là hợp pháp tại thời điểm lập hóa đơn, nhưng sau đó lại bị “cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp” thì lại lập tức thuộc trường hợp “sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp” hoặc là “sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ”. Trong những trường hợp như vậy thì doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ và tiếp nhận sử dụng hóa đơn không có lỗi, không thể tiên đoán được sự việc vẫn phải chịu trách nhiệm với rủi ro pháp lý của người khác.
Chính vì vậy, Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16-5-2023 của Tổng cục Thuế về việc “Rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp”, trong đó yêu cầu các cục thuế tập trung vào việc rà soát những hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp trong 3 năm 2020-2022 và việc sử dụng các hóa đơn này đã gây ra rủi ro pháp lý cho nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có cả những trường hợp không hề vi phạm pháp luật.
Hậu quả pháp lý
Hướng dẫn của Công văn số 1798/TCT-TTKT đã gây khó dễ cho các doanh nghiệp là “nạn nhân” liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp, có thể không sai với quy định cụ thể của pháp luật, nhưng lại chưa phù hợp với nguyên tắc của luật. Cụ thể, một trong những “nguyên tắc quản lý thuế” đã được quy định tại khoản 4, Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019 như sau: “Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam”.
Đồng thời chính luật này cũng đã giải thích: “Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó”.
Theo nguyên lý cơ bản thì nạn nhân của việc vi phạm pháp luật thuế hay hóa đơn, chứng từ cũng cần được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tương tự như nạn nhân (bị hại) của tội phạm. Do đó, cần phải có những quy định dưới luật và hướng dẫn xử lý đúng với bản chất của sự việc nhằm phòng, chống, xử lý các vi phạm, gian lận về thuế và hóa đơn, chứng từ, nhưng đồng thời phải bảo vệ được doanh nghiệp không có lỗi và không cố tình vi phạm pháp luật.
(*) Ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tư vấn và phản biện chính sách Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam; Giám đốc Công ty Luật ANVI.
———————
Quân đội Nhân dân (Kinh tế) 01-8-2023:
https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/rui-ro-phap-ly-khi-su-dung-hoa-don-bat-hop-phap-736924
(1.623.1.688) #VAT #GTGT
—————–
Bài gửi đi đặt tiêu đề là “Nạn nhân” sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cần được bảo vệ. Bị sửa lại thành trái ngược.