308. Vinashinlines phá sản: Chủ nợ có nguy cơ mất nghìn tỷ

(TBKD) – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang tiến hành các thủ tục để cho phá sản Công ty Vận tải viễn dương (Vinashinlines) theo đề án tái cơ cấu. Vấn đề khó nhất là xử lý tài chính, “dọn dẹp” khối nợ lên tới hàng nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp (DN). Các chủ nợ là ngân hàng, công ty tài chính đang đối mặt nguy cơ không thể thu hồi nợ, mất vốn.

Vinashinlines – DN vận tải biển kỳ cựu của Vinashin, sau một thời gian chuyển giao sang Vinalines (tháng 7/2010) vẫn không có chuyển biến tích cực. Trái lại, tình hình kinh doanh của Vinashinlines ngày càng bết bát, thua lỗ, ngập trong nợ nần khiến Vinalines khó có thể “cưu mang” được. Do đó, Vinalines đã đề xuất cho phá sản 2 công ty là Vinashinlines và Falcon trong Đề án tái cơ cấu tổng công ty. Đầu năm 2013, đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lỗ và nợ “khủng”

Ngày 12/7, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về tình hình sản xuất kinh doanh và triển khai đề án tái cơ cấu Vinalines. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Vinalines sớm hoàn thiện và nộp hồ sơ phá sản đối với Vinashinlines và Falcon theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Vinalines làm việc với các chủ nợ của 2 công ty này để đàm phán phương án xử lý các khoản nợ.

Được biết, vào thời điểm chuyển giao Vinashinlines sang Vinalines, công ty này đối mặt với hàng loạt khoản nợ quá hạn, nhiều tranh chấp, không còn vốn lưu động, các dự án đầu tư bị đình trệ, thiếu việc làm, nợ lương… Trong đội tàu “già” gồm 17 tàu thì có tới 2/3 đã ngừng hoạt động. Nhiều thủy thủ cho đến giờ vẫn đang bị “mắc kẹt” trên các con tàu nằm neo đậu vất vưởng ở nước ngoài. Dù không tiết lộ con số lỗ và nợ cụ thể của Vinashinlines, nhưng báo cáo tổng kết năm 2012 của Vinalines cho thấy công ty này “đóng góp” nhiều nhất vào khoản lỗ hơn 2.439 tỷ đồng của tổng công ty.

Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, trong giai đoạn 2008 – 2009, Vinashinlines đã vay nợ của 10 tổ chức tín dụng để đầu tư mua tàu và sử dụng làm vốn lưu động. Có thời điểm, số dư nợ vay tại các tổ chức này lên tới gần 2.000 tỷ đồng. Đáng kể, Vinashinlines còn vay nợ từ nguồn trái phiếu quốc tế và trái phiếu tập đoàn với tổng số nợ hơn 3.100 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty này còn nợ của nhiều DN, đối tác, nhà cung cấp nguyên nhiên liệu khác…

Với tình hình tài chính như vậy, việc xử lý các khoản nợ đọng kéo dài từ nhiều năm trước của Vinashinlines là điều không hề dễ dàng với Vinalines và Bộ Giao thông Vận tải. Năm 2012, trong quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu, Vinalines đã đề xuất cho khoanh nợ, xóa các khoản nợ của Vinashinlines tại các tổ chức tín dụng.

Khối tài sản đáng kể nhất của Vinashinlines hiện là hơn chục con tàu “già” đã ngừng hoạt động

Vì thời điểm tháng 5/2012, Vinalines tính toán rằng nếu bán hết tài sản, thì Vinashinlines vẫn còn thiếu nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Công ty Tài chính Vinashin hơn 3.105 tỷ đồng. Số nợ này và lãi phát sinh, Vinalines đề nghị xóa hết cho DN. Còn các khoản nợ tại các ngân hàng khác, Vinalines đề nghị giảm 80% dư nợ gốc, kéo dài thời gian trả nợ và xóa hết lãi vay. Cho đến thời điểm này, Vinalines vẫn chưa tiết lộ tổng số nợ của Vinashinlines. Quá trình đàm phán phương án xử lý nợ với các ngân hàng, công ty tài chính cũng không được các bên liên quan tiết lộ.

