(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận Dự thảo ngày 27-8-2018 tại Hội thảo do Bộ Công thương & VBA tổ chức.
Dự thảo Luật này đã khá hoàn thiện cả nội dung và hình thức, đặc biệt đã bỏ hẳn quy định về việc lập Quỹ phòng chống tác hại của rượu, bia hay bỏ những quy định bất hợp lý, bất khả thi như cấm người lao động uống rượu, bia trong giờ và giữa giờ làm việc.
1. Về tên gọi của Dự luật:
1.1. Việc xây dựng Dự luật để quản lý, kiểm soát việc kinh doanh và sử dụng rượu bia là cần thiết. Nhiều lần tham gia trước đây, tôi cho rằng tên gọi của Dự luật là không quan trọng. Tuy nhiên, đến hôm nay thì tôi đã thay đổi quan điểm. Trong trường hợp này thì tên luật rất quan trọng, nó định hướng, dẫn dắt nội dung. Và tôi thấy danh không chính, nên ngôn không thuận.
- Dự luật được đặt tên là Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Các từ “phòng, chống” trong Dự luật này tương tự với tên gọi trong 10 luật và 1 pháp lệnh như sau:
- Luật Phòng, chống ma tuý năm 2000;
- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005;
- Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006;
- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
- Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007;
- Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011;
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012;
- Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012;
- Luật Phòng, chống khủng bố năm 2013;
- Luật phòng, chống thiên tai năm 2013;
- Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003.
- Ngoài ra, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2013, thì chỉ có “phòng” không có “chống”, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, thì lại chỉ có “chống”, không có “phòng”.
1.2. Trong các luật trên, các từ phòng chống đều thể hiện về đối tượng rõ ràng cần phải phòng chống, trong đó chiếm tới 8 – 9 phần hại, chỉ có 1 – 2 phần lợi (trừ mại dâm). Như vậy đặt tên “phòng chống” sẽ gây nhầm lẫn, ác cảm rằng rượu bia là độc hại, trong khi lợi 7 – 8 phần, hại chỉ 2 – 3 phần, tức là độc hại chỉ là tác dụng phụ, đặc biệt là khi sử dụng quá liều lượng và sử dụng rượu, bia không báo đảm chất lượng. Không thể lấy cái hại chỉ là phụ, là thứ yếu để đặt tên cho Luật, dẫn tới khẳng định như đinh đóng cột, như là một điều tất yếu, mặc định là độc hại, trong khi chỉ phòng chống phần độc hại trong rượu bia và việc lạm dụng rượu bia. Trong Dự thảo Tờ trình của Chính phủ cũng không chính xác khi viết nhiều lần rằng, cứ uống rượu bia là độc hại như tại Phần I.1.a: “Sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế ICD10…” hay “Sử dụng rượu, bia gây tổn thương đến nhiều cơ quan, chức năng của cơ thể…” hại. Vì vậy, cần phải thay thế bằng tên gọi khác, trong đó mấu chốt là thay 2 từ “phòng, chống” bằng từ “kiểm soát” giống như các nước (nêu trong Tờ trình). Chẳng hạn như đặt tên là Luật Kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu, bia (nếu chỉ tập trung vào việc hạn chế tác hại phụ của rượu, bia) hoặc tên là Luật Quản lý rượu, bia (nếu như quy định cả điều kiện kinh doanh rượu bia như Dự thảo). Tên của Luật không đúng, dẫn đến nhiều vấn đề khác bị nhầm lẫn, không chuẩn mực, không rành mạch, không rõ ràng, không chính xác, không hợp lý. Nhìn về tổng thể Dự luật, thì có thể nhận xét, vì danh không chính, nên ngôn không thuận.
2. Về việc phòng, chống tác hại của rượu, bia:
2.1. Dự luật đánh đồng việc phòng, chống tác hại giữa rượu và bia, giữa rượu vang, rượu nhẹ với rượu nặng là những thứ khác nhau rất nhiều. Giữa phòng và chống tác hại phụ của rượu bia, thì đương nhiên phòng là quan trọng hơn, cũng giống như phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tuy nhiên, “từ khoá” của Dự luật là “phòng, chống” (không viết liền, mà cách nhau bằng dấu phảy), nhưng không rõ đâu là “phòng”, đâu là “chống”. Đây cũng là 1 lý do cần phải xem lại tên của Dự luật.
