309. Sửa đổi Luật Đất đai: Bao giờ là lần cuối !?

(TBNH) – Luật Đất đai đã đi vào kỷ lục về số lượng luật sửa đổi và tần suất sửa đổi. Kể từ Luật Đất đai ban hành năm 1987, đã có các luật sửa đổi, bổ sung ban hành vào các năm 1987, 1993, 1998, 2001, 2003 – trung bình chưa tới 4 năm đã phải một lần bỏ đi làm lại, nhưng chưa lúc nào là không nổi cộm lên vô số những điều bất cập, bức xúc.

Sống yểu vì độ bao phủ thấp

Sự phức tạp, chồng chéo trong hệ thống quy định pháp luật liên quan đến đất đai cùng thủ tục hành chính về đất đai nhiều nơi, nhiều lúc còn chưa minh bạch, phiền hà, là nỗi ám ảnh với nhiều DN, làm mất cơ hội kinh doanh, làm đẩy chi phí kinh doanh lên cao, giảm tính cạnh tranh của DN.
TS. Vũ Tiến Lộc

“Qua gần 10 năm thực hiện, Luật Đất đai đã có những tác động tích cực đối với xã hội và cộng đồng Doanh nghiệp (DN). Tuy vậy, các vấn đề liên quan đến đất đai hiện nay vẫn là một trong những trở ngại hàng đầu đối với các hoạt động kinh doanh của DN”, TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu khai mạc Hội thảo lấy ý kiến DN về Luật Đất đai sửa đổi.

Luật Đất đai đã đi vào kỷ lục về số lượng luật sửa đổi và tần suất sửa đổi. Kể từ Luật Đất đai ban hành năm 1987, đã có các luật sửa đổi bổ sung ban hành vào các năm 1987, 1993, 1998, 2001, 2003 – trung bình chưa tới 4 năm đã phải một lần bỏ đi làm lại. Dù Luật Đất đai đã được liên tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện, nhưng chưa lúc nào là không nổi cộm lên vô số những điều bất cập, bức xúc. “Lần sửa này chưa thấy gì bảo đảm cho Luật này sống được lâu hơn”, Luật sư Trương Thanh Đức – Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Công ty Luật ANVI phát biểu.

“Từ trước đến nay, các nguyên tắc, mục đích, quan điểm xây dựng luật xem ra đều hay, đều đúng, kiểu như bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất, định giá bồi thường theo giá thị trường… Vậy tại sao Luật lại đoản thọ”, luật sư Đức nêu vấn đề. Theo ông, dự thảo vẫn chưa giải quyết được một số vấn đề quan trọng như: Chế độ đồng sở hữu đất đai giữa Nhà nước và công dân; thay đổi giấy chứng nhận bất động sản; bất hợp lý trong việc thu hồi đất, bồi thường đất, thế chấp đất và điều kiện giao dịch đất đai;…

“Dự thảo Luật vẫn duy trì mục đích thu hồi đất trong Luật 2003 là “để sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế – xã hội”. Như vậy mục đích phát triển kinh tế – xã hội đã vượt quá quy định của Hiến pháp! Chính mục đích này đã tạo điều kiện cho lạm quyền, tham nhũng và quyền của người sử dụng đất không được bảo vệ chặt chẽ”. TS. Phạm Sỹ Liêm – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam phát biểu. Ông Liêm đề nghị, Nhà nước nên đứng ra thu hồi đất, tạo quỹ đất sạch sau đó trao lại cho các DN, các dự án, như vậy sẽ tránh được sự kiện tụng của người dân.