Xin khoanh, xóa nợ

Về kiến nghị của Vinalines xin khoanh nợ, xóa nợ tại các ngân hàng thương mại quốc doanh và VDB, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Giao thông Vận tải và Vinalines làm việc trực tiếp với từng ngân hàng, trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Còn các khoản nợ tại các tổ chức tín dụng khác, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với NHNN để xử lý việc khoanh nợ, xóa nợ theo quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Như vậy, việc phá sản Vinashinlines sẽ được tiến hành với cơ chế tài chính riêng để xử lý các khoản nợ xấu.

Một phương án khác được tính đến là sẽ bán các khoản nợ xấu này cho Công ty Mua bán nợ quốc gia (VAMC) và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) theo hướng xử lý triệt để. Ngày 15/7 vừa qua, VAMC đã chính thức đi vào hoạt động, nhằm giúp các tổ chức tín dụng đẩy nhanh quá trình xử lý các khoản nợ xấu. Đây sẽ là một kênh để xử lý dứt điểm các khoản nợ khó đòi của Vinashinlines.

Trong quá trình tiến hành phá sản Vinashinlines, việc xử lý các tài sản của DN cũng không dễ dàng, bao gồm trụ sở, văn phòng, tàu biển… Theo các quy định về xử lý tài sản của DN khi phá sản, số tiền bán tài sản trước hết sẽ phải dùng để trả nợ thuế, nợ lương và bảo hiểm cho người lao động, chi phí phá sản. Sau đó, mới thanh toán nợ cho ngân hàng, chủ nợ theo thứ tự ưu tiên chủ nợ có tài sản thế chấp hợp pháp.

Trên thực tế, khối tài sản đáng kể nhất của Vinashinlines hiện là hơn chục con tàu “già” đã ngừng hoạt động. Do nằm bờ từ lâu cùng với giá tàu biển thế giới rớt thảm hại, khiến giá trị những tài sản này thực tế bị giảm mạnh. Mới đây, Vinashinlines đã chào bán đấu giá tàu Vinashin Atlantic (tàu chở dầu có trọng tải 150.000 tấn, quốc tịch Panama) cho các đối tác nước ngoài. Con tàu này đã ngừng hoạt động, neo đậu suốt từ năm 2009 cho đến nay tại vùng biển Vũng Tàu. Ngoài ra, Vinashinlines đang xúc tiến việc bán thanh lý các tàu biển, tàu lash (tàu chở sà lan) khác để trang trải các khoản nợ.

———————————

Bán hết tài sản không đủ trả nợ

Ls. Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI (Hà Nội)
————————————
Tôi đồng tình quan điểm Chính phủ cho phá sản DN mất khả năng thanh toán. Về mặt “luật chơi”, DN – một pháp nhân không trả được nợ thì phải cho phá sản để làm trong sạch môi trường kinh doanh, đồng thời chấm dứt trách nhiệm của con nợ.

Đối với DN đã mất khả năng thanh toán nhiều năm như Vinashinlines, đến giờ, cho phá sản thì chỉ còn giải quyết các vấn đề pháp lý. Còn các đối tượng liên quan như chủ nợ, Nhà nước, đặc biệt là người lao động bị thiệt hại. Vì các tài sản còn lại có chăng chỉ là đất đai, nhà xưởng, tàu bè… Những tài sản liên quan đến Nhà nước thì Nhà nước phải chấp nhận cho cơ chế riêng để xử lý, gỡ gạc thu hồi vốn để trả nợ.

Theo quy định, khi tiến hành thanh lý tài sản, số tiền thu được sẽ phải trả chi phí cho việc phá sản, thanh toán lương và chế độ cho người lao động, nợ thuế nhà nước, sau đó trả các khoản nợ khác (nợ ngân hàng, chủ nợ ngoài)… Quá trình xử lý tài sản trả nợ rất phức tạp, xảy ra tranh chấp phải khởi kiện ra tòa phân xử. Các ngân hàng phải tự thương lượng phân chia tài sản theo tỷ lệ cam kết hoặc thỏa thuận. Nếu bán hết tài sản vẫn không đủ trả nợ thì khi phá sản, nợ coi như được xóa hết. Có nghĩa, các TCTD sẽ bị mất vốn, phải lấy nguồn dự phòng rủi ro ra bù đắp.

Công ty mẹ phải “gánh” nợ cho công ty con

Ts. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia ngân hàng
————————————
Theo quy định, trường hợp công ty mẹ sở hữu 100% vốn của công ty con (công ty TNHH một thành viên) thì phải chịu trách nhiệm đối với toàn bộ các khoản nợ của công ty con. Tuy nhiên, nợ của công ty con có thể được giới hạn trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ.

