306. Không thể đặt hết kỳ vọng vào VAMC

(DĐDN) – Cơ cấu nhân sự cao cấp của Cty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) vừa được Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố đúng một tuần sau khi Nghị định 53/2013/NĐ-CP về việc thành lập VAMC có hiệu lực. Tuy nhiên, với dự thảo “Thông tư Quy định về việc mua, bán, xử lý nợ xấu của Cty Quản lý tài sản của các TCTD VN” (VAMC) đang được đưa ra lấy ý kiến, các NHTM cũng như DN không khỏi hồ nghi về hiệu quả hoạt động của VAMC…

Bán nợ xấu có nhận về kết quả tốt?

Việc VAMC được quyền điều chỉnh lãi suất các khoản nợ đã mua chính là một trong những cơ chế đặc thù đã được quy định trong Nghị định số 53/2013/NĐ-CP. Nhìn chung, đối với những khoản nợ đã buộc phải bán cho VAMC, thì việc thu hồi nợ gốc cũng đã là khó khăn, nên việc miễn giảm lãi không thật sự còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp khoản nợ có tài sản bảo đảm tốt (theo như yêu cầu tại Nghị định và Dự thảo Thông tư), khi xử lý xong thì có khả năng trả hết nợ gốc và lãi. Nếu trong trường hợp đó, mà VAMC cũng cứ miễn giảm lãi, thì sẽ gây thiệt hại không đáng có cho các TCTD bán nợ. Ngược lại, sẽ không có việc điều chỉnh tăng lãi suất, vì như vậy sẽ trái với quy định của pháp luật cũng như thoả thuận trong hợp đồng tín dụng.Việc mua bán nợ bắt buộc lần đầu tiên được triển khai, vì vậy, không nên mở quá rộng, mà chỉ nên làm từ từ, đối với các tổ chức có nợ xấu cao. Nợ xấu quanh mức 3% đối với VN là tương đối bình thường, do vậy trước mắt không nên đặt vấn đề bắt buộc mua bán từ mức này. Nếu sau này việc xử lý nợ xấu theo cơ chế này thực sự có hiệu quả, thì mở rộng cũng không muộn. Thậm chí, có đặt ra yêu cầu mua bán bắt buộc từ mức 3% trở lên thì cũng gần như không thể làm được, ít nhất là trong 1 năm tới.

Việc mua bán nợ xấu mang lại lợi ích của VAMC (được hưởng mức phí 2%), mang lại lợi ích cho DN nợ nần, nhưng quan trọng nhất phải là bảo đảm lợi ích của hệ thống TCTD, vốn đã chịu hậu quả nặng nề nhất từ tình trạng nợ xấu. Vì vậy, việc miễn giảm lãi cần kèm theo các điều kiện nhất định về giá trị tài sản bảo đảm và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của con nợ là DN. 

Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI

Cty đặc thù phải có cơ chế đặc thù

Ngoài hệ thống pháp lý đã và sẽ được thiết lập, khả năng xử lý nợ xấu của VAMC phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, bộ máy tổ chức, nhân sự, các khoản nợ cụ thể… Rộng hơn, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ đi kèm, trước hết là phải ổn định kinh tế vĩ mô.Trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến VAMC trong đó có cả mô hình tổ chức, cách thức hoạt động. Điều đó chứng tỏ sự kỳ vọng của mọi người vào hiệu quả hoạt động của Cty này trong việc xử lý nợ xấu, giúp khơi thông tín dụng và đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng.

Không ít ý kiến đã chỉ ra những quy định khó khả thi của VAMC trong quá trình thu mua nợ xấu nhưng tôi cho rằng VAMC là Cty đặc thù nên cần phải có cơ chế đặc thù thì mới có thể thực hiện được các mục tiêu ban đầu đề ra.

Chẳng hạn, về tỉ lệ nợ xấu bắt buộc phải bán nợ theo yêu cầu NHNN (Điều 13. khoản 1), theo các TCTD với điểm mở của Nghị định 53, đề nghị xem xét điều chỉnh “TCTD có tỉ lệ nợ xấu từ 5% so với tổng dư nợ trở lên phải bán cho VAMC” – Tôi cho rằng quy định này là cần thiết. Bởi từ thực tế hoạt động của DATC cho thấy việc tiếp cận với các khoản nợ xấu của các ngân hàng rất khó khăn, có những khoản nợ xấu hơn chục năm nhưng các ngân hàng vẫn “treo” không xử lý. Thậm chí cần phải có những quy định cụ thể về thời gian buộc các ngân hàng phải xử lý các khoản nợ xấu.

Vì đây là một mô hình mới nên không thể  không có những bật cập, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Bên cạnh đó cũng cần phải lưu ý tới cơ chế giám sát bởi với những cơ chế đặc thù rất dễ phát sinh tình trạng lợi ích nhóm.

