Ẩn khuất xuất xứ
(ANVI) – Xuất xứ hàng hóa nội hay ngoại thương đều chung một gốc 1 định nghĩa tưởng rõ như ban ngày tại Điều khoản 3.14, Luật Thương mại 2005, nhưng đi vào thực tế thì như thể gà mắc tóc hay hóc xương vịt.
Xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thì không có gì vướng mắc lớn, vì đã có hẳn 1 Nghị định 31/2018/NĐ-CP cùng với nhiều điều ước quốc tế thể hiện. Thậm chí, Chính phủ đã giao cho Phòng Thương mại cấp giấy xuất xứ từ 56 năm trước.
Nhưng việc xác định xuất xứ hàng tiêu thụ nội địa, một yếu tố bắt buộc trên nhãn hàng hóa, theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP thì lại rõ thoáng: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết”.
Sau khi bị dư luận ném đá tơi bời khói lửa cho chừa thói nhập toàn đồ tàu, lắp ráp giản đơn nhưng lại ghi “xuất xứ Việt Nam”, thì Asanzo định sửa thành “sản xuất tại Việt Nam”. Khổ cái lại chẳng khác gì, vì Điều 15.2 Nghị định nói trên đã chỉ rõ: ”Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó”.
Thật khó làm cho đúng luật. Chẳng thể ghi xuất xứ Trung Quốc, nhưng cũng không được ghi xuất xứ Việt Nam.
Ngày 03-7-2019