Ở đây, Vinalines – công ty mẹ đề nghị khoanh nợ, xóa nợ cho Vinashinlines – công ty con của mình – là bước thứ hai trong tiến trình phá sản công ty con. Nếu được tòa án tuyên bố phá sản thì toàn bộ nợ của công ty con sẽ chuyển về công ty mẹ. Khi ấy, công ty mẹ phải đàm phán với các chủ nợ để quyết định có cho khoanh nợ, xóa nợ hay không. Dù có đàm phán, chưa chắc các chủ nợ đã cho khoanh, xóa nợ vì họ phải xem xét, đánh giá tài sản, khả năng trả nợ của công ty mẹ. Và các bên có thể tự thỏa thuận việc khoanh, xóa nợ, trừ khi có tranh chấp mới đưa ra tòa án phân xử.

Nhưng việc xử lý các tài sản của Vinashinlines thì phải tiến hành theo phán quyết của tòa án và do tòa quản lý phân chia tài sản.

Thu Hằng

————–

 

Thời báo kinh doanh 23-7-2013 (Diễn đàn)

http://thoibaokinhdoanh.vn/441/news-detail/668998/dien-dan/vinashinlines-pha-san-chu-no-co-nguy-co-mat-nghin-ty.html

(293/1.695)

Bài viết 

415. Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai...