2.2. Có 3 vấn đề chính cần được xử lý trong Luật, đó là giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của rượu, bia thì cần đặt thứ tự ưu tiên đầu tiên là giảm tác hại, thứ hai là giảm cầu, thứ ba mới là giảm cung. Dự luật chưa thể hiện được điều này, thậm chí còn thể hiện ngược lại là giảm cung, trong khi đó vẫn là một sản phẩm hợp pháp vừa truyền thống vừa hội nhập và phần nào là còn là nhu cầu thiết yếu, không thể thiếu, nếu chất lượng bảo đảm và sử dụng hợp lý thì phần lợi là chủ yếu, phần hại là thứ yếu. Rượu, bia cũng là một loại thực phẩm, cũng đã được Dự luật thừa nhận khi nhiều lần đề cập đến yêu cầu về an toàn thực phẩm. Qua đây cũng cho thấy, cần phải xem lại tên của Dự luật.
2.3. Luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu bia, cũng giống như các hàng hoá khác, nếu có vi phạm đều bị xử lý, mà không vì lý do có hay không có tác hại đến sức khoẻ. Do vậy, bên cạnh các quy định tại Điều 9 về “Các trường hợp không được uống rượu, bia”, Điều 10 về “Kiểm soát việc khuyến mại rượu, bia”, Điều 11 về “Kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia”, Điều 13 về “Điều kiện kinh doanh rượu, bia”,… nhưng tại Điều xử lý vi phạm tại Điều 26 thì lại chỉ quy định về “Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia” là không đầy đủ, không toàn diện. Điều này cũng cho thấy sự không hợp lý bắt đầu từ tên Dự luật.
3. Một số nội dung chưa chính xác và hợp lý trong Dự luật:
3.1. Không phải là luật quản lý rượu bia, mà chỉ phòng chống tác hại phụ của rượu bia thì không thể liệt kê rượu, bia “nhập lậu” với rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, không an toàn như quy định tại Điều 4 “về Các hành vi bị nghiêm cấm”, Điều 7 về “Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia”, Điều 18 về “Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, nhập lậu” và Điều 22 về “Các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia” của Dự thảo, vì rượu, bia nhập lậu có thể là thật hoặc giả, có thể bảo đảm hoặc không bảo đảm chất lượng. Và quan trọng hơn, nó thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật khác. Đây cũng là một lý do cho thấy tên Luật không chính xác, nên đã dẫn đến cách tiếp cận và xử lý không đúng.
3.2. Khoản 5, Điều 2 về “Giải thích từ ngữ” của Dự luật quy định “ Cồn thực phẩm là hợp chất hữu cơ có công thức phân tử là C2H5OH và có tên khoa học theo danh pháp quốc tế IUPAC là Ethanol, đạt tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm”. Việc sử dụng từ “tiêu chuẩn” ở khoản này là chưa chính xác về yêu cầu pháp lý, mà phải là “quy chuẩn”. Vì theo quy định tại khoản 1 và 2, Điều 3 về “Giải thích từ ngữ”, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, thì “Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng” (tức là không bắt buộc). Còn “Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng”. Quy định này cũng cho thấy, đó là nội dung quản lý, kiểm soát nói chung chứ không chỉ là phòng chống tác hại của rượu, bia.
3.3. Khoản 2, Điều 14 về “Bảo đảm chất lượng, an toàn đối với rượu, bia” của Dự thảo quy định “ Việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, an toàn cho người sử dụng” là chưa đầy đủ, vì ngoài rượu thủ công thì có thể có cả bia thủ công không nhằm mục đích kinh doanh. Ngoài ra, còn các chất có cồn khác không được gọi là rượu, bia cũng có thể gây độc hại, tại sao không được đề cập đến. Lại thêm một lý do cho thấy tên gọi Dự luật không hợp lý, dẫn đến đối tượng, phạm vi, nội dung điều chỉnh không chuẩn.
3.4. Một số điều có phần lửng lơ không thuộc khoản nào trong điều luật được bố cục theo điều khoản, như Điều 6 về “Yêu cầu của thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia”, Điều 15 về “Biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn đối với sản xuất, mua bán rượu thủ công”.
3.5. Tên Chương III “Các biện pháp quản lý chặt chẽ việc cung cấp rượu, bia” là không hợp lý. Chặt chẽ hay không là mục tiêu, yêu cầu và quy định, chứ không nên đặt tên chương như vậy, nhất là việc quản lý chặt chẽ không chỉ với việc cung cấp, mà với những việc khác.
Hà Nội 06-9-2018