VAMC không phải là “cây đũa thần”

Để đảm bảo tính hiệu quả của VAMC cần phải có quy định bắt buộc các ngân hàng phải bán lại nợ xấu thay vì chỉ coi VAMC như là một lựa chọn. Bên cạnh đó, VAMC cần phải có quyền hạn pháp lý đặc biệt để giải quyết nợ xấu, như được phép tịch thu tài sản thế chấp một cách nhanh chóng và có báo trước và quá trình tái cấu trúc phải giúp cải thiện trình độ quản trị và quản lý rủi ro của các ngân hàng nhằm tránh lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Nếu Chính phủ có thể thực hiện được những điều này, nó sẽ giúp ngành ngân hàng vượt qua được nhiều thách thức.

Tuy nhiên, VAMC không phải một “cây đũa thần” để giải quyết nợ xấu. Nó cần phải được đặt trong một bức tranh kinh tế tổng thể. Tôi cho rằng giải quyết vấn đề của các ngân hàng và các DN Nhà nước yếu kém, giúp đỡ các DN đang gặp khó khăn, hỗ trợ nền kinh tế, sưởi ấm thị trường bất động sản và quản lý nguồn cung tiền nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô sẽ là những giải pháp quan trọng để vực dậy nền kinh tế cũng như lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, cần phải có một cải cách toàn diện giúp thay đổi cách thức cho vay của các ngân hàng. Nếu các cách thức cho vay đó không được thay đổi, chúng ta có thể sẽ lại gặp phải các vấn đề như hiện tại, cũng như phải đối mặt với sự tuột dốc như trong vòng 3 năm qua.

Có thể nói, việc thành lập VAMC là một bước đi quan trọng của VN nhằm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Mặc dù đó không thể là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề nợ xấu của VN nhưng nó đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư. VAMC cần phải có được niềm tin của mọi người thông qua những thành công – điều đó cần phải có thời gian.

Chỉ mua nợ có tài sản bảo đảm

Hai phương án mua nợ mà chúng tôi sẽ  triển khai. Đó là, VAMC sẽ mua nợ xấu của ngân hàng: Mua nợ của các TCTD theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt hoặc mua nợ xấu theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt. Việc mua theo giá trị sổ sách, khoản nợ đó là nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó. TCTD phải bán nợ phải cung cấp cho VAMC thông tin, tài liệu về số dư nợ gốc và toàn bộ số lãi phải trả khách hàng vay chưa thanh toán.Trường hợp mua nợ xấu theo giá trị thị trường, VAMC sẽ đánh giá các khoản nợ xấu này trên cơ sở khả năng thu hồi vốn và tài sản đảm bảo của nợ xấu. Khi cần thiết, VAMC sẽ thuê tổ chức tư vấn định giá lại khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo.Nghị định 53  nêu rõ các  ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) có tỉ lệ nợ xấu trên 3% sẽ được yêu cầu bán nợ xấu cho VAMC. Ngay bản giải trình Chính phủ, NHNN chúng tôi đã dự kiến khi đi vào hoạt động VAMC sẽ xử lý được khoảng 80.000 – 100.000 tỉ đồng nợ xấu với tỉ lệ thu hồi dự kiến là 20 – 40%. Theo đó, với quy định tỉ lệ Cty được hưởng là 2%, tương ứng với mức thu là 320 – 800 tỉ đồng. Với thời gian xử lý dự kiến là 5 năm thì mức thu hàng năm của VAMC  vào  khoảng 60 – 160 tỉ đồng..

Phương án thứ 2 là có thể VAMC trực tiếp xử lý hoặc ủy quyền cho TCTD. Qua đó, VAMC sẽ mua nợ xấu của các TCTD, thu hồi, đòi nợ và xử lý, bán nợ, bán các tài sản đảm bảo; cơ cấu lại các khoản nợ, chuyển thành góp vốn, góp cổ phần với khách hàng vay….

Việc mua bán nợ xấu mang lại lợi ích của VAMC quan trọng nhất phải là bảo đảm lợi ích của hệ thống TCTD, vốn đã chịu hậu quả nặng nề nhất từ tình trạng nợ xấu.

 

P.Nam, T.Anh B.Tú, H.Phương ghi

(416/1.843)


Diễn đàn Doanh nghiệp (mục Doanh nghiệp) 23-7-2013:

http://dddn.com.vn/20130723034331195cat44/khong-the-dat-het-ky-vong-vao-vamc.htm

Bài viết 

308. Mất tiền từ séc giả, trách nhiệm thuộc...

(VNB) - Khi sự việc xảy ra, cần xác định ai là người có lỗi, lý do, nguyên...

Bình luận 

427. Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến...

(VTV3) Bình luận về Luật siêu dễ: Hồi hộp đến phút cuối với chủ đề...

Phỏng vấn 

4.362. Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến...

Xôn xao "nghi án" trang cờ bạc trực tuyến quảng cáo trá hình thông qua...

Trích dẫn 

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ...

3.862. Loại hình nào đang là 'thỏi nam châm' sẽ 'hút cạn' dòng tiền của...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 224,446