306. Luật cần áp đặt việc cho rút bảo hiểm xã hội

Luật cần áp đặt việc cho rút bảo hiểm xã hội

(KTSG) – Bảo hiểm xã hội là một chính sách rất lớn, quan trọng nhất về an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi trực tiếp cho hàng chục triệu người lao động và quyền lợi gián tiếp cho gần như toàn dân. Vì vậy, việc bắt đóng hay cho rút tiền bảo hiểm xã hội thì cũng đều phải vì mục tiêu cao nhất là an sinh xã hội, vì quyền lợi của số đông người lao động, bảo đảm lợi ích và mục tiêu chung.

cho rút bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội – An sinh thiết yếu

Tôi vô cùng thất vọng với Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội trình Quốc hội thảo luận tháng 11-2023 đưa ra 2 phương án đều cho rút bảo hiểm xã hội một lần (hưởng bảo hiểm xã hội một lần) đối với đại trà hàng triệu người lao động.

Bảo hiểm xã hội là một chính sách rất lớn, quan trọng nhất về an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi trực tiếp cho hàng chục triệu người lao động và quyền lợi gián tiếp cho gần như toàn dân. Vì vậy, việc bắt đóng hay cho rút tiền bảo hiểm xã hội thì cũng đều phải vì mục tiêu cao nhất là an sinh xã hội, vì quyền lợi của số đông người lao động, bảo đảm lợi ích và mục tiêu chung.

Câu chuyện bảo hiểm phải bảo đảm ổn định an toàn ít nhất vài chục năm, chứ không phải chuyện của tư duy nhiệm kỳ thiếu ổn định như thời gian qua.

Cho hưởng sớm chế độ bảo hiểm một lần, bản chất không phải là cho hưởng, mà là cho rút số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội, dẫn tới giảm số người được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội nói chung, chế độ hưu trí nói riêng. Như vậy thì chẳng khác nào đi ngược lại bản chất của bảo hiểm xã hội.

Đóng nhiều hưởng nhiều – Một nửa sự thật.

Bảo hiểm xã hội, trước hết cũng có tính chất đặc thù của bảo hiểm, đó là dựa vào số đông tham gia để giảm thiểu rủi ro cho mình và bù trừ rủi ro cho nhau. Vì vậy, bên cạnh những người đóng nhiều, hưởng nhiều thì cũng có những người đóng nhiều hưởng ít và ngược lại.

Đóng nhiều thì đúng là được hưởng mức và tỷ lệ chi trả nhiều hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cứ đóng nhiều là được hưởng nhiều tiền và ngược lại đóng ít thì chỉ được hưởng ít quyền lợi. Chẳng hạn, cùng đóng số tiền bằng nhau, nhưng có người được hưởng rất ít thời gian, thậm chí chưa hưởng thì đã chết, có người được hưởng 5 – 10 năm và có người hưởng tới 40 – 50 năm, tức được hưởng số tiền khác nhau hàng trăm lần. Chưa kể ngay cả chết là hết hưởng, nhưng lại vẫn có những trường hợp bố mẹ, vợ con người chết tiếp tục được hưởng tiền tuất nhiều năm sau.

Và quan trọng là, quyền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội lại càng không đồng nhất với quyền hưởng hay “đòi lại” số tiền đã đóng.

Quyền lợi chính đáng – Đánh tráo khái niệm.

Nhiều người lý luận rằng: Nếu gặp khó khăn thì phải lại cho người ta hưởng quyền lợi chính đáng của họ. Tuy nhiên, rút lại số tiền đã đóng không phải là quyền lợi ích chính đáng của chung cũng như của riêng người tham gia bảo hiểm xã hội.

Quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội là được hưởng 5 chế độ: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; và tử tuất (mở rộng hơn thì còn có thể kể đến cả trợ cấp thất nghiệp), chứ không phải là quyền rút lại toàn bộ hay một phần số tiền đã đóng. Duy trì số tiền mà người tham gia bảo hiểm đã nộp, không chỉ để vì an sinh xã hội nói chung, mà còn để bảo đảm cuộc sống tối thiểu sau này của chính người tham gia bảo hiểm không cần phụ thuộc (hoặc ít ra là không phụ thuộc nhiều) vào người khác.

Cũng như nộp thuế là nghĩa vụ, sau đó người nộp thuế được hưởng quyền lợi từ tiền thuế, chứ không được nhận lại số tiền thuế, người đóng bảo hiểm bắt buộc cũng là nghĩa vụ (chứ không phải quyền) và sau đó sẽ được hưởng lợi ích từ các chế độ bảo hiểm, mà quan trọng nhất là tiền hưu trí, chứ không được trả lại tiền bảo hiểm.