Pháp luật về đất đai và hệ thống pháp luật có liên quan còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, làm cho việc thi hành có nhiều lúng túng và trong nhiều trường hợp thiếu sự thống nhất. Dự thảo Luật sửa đổi đã khắc phục được nhiều vướng mắc phát sinh trong thực tế thời gian qua nên kỳ vọng sẽ hạn chế được tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó cũng điều chỉnh giá đất hợp lý hơn, không tăng thẩm quyền ở cấp Trung ương mà tập trung vào cấp quận, huyện…

Ông Nguyễn Mạnh Hiển – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường

Nhà nước luôn luôn “cầm đằng chuôi”

GS.TS. Đặng Hùng Võ – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam chỉ ra sơ hở trong cơ chế chuyển dịch từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp đang chứa đựng nguy cơ tham nhũng và là nguyên nhân gây khiếu kiện. Ông Võ lại không đồng tình với đề xuất Nhà nước đứng ra thu hồi đất.

Đồng tình quan điểm này, theo luật gia Vũ Xuân Tiền – Uỷ viên BCH Hội Luật gia Hà Nội, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã áp dụng một cách tràn lan cơ chế thu hồi đất bằng những quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước. Ông cho rằng, thu hồi đất bằng quyết định hành chính thực chất là quốc hữu hoá tài sản cá nhân và tổ chức. Đây là một hình thức kỷ luật nghiêm khắc và vô lý trong trường hợp người có đất bị thu hồi không vi phạm pháp luật. Vì vậy, nên thay thế việc thu hồi đất bằng cơ chế trưng mua quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Thu hồi đất bằng quyết định hành chính chỉ thực hiện trong những trường hợp: Vi phạm pháp luật đất đai; chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện; do việc trưng mua không thực hiện được theo Điều 17 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Một vấn đề mới được nêu trong dự thảo luật sửa đổi đó là: Tổ chức kinh tế được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê có quyền thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại TCTD được phép hoạt động tại Việt Nam. Trường hợp thế chấp tại ngân hàng nước ngoài do Chính phủ quyết định với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, không nên quy định tại Luật và nên giao Chính phủ quy định rõ tiêu chí và xác định cụ thể trường hợp được thế chấp sử dụng đất tại ngân hàng ở nước ngoài. Một số ý kiến khác lại đề nghị quy định rõ trong Luật là Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định… Theo Luật sư Lê Thanh Sơn – Văn phòng Luật sư AIC, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm chưa có thực tế để rút kinh nghiệm nên “cần cân nhắc kỹ lưỡng”.

Đóng góp cho Dự thảo Luật, nhiều ý kiến không đồng tình với thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ nông dân là 50 năm và đề nghị nên giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để người dân yên tâm sản xuất.

Luật Đất đai cần khai thác được thế mạnh của nguồn lực này

Về quy định chỉ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Nhà nước đã luôn luôn “cầm đằng chuôi” khi cho phép giao dịch. Nếu nộp đủ tiền mới được nhận Giấy chứng nhận thì việc cấp Giấy chứng nhận lần đầu gần như trở thành vô nghĩa và bất khả thi. Và nếu cứ duy trì nguyên tắc này, cộng với một số quy định, thủ tục trói buộc khác thì liệu có rơi vào tình trạng, phải 100 năm nữa mới cấp xong Giấy chứng  nhận quyền sử dụng đất như nỗi băn khoăn, trăn trở của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính Tôn Gia Huyên khi đương chức.

Đất đai là tài sản lớn nhất, quan trọng nhất, đặc biệt nhất và minh bạch nhất (vì luôn hiển hiện muôn đời giữa thanh thiên bạch nhật và trơ gan cùng tuế nguyệt) đối với con người cũng như quốc gia. Nhưng pháp luật về nó thì lại lạc hậu nhất, bất cập nhất, lộn xộn nhất, sai bản chất nhất, xa rời thực tế nhất và đi ngược lại yêu cầu của cuộc sống nhiều nhất.

Luật sư Trương Thanh Đức

Linh Ly

—————

Thời báo Ngân hàng 10-10-2012:

http://www.thoibaonganhang.vn/tin-tuc/1-sua-doi-luat-dat-dai–bao-gio-la-lan-cuoi–4827.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,145