311. Bình luận về Thông tư cho phép thanh toán bằng tiền mặt Nhân dân tệ.

(ANVI) – Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên VIAC bình luận để cung cấp cho báo chí.

1. Được phép thanh toán:

Chỉ có 1 trường hợp duy nhất được phép thanh toán bằng tiền mặt Nhân dân tệ.

2. Không vi hiến và trái luật

Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc là phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật.

Hiến pháp năm 2013 không quy định về ngoại hối nói chung và ngoại tệ nói riêng mà chỉ có 2 điều quy định về tiền tệ. Đó là Điều 55 quy định “Đơn vị tiền tệ quốc gia là Đồng Việt Nam” và Điều 70 quy định, Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tiền tệ quốc gia. Quốc hội cũng ban hành Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010, trong đó tại Điều 4 đã quy định, ngoại hối thuộc trách nhiệm quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn và cụ thể hoá quy định tại nhiều văn bản như Hiệp định thương mại biên giới giữa hai Chính phủ Việt Nam – Trung Hoa năm 2016, Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23-01-2018 của Chính phủ “Quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới” theo Luật Quản lý ngoại thương năm 2017.

Đặc biệt, Hiệp định mà chúng ta ký kết với các nước có hiệu lực cao hơn cả luật và chỉ sau Hiến pháp, theo quy định tại Điều 56, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Như vậy, Thông tư số 19/2018/TT-NHNN là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và các đạo luật liên quan.

3. Phù hợp với Pháp lệnh ngoại hối

Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy đinh mọi giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối. Cụ thể, Điều 22, Pháp lệnh Ngoại hối cũng như các Nghị định số 70/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành đã quy định rõ, trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại hối (ngoại tệ) đối với 9 loại hành vi sau: Mọi giao dịch (như cho vay, mượn, gửi giữ, mua bán, trao đổi), thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận).

Tuy nhiên, đồng thời các văn bản trên cũng đã quy định, có 24 trường hợp sau thì vẫn được phép thực hiện bằng ngoại hối: Cất giữ; mang theo; tặng, cho; thừa kế; mang, chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam; góp vốn vào doanh nghiệp (theo Luật Doanh nghiệp năm 2014) và 17 trường hợp khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước như gửi các ngân hàng, bán hàng tại cửa hàng miễn thuế ở cửa khẩu, xuất nhập khẩu hàng hoá,…

4. Không ảnh hưởng đến đồng tiền pháp định

Thông tư 19 quy định các hình thức thanh toán bằng VND và Nhân dân tệ (CNY) cho các thương nhân và cư dân khu vực biên giới Việt – Trung hầu như không ảnh hưởng gì đến vai trò, vị trí của VND vốn được xem là đồng tiền pháp định, chính thức được NHNN phát hành và thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa các quốc gia nói chung, thì các pháp nhân và cá nhân hai bên đều có quyền thoà thuận thanh toán qua ngân hàng bẳng đồng tiền của một trong hai nước hoặc đồng tiền của nước thứ 3 (thường lựa chọn loại ngoại tệ tự do chuyển đổi).

Thứ hai, theo quy định của pháp luật ngoại hối như đã nêu trên, ngoài việc sử dụng VND thì còn có ít nhất 24 trường hợp vẫn được phép sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ tư, Thông tư 19 đã quy định, trên các khu vực và chợ biên giới thuộc lãnh thổ Việt Nam, việc mua bán hàng hoá, dịch vụ của cư dân biên giới vẫn buộc phải sử dụng bằng VND hoặc thanh toán bằng đồng CNY, USD hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi khác qua ngân hàng, mà không được sử dụng đồng tiền mặt CNY. Chỉ có trường hợp ngoại trừ duy nhất được phép nhận thanh toán bằng tiền mặt CNY khác với đồng USD là thương nhân ở các địa bàn cấp xã tại biên giới Việt Nam khi xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ cho Trung Quốc theo hợp đồng và sau đó phải nộp vào ngân hàng trong vòng 7 ngày làm việc.

