310. Vay tài chính tiêu dùng lãi suất tới 72% một năm

(VNE) – Chị Thanh vay 30 triệu đồng và chấp nhận trả góp lãi suất 6% một tháng vì nhu cầu bức thiết, nhưng tới khi bắt đầu thanh toán mới thấy xót xa.

Cuối năm 2012, chị Thanh (Bình Dương) vay trả góp của Công ty tài chính tiêu dùng PPF 30 triệu đồng, thời hạn 24 tháng. Đây là doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Home Credit và chiếm thị phần lớn trên thị trường cho vay tiêu dùng.

Theo giấy đề nghị vay vốn kiêm phương án trả nợ mà chị Thanh cung cấp choVnExpress, khoản vay 30 triệu đồng này được tính lãi suất 6% một tháng (tương đương 72% một năm).

Một số khách hàng khác cũng chia sẻ họ đang vay với lãi suất 5-6% một tháng do nhu cầu bức thiết. Dù biết trước điều này khi vay, nhưng nhìn lãi suất ngân hàng ngày một giảm, họ mới xót xa cho số tiền lãi phải trả.

Anh Hà, một khách hàng khác của Công ty PPF cho biết, không chỉ lãi suất cao, khi muốn thanh toán khoản vay 12 tháng sớm trước nửa năm, công ty yêu cầu trả lãi cao không kém gì khi anh tiếp tục duy trì hợp đồng. “Tính ra, chẳng khác gì với việc tôi cố bấm bụng nợ hết một năm cả”, anh Hà nói.

Lãi suất huy động tại các ngân hàng thời điểm cuối năm 2012 cao nhất chỉ 8% một năm và lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân theo chào mời là khoảng 15-20% một năm. Trong khi đó, các công ty tài chính thường chào trên 24%, thậm chí trên 30% một năm.

Lý giải với VnExpress, ông Vũ Quốc Bình – Giám đốc Công ty PPF chi nhánh Hà Nội – cho biết công ty phải áp lãi suất 72% cho một số khoản vay vì chi phí huy động vốn vô cùng đắt đỏ. “Khác với ngân hàng, chúng tôi không được huy động lãi suất 7-8% từ dân cư, nguồn vốn sử dụng chủ yếu vay lại từ các nhà băng trong nước và thế giới. Riêng chi phí huy động vốn đầu vào đã ước chừng 22-23% một năm”, đại diện PPF cho biết.

Theo vị này, với đặc thù là công ty tài chính cho vay tiêu dùng, các khoản vay không lớn, chỉ từ 20-40 triệu nhưng lại rất rủi ro vì cho vay tín chấp, hồ sơ thủ tục đơn giản. Hơn nữa, chi phí hoạt động bộ máy quản lý rủi ro, từ khâu đại lý đến đội ngũ nhắc, thúc nợ hay đội thu hồi nợ… của công ty đều khá cồng kềnh. Một lý do khác khiến lãi suất cao theo PPF là vì họ vẫn phải trích lập dự phòng các khoản cho vay như ngân hàng. “Báo cáo tài chính của công ty cho thấy, lợi nhuận thu về chỉ là 8-10% chứ không phải tất cả 60, 70% như thế”, ông Bình khẳng định.

Khoản không nhỏ trong cơ cấu lãi suất của PPF đó là chi phí bù đắp rủi ro phát sinh. Công ty cho vay tài chính tiêu dùng hầu như không yêu cầu tài sản thế chấp, mức độ tín nhiệm cũng như khả năng trả nợ của khách hàng cũng không được đòi hỏi cao. Nguy cơ mất vốn trong những trường hợp khách hàng chây ì là không nhỏ.

Ông Bình cho biết lãi suất của PPF được chia từ thấp tới cao theo từng khoản vay khác nhau, nhưng nhìn chung đang cao nhất thị trường nếu so sánh với các sản phẩm cùng loại. “Chúng tôi không thể thấp hơn được, làm như vậy tự hại mình. Lãi suất chúng tôi niêm yết công khai, khách hàng biết rõ điều này trước khi vay. Chúng tôi cũng không khuyến khích khách hàng không có nhu cầu thực sự, không có khả năng trả nợ mà lại đi vay”, ông Bình nói.

Về việc vẫn tính nguyên lãi suất thời gian còn lại nếu khách hàng muốn tất toán hợp đồng trước, giám đốc của PPF lý giải phải làm vậy để bù đắp các chi phí hoạt động đã được tính cho cả khoản vay của khách.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân đến từ đâu, nhiều chuyên gia và cả luật sư vẫn gọi 72% là một mức lãi suất “cắt cổ”, “phản cảm”… “Lãi suất như vậy chẳng khác nào đi vay lãi ngày. Nói theo cách tính của tín dụng đen thì chi phí vay cũng khoảng 2.000 đồng một ngày trên một triệu đồng”, một chuyên gia tài chính nói.

Ông Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng – cho rằng mức lãi suất này không thể chấp nhận được. “Đành rằng lãi suất vay tiêu dùng không thể thấp như cho vay sản xuất được nhưng không phải vì thế lại tính quá cao cho khách hàng. Ở Mỹ, các công ty tài chính tiêu dùng cũng không tính quá cao như thế”, vị chuyên gia từng có thâm niên làm việc tại nước ngoài bình luận.

Còn Ông Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – gọi đây là mức lãi “kinh khủng” bởi nó gấp gần chục lần mức huy động tại ngân hàng. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, dù bản thân ông và xã hội rất bất bình với kiểu cho vay nêu trên nhưng lại rất khó giải quyết bằng pháp luật.

Theo luật sư, Khoản 1 Điều 476 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”. Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng đã không còn hoạt động theo quy định này mà họ vẫn áp quy định trong Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 rằng họ có thể tự thỏa thuận lãi suất.

“Đây là một điều bất hợp lý của Luật. Theo tôi vẫn cần thiết để có một mức tối đa chống cho vay nặng lãi”, luật sư này nhìn nhận. 

Về phía người dân, các chuyên gia cho rằng khách hàng cũng có nhiều cái sai khi chấp nhận ký các hợp đồng mà không tìm hiểu kỹ. Hơn thế nữa, theo khuyến cáo của các chuyên gia, ở những nước văn hóa tín dụng của người dân chưa phát triển như Việt Nam, khách hàng nên nhớ chỉ vay tiền khi thực sự cần thiết và đầy đủ phương án trả nợ.

Thanh Thanh Lan

(181/1.176)


VNExpress 26-7-2013

http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/ebank/ngan-hang/vay-tai-chinh-tieu-dung-lai-suat-toi-72-mot-nam-2855521.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.423. Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to...

Will Duc Giang Chemical’s leadership breach lead to penalties? (VNN) - The leadership structure...

Trích dẫn 

3.975. “Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên...

“Nóng” giá vàng trong năm 2025, có nên đầu tư? (NĐT) - Được hỗ...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,155