Luật Bảo hiểm xã hội cũng phải giải quyết chế độ khó khăn cho người tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng tuyệt nhiên không phải bằng cách cho rút trước như đang diễn ra và tiếp tục duy trì như Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội.

Để giải quyết khó khăn của người lao động, như ốm đau, tai nạn, bệnh tật, thì không chỉ dựa vào chế độ bảo hiểm xã hội, mà còn nhiều cơ chế khác hỗ trợ người nghèo, người khó khăn, người tàn tật,… trong đó có thể là bảo hiểm nhân thọ. Cần tăng cường các cơ chế đó thay vì dựa hết vào chế độ bảo hiểm xã hội. Nếu vì người lao động khó khăn mà phải trả lại số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội, thì đến lúc khó khăn hơn, sẽ xảy ra điều tiếp theo? Nếu cứ vì lợi ích trước mắt, thì sau này sẽ là tai họa của xã hội và của chính những người được hưởng trước lợi ích.

Cho rút tiền đóng bảo hiểm xã hội từ năm 30 – 50 tuổi, thì vài chục năm nữa, người lao động sẽ trông chờ vào đâu? Dân số thì ngày càng già đi, tuổi thọ thì ngày càng cao lên, do đó càng sau này càng nan giải với nguồn sống của người không còn sức lao động.

Cho rút tiền bảo hiểm, nếu có thì chỉ đặt ra với loại hình kinh doanh bảo hiểm, chứ không thể đặt ra đối với bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm bắt buộc. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được rút trước chỉ trong 2 trường hợp ngoại lệ đặc biệt là ra nước ngoài định cư và mắc bệnh hiểm nghèo. Cả hai trường hợp này, Nhà nước và xã hội không còn phải lo an sinh xã hội cho những người này nữa. Chỉ chấp nhận ngoại lệ khi không ảnh hưởng, không đi ngược lại mục tiêu chung.

Bảo hiểmxã hội – Bắt buộc và khác biệt

Bốn chữ “bảo hiểm xã hội” đã chứa đựng trong nó hai vấn đề bảo hiểm bắt buộc mang tính xã hội rất sâu sắc và rất khác biệt so với mọi thứ khác, kể cả so với bảo hiểm nhận thọ, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Chỉ có “Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động” (Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015) chứ làm gì có tội nào liên quan đến việc “trốn đóng” các loại bảo hiểm còn lại.

Gánh nặng của mỗi người dân, tham gia bảo hiểm xã hội mà không được hưởng chế độ suốt đời, thì đều là gánh nặng của số đông, của xã hội và của Nhà nước. Nên về nguyên tắc không thế cắt khúc, đưa ra tiêu chuẩn kép, mà phải giải quyết trong một tổng thể chung, với điểm mấu chốt là phải bảo đảm cuộc sống cho người tham gia bảo hiểm sau khi không còn thu nhập từ lao động.

Nếu cho phép hàng triệu người được rút số tiền bảo hiểm xã hội đã đóng như Dự thảo Luật, thì đó là việc đi ngược lại, thậm chí phá vỡ toàn bộ hệ thống an sinh xã hội, chẳng khác nào ăn vào tương lai của con cháu và xã hội.

Đáng tiếc là năm 2015, Quốc hội đã quá dễ dàng ra Nghị quyết số 93/2015/QH13 sửa luật cho rút tiền đóng bảo hiểm, thỏa mãn yêu cầu của những người lao động chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt, đã phản đối dữ dội Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, thậm chí đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình.

Một chính sách an sinh xã hội đặc biệt như vậy, nếu thấy cần thiết, thấy tốt cho xã hội, thực sự vì lợi ích chung, thì cần phải kiên quyết và luật pháp cần áp đặt.

Đấy mới là cái lý thật sự và là ý nghĩa của “bảo hiểm” gắn liền “xã hội”. Xin đừng biến chế độ này thành những thứ không phải là bảo hiểm xã hội.
(1.525)

—————-

Hà Nội ngày 24-11-2023

Luật sư Trương Thanh Đức,

Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC.

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.413. "Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ...

"Nợ xấu ngân hàng tiếp tục bị che mờ nếu gia hạn Thông tư 02". (VNF)...

Trích dẫn 

3.967. Điều lưu tâm từ một phiên toà.

Điều lưu tâm từ một phiên toà. Ly hôn đã 5 năm, bỗng nhiên cách đây...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,510