Thứ ba, Thông tư 19 cũng đã quy định, việc mang tiền mặt là VND, CNY và ngoại tệ khác qua cửa khẩu biên giới Việt – Trung vẫn phải thực hiện theo quy định chung của pháp luật Việt Nam về việc mang tiền mặt khi xuất cảnh, nhập cảnh như với tất cả các nước khác.

Như vậy, việc thanh toán bằng đồng CNY tại biên giới Việt – Trung, cũng như đồng Kip tại biên giới Việt – Lào và đồng Riel tại biên gới Việt – Campuchia đã được thực hiện từ hàng chục năm qua, chỉ là những ngoại lệ và gần như không ảnh hưởng đển vai trò, vị trí đồng tiền pháp định quốc gia VND.

5. Thương nhân và cư dân biên giới

Việc xác định thương nhân và cư dân biên giới đã có cơ sở pháp lý rõ ràng. Đối với thương nhân biên giới thì căn cứ vào địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh là tại các đơn vị cấp xã tại biên giới. Tương tự đối với cư dân biên giới thì là địa chỉ cư trú căn cứ vào chứng minh nhân dân (căn cước công dân), hộ khẩu.

Cũng giống như đối với các ngoại tệ khác, việc thanh toán bằng đồng CNY ngoài khu vực biên giới là bất hợp pháp và người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền rất lớn, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền thanh toán vi phạm. Nếu người dân nắm rõ quy định này và các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm thì không đáng lo ngại. Hơn nữa, việc thanh toán tương tự không phải mới phát sinh mà đã được thực hiện từ năm 1994.

6. Chế tài xử phạt vi phạm

Thông tư 19 không có các chế tài để xử lý những vi phạm như trường hợp việc thanh toán đồng CNY vượt ra khỏi khu vực biên giới. Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Bộ luật Hình sự năm 2015, thì chỉ có Nghị định của Chính phủ mới được phép quy định các chế tài xử lý vi phạm hành chính và chỉ có Bộ luật Hình sự của Quốc hội mới dược phép quy định các chế tài xử phạt hình sự.

Hiện nay, chế tài hành chính phạt tiền đối với hành vi thanh toán bằng đồng CNY ngoài khu vực biên giới và các trường hợp như trên với số tiền từ 200 đến 500 triệu đồng đã được quy định tại Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng”.

Thông tư quy định việc mua bán hàng hóa, dịch vụ qua biên giới của thương nhân được phép thanh toán bằng tiền mặt CNY trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và phải nộp tiền ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền mặt CNY. Trong trường hợp thương nhân không nộp tiền vào tài khoản ngân hàng sau 7 ngày như quy định trong Thông tư thì hiện nay chưa có quy định xử phạt vi phạm. Tuy nhiên, quá thời hạn quy định mà thương nhân không nộp vào tài khoản ngân hàng thì có thể coi số tiền CNY của thương nhân là bất hợp pháp. Khi đó, sẽ không có cơ sở pháp lý hợp pháp để bán cho ngân hàng hay nộp vào tài khoản tại ngân hàng. Nếu thương nhân bán cho đối tượng không phải là ngân hàng hoặc thanh toán bằng số tiền mặt đó thì sẽ là phạm pháp và bị xử lý theo các chế tài liên quan.

Để phòng chống các trường hợp vi phạm thì các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về ngoại hối nói chung và việc thanh toán bằng đồng CNY nói riêng./.

Hà Nội 09-9-2018:

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.390. Cải cách thể chế bắt đầu từ con người.

Cải cách thể chế bắt đầu từ con người. (VNN) - Thể chế sai không thể...

Trích dẫn 

3.908. Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản...

Ngăn chặn những "văn phòng bất động sản di động" đẩy giá đất. (VTV.vn)...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 231,735