Tinh thần Nghị quyết 68: Không phải cứ sai phạm là tội phạm! (PLO)- Thực tiễn cho thấy có trường hợp không đáng bị bắt, kết án tù tội nhưng vì BLHS đã chốt cứng mức tiền cấu thành tội phạm nên các cơ quan tố tụng không thể không buộc tội. Nhưng, sắp tới mọi thứ sẽ khác... Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới đây đã mở ra một hướng cải tổ hệ thống luật pháp vì con người, theo đúng bản chất, mục tiêu, chứ không máy móc dựa vào hình thức và những con số. Hy vọng tinh thần này sẽ được thể chế hóa đầy đủ trong các luật, bộ luật sửa đổi sắp tới.Định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương trong xây dựng và thi hành luật pháp là luật chỉ quy định nguyên tắc, còn những gì cụ thể, chi tiết thì giao cho Chính phủ để ứng biến linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tiễn. Đây không phải là quay lại thời “luật khung, luật ống” mà chính là trở về những nguyên lý căn bản phân biệt giữa vai trò của lập pháp, hành pháp và tư pháp, là việc sửa sai sự nhầm tưởng xa rời thực tế.Chúng ta đã từng xây dựng luật theo hướng quy định chi tiết để khi được Quốc hội thông qua thì có thể thi hành, đi vào cuộc sống được ngay. Trong một thời gian dài, BLHS luôn cố gắng định lượng tất cả hành vi vi phạm, tất cả yếu tố cấu thành tội phạm. Chẳng hạn, đánh bạc, trộm cướp, tham ô, lãng phí bao nhiêu tiền thì bị tù 3 năm, 5 năm, 20 năm, chung thân, tử hình.Thực tiễn quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhiều năm qua cho thấy có những trường hợp không đáng bị bắt, kết án tù tội nhưng vì BLHS đã chốt cứng mức tiền cấu thành tội phạm nên các cơ quan điều tra, truy tố và xét xử không thể không buộc tội. Có nhiều trường hợp không đáng bị xử tội hình sự nhưng không bắt, không xử thì hóa ra lại làm trái luật. BLHS quy định cụ thể đến từng đồng thì còn đâu vai trò của các cơ quan pháp luật, ngoài việc cứ phải thật khớp, thật đúng với từng khung khoản, điểm, tiết.Có thẩm phán đã từng phải bật khóc khi xét theo bản chất vụ án thì có thể tuyên một bị cáo không phạm tội; hoặc tuyên một mức án nhân văn, phù hợp, chỉ đáng phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc án treo. Thế nhưng, dù có vận dụng mọi tình tiết giảm nhẹ để xử dưới khung thì “luật là luật”, thẩm phán đành bó tay.Đôi khi xét về tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả thì trộm cắp 50 triệu đồng có khi không nặng tội, không đáng chịu hình phạt bằng việc ăn cắp chỉ 1 triệu đồng. Xử tội một người thì số tiền chiếm đoạt hay thiệt hại chỉ là một yếu tố phụ, còn cái chính mang tính quyết định tội phạm và hình phạt phải là ý thức, thái độ, mục đích và hành vi của họ.Lâu nay luật quy định chi ly kiểu thế này: Người có hành vi trộm cắp một cái túi giống hệt nhau, nếu cái túi đó chứa 1,9 triệu đồng thì không phạm tội, nếu chứa 2 triệu đồng thì phạm tội ở mức độ nhẹ nhưng nếu chứa 50 triệu đồng thì tội nặng gấp đôi so với chứa… 49 triệu đồng. Vậy thì đạo lý, triết lý kết tội là gì?Tội trộm cắp là hiện tượng ngàn xưa, tương đối đơn giản, rõ ràng còn thế, huống chi với các tội phạm về kinh tế - vốn dĩ vô cùng phức tạp - mới thấy khó có thể xử lý một cách thấu lý, đạt tình như thế nào. Nhiều chuyên gia đầu ngành về pháp luật đã từng than thở rằng: BLHS đã biến thẩm phán thành robot. Vì xử nhẹ, xử khoan hồng vượt quá chỉ tiêu thì vừa có nguy cơ sai luật, vừa bị kiểm điểm, nghi ngờ vì tiêu cực hay có gì đó sai trái bất thường.Vì vậy, công lý, đạo lý, nhân đạo, công bằng, lẽ phải và kể cả nguyên tắc suy đoán vô tội, không thể nào vượt qua được yêu cầu thượng tôn pháp luật đã bị gắn chặt vào những con số vô hồn như số tiền, số phần trăm, số mét vuông, số gam, số ngày, số người và nhiều nhiều con số khác. Số phận pháp lý và mức hình phạt của mỗi con người được quyết định chủ yếu dựa vào từng con số, chứ không phải bằng yếu tố chính là hành vi nguy hiểm của họ gây ra cho xã hội.Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới đây đã mở ra một hướng cải tổ hệ thống luật pháp vì con người, theo đúng bản chất, mục tiêu, chứ không máy móc dựa vào hình thức và những con số kiểu trên. Quan trọng nhất là định hướng nhấn mạnh dứt khoát không hình sự hóa những quan hệ dân sự - kinh tế - hành chính.BLHS quy định tội phạm là hành vi phạm pháp “nguy hiểm cho xã hội”. Còn Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định vi phạm hành chính cũng là hành vi phạm pháp “mà không phải là tội phạm”. Như vậy, để phân biệt tội phạm và hành vi vi phạm hành chính thì mấu chốt là phải đánh giá sự nguy hiểm trong từng vụ việc cụ thể, chứ không phải nâng lên đặt xuống mấy con số thì trở thành tội phạm và ngược lại.Hầu hết sai phạm liên quan đến kinh tế trong BLHS hiện hành đều có thể xử lý bằng xử phạt hành chính thay vì hình sự mà không làm giảm tác dụng, hiệu quả răn đe và phòng ngừa vi phạm. Chỉ khi không thể xử lý được bằng hành chính thì mới buộc phải tính đến việc xử lý bằng hình sự. Đặc biệt, không nên coi mọi sai phạm kinh tế nghiêm trọng đều là tội phạm.Như vậy, luật sẽ thực sự hợp lý, công bằng, nhân văn, nhân đạo, vì con người; cơ quan điều tra sẽ giảm thiểu oan sai; cơ quan công tố sẽ chỉ buộc tội được những hành vi đúng, rõ là tội phạm; tòa án sẽ chỉ tuyên những bản án mà bị cáo cũng như công chúng phải tâm phục, khẩu phục.Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC (*)-------------------Pháp luật TP Hồ Chí Minh (Pháp luật) 12-5-2025:https://plo.vn/tinh-than-nghi-quyet-68-khong-phai-cu-sai-pham-la-toi-pham-post849220.html(*) Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật  ANVI(1.158)

Bình luận 

445. Bình luận về việc Thế chấp tài sản số...

Bình luận về việc Thế chấp tài sản số tại ngân hàng. (Tham luận...

Phỏng vấn 

4.474. Bước đột phá giúp kinh tế tư nhân phát...

Bước đột phá giúp kinh tế tư nhân phát triển. (TT) - Trao đổi với Tuổi...

Trích dẫn 

4.069. Nghị định 69/2025 điều chỉnh tỷ lệ "room"...

Nghị định 69/2025 điều chỉnh tỷ lệ "room" ngoại: MB, HDBank, VPBank đón...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 247,902